Bí ẩn vụ mưu sát nhà linh trưởng học Dian Fossey

GD&TĐ - Dian Fossey là nhà linh trưởng học và chuyên gia bảo tồn nổi tiếng. Sau hai thập niên làm việc không mệt mỏi để tìm hiểu về xã hội, tập tính của loài khỉ đột núi ở châu Phi, bà đã gặp một kết cục bi thảm.

Nơi Dian Fossey yên nghỉ.
Nơi Dian Fossey yên nghỉ.

Điều gì đã khiến một nhà khoa học yêu động vật, chết một cách đau thương như vậy? Cho đến nay vụ mưu sát bà vẫn chìm trong bí ẩn. 

Theo tiếng gọi của rừng thẳm

Sinh năm 1932, lớn lên ở San Francisco, Mỹ, Dian Fossey sống trong một thế giới khác biệt với vùng rừng núi Rwanda, nơi sau này bà tìm thấy chính mình. Khi mới lên 6 tuổi, bà được cha mẹ ghi danh cho học cưỡi ngựa và sau đó đã giành được một vị trí trong đội cưỡi ngựa ở trường trung học.

Bất chấp việc cha mẹ từ chối không cho nuôi động vật, Fossey luôn tỏ ra thiện cảm với những con thú quanh mình. Khi lớn lên, bà theo học ngành Chăn nuôi tại Đại học California. Tuy nhiên, cảm thấy việc học tập gặp nhiều khó khăn nên cuối cùng Fossey chuyển sang chuyên ngành Tư vấn nghề nghiệp. Thế nhưng, tình yêu của bà dành cho loài vật vẫn không suy giảm.

Bà bắt đầu xây dựng cuộc sống của mình xung quanh việc chăm sóc loài vật, sau đó chuyển đến một trang trại ở Kentucky để tìm cuộc sống hòa hợp với tự nhiên.

Năm 1963, trong một kỳ nghỉ 7 tuần, Fossey quyết định đến thăm châu Phi. Với các khoản vay ngân hàng và tiền tiết kiệm, bà bắt đầu khám phá vùng hoang dã của Zimbabwe, Kenya, Congo và Tanzania.

Sự hiếu kỳ của Fossey đặc biệt được thúc đẩy bởi các nghiên cứu của Jane Goodall, nhà nữ khoa học đã dành nhiều thập niên làm việc với loài tinh tinh trong rừng rậm. Để nghiên cứu xã hội của các loài vượn, Goodall đã dành nhiều năm theo dõi và quan sát chúng trong môi trường sống tự nhiên.

Trong chuyến thám hiểm ngắn ngủi này, Fossey đã chạm trán với những con khỉ đột núi khổng lồ và chúng đã để lại cho bà nhiều ấn tượng. Bà nhớ lại: “Hạt giống đã được gieo vào đầu tôi, ngay cả trong vô thức, rằng một ngày nào đó tôi sẽ trở lại châu Phi để nghiên cứu về khỉ đột trên núi”.

Sau khi trở về Mỹ, Fossey hợp tác với Louis Leakey, một nhà cổ sinh vật học và nhân chủng học, cùng thực hiện cuộc nghiên cứu về khỉ đột núi. Vào năm 1966, bà trở lại Congo với nguồn tài chính có được nhờ sự giúp đỡ của Leakey, sau đó xuất bản các ấn phẩm trình bày chi tiết những phát hiện của mình.

Tuy nhiên, sứ mệnh của bà đã bị ngắt ngang bởi bạo lực. Vào năm 1967, biến động chính trị nổ ra ở Congo và trại căn cứ của bà bị các tay súng nổi dậy tấn công nhưng Fossey may mắn thoát chết. Theo lời khuyên từ Đại sứ quán Hoa Kỳ, Fossey băng qua Uganda và đến Rwanda, nơi bà thành lập trại thứ hai, Karisoke, ở vùng núi trên độ cao 2.750m so với mực nước biển.

Mục tiêu chính của bà là nghiên cứu về hành vi, xã hội hóa và nhân khẩu học của khỉ đột trong tự nhiên. Do phải nhận ra từng cá thể để phân tích kỹ lưỡng, bà đã bắt chước hành động của chúng, quỳ gối, đi bằng bốn chân, ăn cùng, đồng thời tương tác rộng rãi với chúng.

