Bí ẩn tập Bản thảo Voynich

GD&TĐ - Kể từ khi được tái phát hiện vào năm 1912, Bản thảo Voynich với những dòng chữ và hình ảnh minh họa kỳ lạ đã được các học giả tìm cách giải mã.

Wilfrid Voynich trong hiệu sách cổ của ông.
Wilfrid Voynich trong hiệu sách cổ của ông.

Nhưng đến ngày nay, vẫn chưa ai biết chính xác những trang giấy viết tay này nói về điều gì.

Người buôn sách cổ và tập sách lạ

Wilfrid Voynich sinh ngày 12/11/1865 tại thị trấn Telsiai, nay là một phần của Lithuania. Ông học trung học ở thị trấn Suwałki của Ba Lan, sau đó theo học tại các trường ĐH Warsaw, St. Petersburg và Moscow, cuối cùng tốt nghiệp chuyên ngành Hóa học ở Nga.

Năm 1885, Voynich bị cảnh sát Nga bắt giữ, đưa đến trại lao động ở Siberia vì tìm cách giải cứu các thành viên của phong trào cách mạng vô sản. Tuy nhiên, vào năm 1890, ông trốn thoát được, tìm đến sống ở London vào cuối năm đó và tiếp tục ủng hộ các tổ chức chống Nga hoàng. Cho đến năm 1895, ông từ bỏ mọi hoạt động chính trị và bắt đầu công việc bán sách cổ.

Voynich mở hiệu sách đầu tiên tại Quảng trường Soho ở London vào năm 1898 và nhanh chóng chứng tỏ mình là người cực kỳ nhạy bén và khá may mắn khi tìm được những quyển sách quý hiếm. Ông ổn định cuộc sống mới ở thủ đô nước Anh, kết hôn và nhập quốc tịch Anh vào năm 1904, lấy tên là Wilfrid Michael Voynich.

Vào năm 1912, một nhóm tu sĩ Dòng Tên từ Trường Cao đẳng Ghislieri ở Italy bắt đầu bán đấu giá một số quyển sách thuộc thư viện của họ. Hầu hết, trong số này được bán cho Vatican, nhưng Voynich cũng mua được một số - trong đó có một quyển kỳ lạ được đặt theo tên ông: Bản thảo Voynich.

Đây là một tập giấy viết tay giống quyển sách hiện đại hơn là cuộn giấy thời Trung cổ. Nó gồm khoảng 240 trang, được viết bằng một ngôn ngữ hoàn toàn xa lạ. Bên cạnh nhiều hình minh họa về các biểu tượng chiêm tinh, loài thực vật dường như hư cấu là những bức vẽ hình người khỏa thân đang tắm và những sinh vật kỳ ảo như rồng.

Năm 1914, Voynich mở hiệu sách mới ở New York, Mỹ và cố gắng trong nhiều năm tìm cách giải mã những bí ẩn của tập bản thảo. Nhưng thật không may, ông qua đời mà chưa phát hiện được điều gì về “tác phẩm” này.

Sau cái chết của Voynich vào năm 1930, quyền sở hữu tập bản thảo được chuyển cho vợ ông. Bà này qua đời vào năm 1960 và để lại di sản cho bạn thân, Anne Nill. Một năm sau, Nill bán bản thảo trên cho một hiệu sách cổ của Hans P. Kraus.

Tuy nhiên, Kraus không tìm được người mua quan tâm, nên vào năm 1969, đã tặng cổ vật này cho Đại học Yale, nơi nó được phân loại là “MS 408” trong Thư viện Bản thảo và Sách Quý hiếm Beinecke. Sau đó, vào năm 2020, Yale đã tải toàn bộ Bản thảo Voynich lên thư viện kỹ thuật số trực tuyến của trường để mọi người đều có thể truy cập đầy đủ.

Mặc dù, các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau đã cố gắng giải mã tác phẩm kỳ lạ này trong nhiều thập niên sau đó, nhưng ý nghĩa thực sự của Bản thảo Voynich vẫn hoàn toàn bí ẩn.

