5 vụ ám sát thành công chấn động thế giới

GD&TĐ - Nhiều chính trị gia, nhà quân sự trên thế giới đã trở thành mục tiêu của những vụ ám sát kinh hoàng bởi thù hận hoặc bất đồng quan điểm.

Tổng thống Jovenel Moise bị ám sát vào ngày 7/7.
Tổng thống Jovenel Moise bị ám sát vào ngày 7/7.

Trong khi đó, nhiều người của công chúng cũng bị ám sát chỉ vì hung thủ muốn… vang danh lịch sử.

1. Jovenel Moise

Tổng thống Haiti Jovenel Moise, 53 tuổi, bị bắn chết vào rạng sáng ngày 7/7 vừa qua, sau khi một toán người mang vũ trang tấn công tư gia của ông ở Port-au-Prince.

Nhóm người này nói tiếng Anh lẫn tiếng Tây Ban Nha, đã đột nhập vào tư dinh riêng của Tổng thống Moise. Một người trong nhóm đã hét lớn khi xông vào trước cửa tư dinh rằng: “Đây là chiến dịch của Lực lượng Phòng chống Ma tuý Mỹ (DEA). Tất cả lùi lại, rời khỏi vị trí”.

Sau đó, nhóm nhanh chóng xông vào bên trong tư dinh và hàng loạt tiếng súng đinh tai nhức óc rộ lên. Tổng thống bị bắn chết tại chỗ trong khi Đệ nhất phu nhân Martine, 47 tuổi, bị thương nặng và được đưa sang Mỹ điều trị.

Tổng thống Moise bị bắn 12 vết đạn ở những vị trí hiểm. Ở hiện trường, cơ quan điều tra tìm thấy nhiều vỏ đạn cỡ 5,56 và 7,62 mm. Phòng làm việc và phòng ngủ của ông bị lục soát. Tổng thống Moise có đội an ninh riêng, gồm các thành viên của Cảnh sát Quốc gia Haiti nhưng chỉ ông và Đệ nhất phu nhân Martine bị bắn.

Xuất thân từ doanh nhân, Tổng thống Moise dấn thân vào chính trường nhờ các mối quan hệ chính trị được xây dựng trong thời gian kinh doanh. Bước ngoặt của ông Moise đã gây nhiều tranh cãi.

Ông bị coi là “con rối” của cựu Tổng thống Martelly, thiếu sự tín nhiệm của các đảng và người dân. Song Tổng thống Moise dựa vào “quyền lực cứng” để tiếp tục nắm quyền. Vụ ám sát xuất hiện vào thời điểm sự tín nhiệm dành cho Tổng thống Moise xuống đến rất thấp, nhiều thế lực muốn lật đổ ông.

Đến thời điểm hiện tại, 2 nghi phạm người Mỹ trong vụ ám sát Tổng thống Moise đã bị bắt. Họ từ chối khai nhận những thông tin liên quan đến vụ án, tự nhận là phiên dịch viên của nhóm tấn công. Ngoài 2 người Mỹ, nhóm tấn công gồm 17 người Colombia.

Những thành phần chủ chốt trong nhóm tấn công đã nằm vùng tại Haiti 3 tháng để nghiên cứu địa hình, xây dựng chiến lược ám sát tổng thống. Trong nhóm, 3 người đã thiệt mạng còn 8 người khác vẫn đang lẩn trốn. Giới chức Haiti tiếp tục truy lùng những kẻ chủ mưu của vụ ám sát. Mỹ và Colombia cũng cử đội hỗ trợ điều tra vụ ám sát vì có liên quan đến công dân nước họ.

2. Alexander Litvinenko

Alexander Litvinenko bị ám sát bởi chất kịch độc polonium.
Alexander Litvinenko bị ám sát bởi chất kịch độc polonium.

Ngày 1/11/2006, cựu điệp viên FSB, nguyên Trung tá của Tổng cục An ninh Liên bang Nga chuyên về các tội ác có tổ chức, Alexander Litvinenko, bất ngờ đổ bệnh tại Anh. Ông bị ốm sau khi dùng bữa tại nhà hàng sushi Itsu ở London. 2 ngày sau, tình trạng của ông trở nặng.

Litvinenko bị nôn, tiêu chảy và không thể đi lại được. Ông được đưa đến điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Barnet nhưng ba tuần sau, ông qua đời.

Các bác sĩ chẩn đoán Litvinenko bị đầu độc bằng chất polonium. Đây là một trong những nguyên tố hiếm nhất thế giới, được vợ chồng Marie và Pierre Curie phát hiện năm 1898.

Nguyên tố này thường được sử dụng trong các lò phản ứng, chứa các phân tử phóng xạ alpha có thể tấn công gan, thận và tuỷ sống trong thời gian ngắn. Trong cơ thể Litvinenko chứa lượng polonium cao gấp 5 lần bình thường, đủ để giết chết một người khoẻ mạnh.