Điều này đã mang lại thuận lợi cho bà trong việc thiết lập mối quan hệ với các loài động vật hoang dã. Bà đã tiếp cận một địa điểm mà các nhà nghiên cứu trước đây từng bỏ qua, sau khi được chấp nhận là một thành viên trong những gia đình của khỉ đột. Những nhà nghiên cứu trước đó đã bị khỉ đột nghi ngờ, nhưng Fossey lại được chúng chấp nhận.

Nhà linh trưởng học Dian Fossey (1932 – 1985).
Nhà linh trưởng học Dian Fossey (1932 – 1985).

Cuộc chiến với bọn săn trộm

Khu bảo tồn của bà luôn bị những kẻ săn trộm xâm nhập, chúng đã hối lộ lính canh để được bỏ qua. Điều này khiến Fossey mất tinh thần. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, việc sát hại Digit vào năm 1977, một con vượn mà bà thân thiết từ khi còn nhỏ, đã tạo một bước ngoặt đối với Fossey.

Bắt đầu từ đó, Fossey tiến hành một cuộc chiến công khai chống lại những kẻ săn trộm và bất kỳ lực lượng nào tiếp tay cho những kẻ gây nguy hiểm đối với những người bạn linh trưởng hiền lành của bà.

Nhà bảo tồn đã sử dụng các hành động phi chính thống và có tính khiêu khích cao để đạt được mục đích của mình. Bà bắt giữ, thậm chí đánh đập những kẻ săn trộm bị bắt gặp trong khu bảo tồn. Với những hành động như vậy, Fossey đã tự đặt mình vào vòng nguy hiểm.

Vào ngày 26/12/1985, người ta tìm thấy nhà khoa học Dian Fossey bị sát hại dã man trong ngôi nhà gỗ của bà ở chân núi Virunga tại Rwanda. Bằng chứng còn lại là một con dao rựa, một khoảng trống xuyên qua vách phòng ngủ, đồ đạc không bị đụng đến và sáu nhát dao trí mạng vào hộp sọ của bà. Hoàn cảnh nào đã dẫn đến vụ ám sát Fossey với vũ khí là một con dao rựa mà bà đã thu giữ được từ một kẻ săn trộm?

Cho đến ngày nay, thủ phạm gây ra cái chết của Fossey vẫn chưa được xác định nhưng rất nhiều giả thuyết được đưa ra. Trong khi đó, trợ lý nghiên cứu của Fossey, Wayne Maguire, người đã bỏ trốn khỏi đất nước sau cái chết của bà, đã bị kết án vắng mặt bởi chính phủ Rwanda. Liệu việc đưa ra phán quyết vội vã này có phải là một chiến thuật nhằm đánh lạc hướng công chúng?

Trong cuốn sách Murders In The Mist: Who Killed Dian Fossey?, tác giả Nicolas Gordon, chỉ ra rằng, sự hiểu biết của Dian Fossey về nạn buôn bán động vật bất hợp pháp trong tầng lớp giàu có của Rwanda đã khiến bà bị đưa vào sổ đen, cần phải loại trừ. Theo một giả thuyết khác, vụ mưu sát nhà khoa học chỉ đơn thuần là sự trả thù của một kẻ săn trộm, người đã từng chứng kiến sự trừng phạt của bà với đồng bọn của hắn.

Dian Fossey được chôn cất trong một nghĩa trang ở Karisoke cùng với Digit và những con khỉ đột khác do bà bảo hộ bị những kẻ săn trộm sát hại.

Theo Historicmysteries

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ

Học sinh lớp 12 đăng ký phương thức xét tuyển sớm của Trường Đại học Công Thương TPHCM, tháng 4/2024. Ảnh: Mạnh Tùng

Điểm cao chẳng thể chủ quan

GD&TĐ - Dù đạt điểm cao ở các kỳ thi đánh giá năng lực, thí sinh vẫn cần tập trung tốt cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT, đồng thời đăng ký nguyện vọng hiệu quả nhất.