Tập bản thảo bí ẩn.

Tập bản thảo bí ẩn.

Ai là chủ nhân đầu tiên?

Qua nhiều năm, một số giả thuyết về Bản thảo Voynich đã xuất hiện. Chẳng hạn, đây là sổ tay hướng dẫn sức khỏe phụ nữ, hoặc do chính Voynich tạo ra nó như một trò lừa. Thậm chí có người còn cho nó thuộc về người ngoài hành tinh.

Trong khi đó, nhà vật lý học Andreas Schinner sau một thời gian nghiên cứu đã phát hiện Bản thảo Voynich không thể hiện ngôn ngữ có cấu trúc tự nhiên, mà là một chuỗi ký tự ngẫu nhiên. Ông gợi ý, đây là một trò bịp thời Trung cổ và nội dung trong đó hoàn toàn vô nghĩa.

Tuy nhiên, một số nghiên cứu khác lại cho kết quả ngược lại, theo đó nó được viết bằng một dạng ngôn ngữ mới, chưa được biết đến, cũng có thể là phiên bản lạ của tiếng Latinh, tiếng Do Thái hoặc tiếng Thổ Nhĩ Kỳ.

Sau cùng, công nghệ hiện đại cũng đã mở hướng giải mã Bản thảo Voynich và hé lộ một số thông tin quan trọng.

Vào tháng 1/2023, The Art Newspaper đưa tin, nhà nghiên cứu Stefan Guzy có khả năng đã lần ra được các chủ sở hữu của Bản thảo Voynich. Guzy nói: “Ý tưởng của tôi là tổng hợp các giao dịch liên quan đến bản thảo qua phân tích sổ sách hoàng gia của Hofkammer ở Vienna và Praha, nơi tất cả các bức thư đến và đi đều được ghi lại. Nếu có bất kỳ việc mua bán nào liên quan đến 600 đồng vàng, thì khả năng khá cao đó là giao dịch được đề cập trong thư Marci”.

Marci mà Guzy nói đến là bác sĩ hoàng gia thế kỷ 17, Johannes Marcus Marci, người đã nhận được Bản thảo Voynich từ chủ sở hữu trước đó của nó, nhà giả kim Georg Baresch.

Marci thường xuyên trao đổi thư từ với học giả Athanasius Kircher. Sau khi có được bản thảo, ông đã gửi nó cho người này cùng với một bức thư, trong đó viết: “Quyển sách này được một người bạn thân để lại cho tôi. Tôi dành nó cho bạn, Athanasius thân yêu, vì tôi tin chắc không ai có thể đọc được nó ngoại trừ chính bạn”.

Nhờ bức thư này mà Guzy có thể truy ngược lại những chủ sở hữu quyển sách. Ông phát hiện nó từng thuộc về Hoàng đế La Mã thần thánh Rudolf II, người đã mua nó từ một người bán giấu tên với giá 600 ducat, trong khoảng thời gian từ 1576 - 1612.

Guzy truy tìm các ghi chép từ năm 1599 và thấy Rudolf II đã mua một sưu tập các bản thảo viết tay từ bác sĩ Carl Widemann với giá 600 florin - một loại tiền vàng - có thể là thứ mà Marci đã đề cập trong bức thư của ông.

Widemann sống trong nhà của nhà thực vật học Leonard Rauwolf và bán quyển sách cho hoàng đế sau khi vợ chồng Rauwolf qua đời. Guzy nói: “Tôi cho rằng Widemann có lẽ đã thừa hưởng một số cuốn sách từ chủ nhà”.

Dấu vết của tập bản thảo chấm dứt ở đó. Không rõ Rauwolf sở hữu cuốn sách như thế nào và ai là tác giả. Phương pháp xác định niên đại bằng carbon phóng xạ cho thấy nó được viết vào khoảng đầu những năm 1400, từ đó loại trừ giả thuyết về Voynich đã tạo ra quyển sách để lừa bịp.

Bất chấp những phát hiện mới này, bí ẩn về Bản thảo Voynich hiện vẫn còn bí ẩn.

Theo Allthatsinteresting

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