Tháng 11/1998, Litvinenko và một số sĩ quan FSB khác tố cáo cấp trên ra lệnh ám sát nhà tài phiệt Nga Boris Berezovsky. Một năm sau, Litvinenko bị bắt song được tuyên bố trắng án. Năm 2000, ông chạy trốn cùng gia đình đến London và tị nạn ở Anh.

Trước khi bị đầu độc, Litvinenko được chứng kiến đã gặp ông Andrey Lugovoy, cựu thành viên Ủy ban An ninh quốc gia Xô-Viết (KGB) và là nghị sĩ người Nga. Cơ quan điều tra Anh đã lần theo dấu vết buôn bán chất polonium tới một nhà máy hạt nhân Nga và xác định Lugovoy là kẻ bỏ thuốc độc. Tuy nhiên, Nga từ chối dẫn độ Lugovoy sang Anh.

Dù cái chết của Litvinenko đã trôi qua nhiều năm, một bí mật vẫn chưa thể hé lộ, đó là làm thế nào hung thủ có thể mang chất polonium nguy hiểm từ Nga sang Anh. Làm thế nào họ có thể qua mắt được giới chức Anh tại các khu vực biên giới vốn được kiểm tra nghiêm ngặt? Và phải chăng, vụ án này có liên quan đến đường dây buôn lậu chất phóng xạ quy mô quốc tế?

3. John Lennon

Kẻ sát hại danh ca John Lennon chỉ muốn nổi tiếng.
Kẻ sát hại danh ca John Lennon chỉ muốn nổi tiếng.

Đêm 8/12/1980, sau khi trở về từ phòng thi album “Double Fantasy”, John Lennon cùng vợ, Yoko Ono, trở về nhà tại một căn chung cư ở Mỹ. John Lennon đã bị Mark Chapman, một người đàn ông xa lạ, bắn bốn phát súng vào lưng, rồi bình tĩnh ngồi đọc sách chờ cảnh sát tới hiện trường. Trong khi đó, bà Yoko bàng hoàng đỡ lấy người chồng đang hấp hối.

Dù nhanh chóng được đưa vào bệnh viện, nam danh ca không thể qua khỏi do mất máu quá nhiều. Mark Chapman được coi là fan cuồng vì trước đó, hắn ta đã xin chữ ký, thậm chí là chụp ảnh cùng thần tượng.

Vụ ám sát John Lennon được coi là sự kiện gây chấn động làng âm nhạc thế giới, đứng đầu danh sách 100 thảm kịch tồi tệ nhất trong lịch sử âm nhạc. John Lennon là danh ca huyền thoại trong nhóm nhạc đình đám The Beatles.

Sau 5 năm lui về sống ẩn dật, Lennon quyết định tái xuất với album “Double Fantasy”. Song anh không kịp gửi đến công chúng những bài hát hấp dẫn thì đã ra đi mãi mãi.

Mark Chapman và John Lennon vốn không có tư thù cá nhân. Cơ quan điều tra cho biết, Chapman ám sát Lennon đơn giản vì muốn được biết đến, muốn… vang danh trong lịch sử. Khi nhận tin, vợ của Chapman, bà Gloria Hiroko Chapman không hề bất ngờ.

Bà Gloria cho biết Chapman đã nảy sinh ý tưởng điên rồ này trong nhiều năm. Trước đây, hắn ta không ra tay vì nghe lời vợ khuyên can. Nhưng tham vọng điên rồ này vẫn tiếp tục âm ỉ và bùng cháy lên trong suy nghĩ của hắn ta. Chapman đã một mình di chuyển từ Anh sang New York, Mỹ, để tự tay ghi danh sử sách.

Dù đã hơn 40 năm sau cái chết của John Lennon, vợ ông, Yoko, vẫn không thể nguôi nỗi ám ảnh. Bà sống khép kín, cực kỳ cẩn thận mỗi khi ra ngoài, thậm chí luôn bất an khi sống trong căn hộ của mình.

4. Martin Luther King Jr.

Mục sư Luther King là người chiến đấu vì dân quyền.
Mục sư Luther King là người chiến đấu vì dân quyền.

Ngày 4/4/1968, Martin Luther King Jr., mục sư đồng thời là nhà đấu tranh nhân quyền cho người Mỹ da đen bị bắn chết bằng một phát đạn duy nhất. Viên đạn xuyên qua má phải, làm vỡ hàm, sau đó đi qua đốt sống cổ rồi nằm lại trong vai ông. Thời điểm đó, Luther King đang đứng trên ban công khách sạn Lorraine, thành phố Memphis, bang Tennessee, Mỹ.

Ông nhanh chóng được đưa đến Bệnh viện St.Joseph nhưng không qua khỏi. Luther King qua đời ở tuổi 39.

