Thay vì nước mưa trong lành từ trên trời rơi xuống, lại là những đốm màu sền sệt ở khắp nơi. Khi còn chưa hiểu điều gì xảy ra thì nhiều người dân bắt đầu bị ốm. Các nhà khoa học vào cuộc giải thích hiện tượng lạ này nhưng mọi chuyện vẫn còn trong bí ẩn.
Những giọt mưa lạ lùng
Chuyện xảy ra vào năm 1994. Người đầu tiên tiếp xúc với các đốm màu kỳ lạ là sĩ quan cảnh sát David Lacey. Anh đang lái xe tuần tra trên đường cùng một đồng đội thì trời bắt đầu đổ mưa. Bật cần gạt nước, nhưng anh thấy kính chắn gió không sạch trong như mọi khi mà đầy những vết bẩn.
Tấp xe vào trạm xăng kế bên, đeo đôi găng tay vào để lau vết bẩn, Lacey ngạc nhiên khi thấy đó là một hỗn hợp sền sệt phủ đầy xe. Mặc dù nhận biết đây là điều không bình thường, nhưng cho rằng đây là hiện tượng tự nhiên, Lacey không quá lo lắng, cho đến khi anh bắt đầu có triệu chứng ốm.
David Lacey không phải là người duy nhất trải nghiệm hiện tượng lạ trên. Ngay sau đó, nhiều cư dân khác của Oakville, một thị trấn khai thác gỗ trước đây được thành lập vào năm 1905, cũng tường trình về loại “nước mưa” tương tự. Trong ba tuần kế tiếp, thị trấn nhỏ này đã trải qua ba đợt mưa đốm màu từ bầu trời. Chúng có kích thước chỉ bằng hạt gạo, trong mờ có thể bị vỡ nát qua các ngón tay.
Không chỉ kỳ lạ, những đốm màu dường như còn ảnh hưởng đến sức khỏe của cư dân. Trong vòng một ngày sau khi tiếp xúc với chúng, nhiều người bắt đầu ngã bệnh. Lacey cho biết anh cảm thấy mệt mỏi và buồn nôn sau ngày dùng găng tay xử lý vết bẩn trên kính xe.
Cư dân khác, Beverly Roberts, sau khi mang một số đốm màu về nhà để xem kỹ thì có triệu chứng chóng mặt, buộc cô phải đến cơ sở y tế nhờ chăm sóc.
Nhiều người còn bị nhiễm trùng đường hô hấp, nhiễm trùng tai và cúm, nghiêm trọng đến mức phải mất vài ngày để hồi phục sức khỏe tại bệnh viện địa phương. Với loài vật, mọi chuyện còn tồi tệ hơn. Roberts cho biết vào thời điểm đó có ít nhất 12 con vật đã chết sau khi tiếp xúc với những đốm màu lạ.
Lúc đầu, một bác sĩ địa phương, ông David Little, không quan tâm lắm đến các đốm màu này. Ông coi bệnh nhiễm trùng của người dân không liên quan gì đến chúng. Tuy nhiên, khi có nhiều bệnh nhân phàn nàn về các triệu chứng lạ, ông mới đồng ý mang mẫu đến bệnh viện và tiến hành một số xét nghiệm trên chất nhờn kỳ bí này.
Dưới kính hiển vi
Thị trấn Oakville, nơi xảy ra mưa đốm màu kỳ lạ. |
Dưới kính hiển vi, các kỹ thuật viên của bệnh viện đã phát hiện các đốm màu chứa tế bào bạch cầu của con người (tế bào mà cơ thể sử dụng để chống nhiễm trùng). Thật sự kỳ lạ, nhưng không thể giải thích việc rất nhiều người ngã bệnh.
Các mẫu sau đó được gửi đến Bộ Y tế và Bộ Sinh thái của bang Washington. Nhưng ở đây các nhà khoa học không tìm thấy bạch cầu, mà chỉ phát hiện hai loài vi khuẩn, pseudomonas fluorescens và enterobacter cloacae. Đã có khá nhiều cuộc tranh luận về việc liệu những vi khuẩn này có thể gây ra những vấn đề sức khỏe hay không.
Mọi người đều nhất trí rằng, pseudomonas fluorescens là vô hại, còn enterobacter cloacae được tìm thấy trong tự nhiên và có khả năng hoạt động như một tác nhân gây bệnh. Một số chủng được biết là gây nhiễm trùng đường tiết niệu và đường hô hấp ở những người có hệ miễn dịch dễ tổn thương nhưng không phổ biến lắm.
Theo Mike McDowell, nhà vi trùng học làm việc vào thời điểm đó, trước khi có thể tiến hành thêm các xét nghiệm trên các đốm màu lạ, thì các mẫu đã biến mất một cách bí ẩn. Tuy nhiên, tuyên bố của ông chưa hề được chứng minh là đúng. Rất có thể các mẫu chỉ đơn giản là bị đặt sai vị trí hoặc vô tình bị vứt bỏ.
Nguồn gốc đốm màu
Chuyên gia sinh thái học, Mike Osweiler, nói với tờ Seattle Post Intelligencer rằng, các đốm màu đến từ một sinh vật đã chết nhưng đó không phải con người. Các tế bào không có nhân, do đó không thể là tế bào bạch cầu trong máu người hoặc có nguồn gốc từ con người.
Không có gì đáng ngạc nhiên, những kết quả nghiên cứu đã dẫn đến nhiều giả thuyết về những đốm màu, trong số này, phổ biến nhất là chúng có nguồn gốc từ… sứa.
Những người đưa ra giả thuyết trên lập luận, bằng cách nào đó sứa đã bị cuốn lên không trung, thân xác tan nát và rải rác khắp Oakville. Cũng có giả thuyết quy cho lực lượng không quân trong khi thử nghiệm ném bom gần đó đã cuốn quần thể sứa ra khỏi nước. Đáng sợ hơn là giả thuyết các đốm màu xuất hiện từ một thử nghiệm vũ khí sinh học bí mật.
Còn theo bác sĩ David Little, các đốm màu có thể đến từ chất thải của một chiếc máy bay. Điều này sẽ giải thích về các tế bào máu của con người, đồng thời cũng giải thích việc loài vật bị bệnh và chết do chất chống đông được sử dụng trong hệ thống xử lý chất thải máy bay.
Đáng tin cậy nhất trong các giả thuyết là nguồn gốc thạch sao (star jelly) của các đốm màu. Thạch sao được biết đã xuất hiện từ thế kỷ 14, có liên quan với nhiều thứ, chẳng hạn như chất nhầy trong trứng ếch, tinh thể natri polyacrylate hoặc tảo.
Điều khó lý giải duy nhất đối với giả thuyết này là chưa bao giờ nhìn thấy thạch sao từ trên trời rơi xuống dưới dạng mưa. Hơn nữa, nó chưa từng gây ra bệnh tật hoặc cái chết của động vật.
Vậy những đốm màu Oakville thực sự là gì? Có thể chúng là thạch sao, chúng xuất hiện trùng hợp ngẫu nhiên vào thời điểm mưa và bệnh tật. Cũng khó có khả năng các đốm màu là kết quả của một kế hoạch đen tối nào đó.
Các chuyên gia trấn an rằng, dù các đốm màu Oakville là gì cũng không cần phải lo lắng. Không ai chết, và từ đó đến nay hiện tượng này chưa tái diễn lần nào.