Cái chết của Luther King đã gây ra bạo động tại hơn 60 thành phố trên toàn nước Mỹ. Luther King được biết đến với nhiều thành tựu nổi bật, đặc biệt trong việc đấu tranh chống phân biệt đối xử vì chủng tộc, màu da, tôn giáo hay giới tính tại Mỹ.

Trong quá trình làm mục sư, ông tổ chức nhiều phong trào đấu tranh bất bạo động nhằm đòi lại quyền bình đẳng cho mọi công dân của nước Mỹ. Năm 1964, Luther King trở thành người trẻ nhất được trao giải Nobel Hoà bình.

Sự ra đi của Luther King là nỗi mất mát lớn cho phong trào đấu tranh chống phân biệt đối xử tại Mỹ và khắp nơi trên thế giới. Dù vậy, ông đã để lại nhiều bài học giá trị về dân quyền. Nước Mỹ sau cái chết của Luther King đã hướng đến dân quyền, tự do, bình đẳng.

Hai tháng sau cái chết của Luther King, cảnh sát Anh bắt được nghi phạm James Earl Ry đang tìm cách chạy trốn đến châu Phi bằng hộ chiếu giả. Người này ngay lập tức được dẫn độ về Mỹ và bị truy tố vì tội ám sát Luther King.

Trước đó, ngày 2/4, Ray thuê khách sạn New Rebel, bang Tennessee. Hắn biết rằng mục sư Luther King sẽ có mặt tại khách sạn Lorriane nên đã tìm cách đột nhập vào khách sạn này.

Khoảng 4 giờ chiều 4/4, Ray đi mua ống nhòm. Qua phòng đặt tại khách sạn Lorriane, Ray đã nhắm bắn và sát hại Luther King. Ngay sau đó, hắn di chuyển đến bang Georgia và tìm cách trốn ra nước ngoài.

Tháng 3/1969, Ray bị tuyên phạt 99 năm tù giam. 8 năm sau, hắn cùng 6 tù nhân khác trốn thoát khỏi nhà tù Peny Mountain, bang Tennessee nhưng chỉ 3 ngày sau, cả nhóm bị bắt lại. Ngày 23/4/1998, Ray qua đời tại một bệnh viện bang Tennessee. Hắn không muốn chôn cất trên đất Mỹ nên được gia đình đưa về quê hương Ireland.

5.John F. Kennedy

Vụ ám sát Tổng thống Kennedy còn nhiều nghi vấn.
Vụ ám sát Tổng thống Kennedy còn nhiều nghi vấn.

Ngày 22/11/1963, Tổng thống Mỹ John F. Kennedy bị ám sát khi đi vận động tranh cử trên một chiếc xe mui trần tại thành phố Dallas, bang Texas. Phát súng thứ nhất bắn trượt xe nhưng phát thứ hai xuyên qua cổ tổng thống, trúng vào lưng của Thống đốc Connally.

Đến phát thứ ba trúng đầu Tổng thống Kennedy, ngã về phía Đệ nhất phu nhân Bouvier. Đoàn xe chạy thẳng đến bệnh viện nhưng tổng thống đã qua đời trên đường di chuyển.

Sát thủ được xác định là Lee Harvey Oswald, lính thuỷ quân lục chiến người Mỹ. Nhưng sau vụ ám sát 2 ngày, hung thủ bị bắn chết trên đường di chuyển từ sở cảnh sát đến nhà tù địa phương. Điều này khiến cái chết của Tổng thống Kennedy càng trở nên bí ẩn. Không ai biết ai là chủ mưu, ai là đồng phạm hay động cơ gây án.

Trong hơn 50 năm qua, các nhà nghiên cứu vẫn tìm kiếm cơ hội giải mã toàn bộ hồ sơ vụ ám sát tổng thống. Đến năm 2017, Mỹ đã hé lộ thêm nhiều tình tiết mới trong vụ án. Cụ thể, trước sự việc 10 ngày, một nhân chứng vô tình nghe thấy có người đặt cược 100 USD với cam kết ông Kennedy sẽ chết trong vòng 3 tuần.

Trong ngày định mệnh, một phóng viên của tờ báo  Cambridge News, Anh, nhận được cuộc gọi bí ẩn, báo rằng có tin quan trọng nhưng cúp máy. Ngay sau đó, tin tức về vụ ám sát Tổng thống Kennedy lan nhanh.

Đến nay, khoảng 88% số hồ sơ liên quan đến vụ ám sát tổng thống Kennedy được công bố. 11% được giải mã nhưng còn 1% vẫn chưa được giải quyết. Tuy nhiên, 1% số hồ sơ này không hề nhỏ, thậm chí có thể chứa đựng toàn bộ bí mật. Cái chết của Tổng thống Kennedy đến nay vẫn là ẩn số đối với nước Mỹ và toàn thế giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.