Bếp yêu thương ở Đắk Lắk nối dài ước mơ học chữ

GD&TĐ - Lắk là một trong những huyện vùng sâu và khó khăn nhất của tỉnh Đắk Lắk.

Bữa ăn cho học sinh bán trú Trường THCS Nguyễn Du (huyện Lắk). Ảnh: BS
Bữa ăn cho học sinh bán trú Trường THCS Nguyễn Du (huyện Lắk). Ảnh: BS

Để “kéo” học trò nghèo tới lớp, thầy cô giáo, các đoàn thể địa phương đã nhường cơm, sẻ áo cho các em.

Xã hội chung sức cùng giáo dục

Thay vì sáng tinh mơ phải vượt hàng chục km để đến trường, học xong, các em lại gồng mình đạp xe trở về nhà, phụ giúp cha mẹ, giờ đây, “khu bán trú dân nuôi” đã trở thành ngôi nhà thứ 2 đối với học sinh có hoàn cảnh khó khăn thuộc của Trường THCS Nguyễn Du, xã Đắk Nuê, huyện Lắk (Đắk Lắk).

Thầy Phan Anh Tuấn, Hiệu trưởng trường cho biết, năm học 2023 - 2024 này, trường có 62 học sinh buôn Đắk Sar (xã Đắk Nuê) và làng Mông (xã Đắk Phơi) ở khu bán trú.

“Hầu hết các em này đều có hoàn cảnh khó khăn, nhà lại cách xa trường hơn 20km, đường sá đi lại khó khăn nên các em đã phải ở lại khu bán trú để học tập. Cứ cuối tuần hoặc cuối tháng, các em lại về nhà mang gạo, đồ ăn đến trường. Do gia cảnh khó khăn, thức ăn hằng ngày của các em chủ yếu là cơm trắng với rau, muối. Ở trường thì các em được hỗ trợ đầy đủ chế độ chính sách theo quy định, nhưng không có chế độ ăn ở nội trú”, thầy Tuấn nói.

Thầy Tuấn cũng cho biết thêm, mấy năm nay, thương trò khó khăn, thầy cô đã tự nguyện trích lương ra thành lập “Bếp nấu yêu thương”. Hằng tuần thầy cô thay nhau mua nhu yếu phẩm, nấu thêm các bữa ăn đủ chất dinh dưỡng để học sinh có đủ điều kiện học tập.

“Thầy cô cũng đã cố gắng hết sức để hỗ trợ thêm cho các em một phần qua chương trình “Bếp nấu yêu thương”, nhưng do nhu cầu, các em cần thêm nhiều sẻ chia của cộng đồng. Vừa rồi, Hội đồng Đội huyện Lắk đã vận động, triển khai mô hình “Nuôi em bán trú”. Từ đây, mỗi tháng các em có thêm những nhu yếu phẩm để bổ sung vào bữa ăn hằng ngày. Chúng tôi trân quý tình cảm mà Hội đồng Đội và xã hội đã đồng hành với học trò nghèo”, thầy Tuấn xúc động nói.

Hội đồng Đội huyện Lắk phát động ủng hộ mô hình “Nuôi em bán trú”. Ảnh: BS

Hội đồng Đội huyện Lắk phát động ủng hộ mô hình “Nuôi em bán trú”. Ảnh: BS

Chia sẻ về ý tưởng triển khai mô hình, anh Bùi Sơn Tùng, Chủ tịch Hội đồng Đội huyện Lắk cho biết, đầu tháng 10/2023, anh tham gia hoạt động thiện nguyện tại trường, được nghe tâm sự của nhiều giáo viên băn khoăn, trăn trở về cuộc sống của các học sinh nội trú nơi đây.

“Thương cảm với cảnh ngộ của các em, bản thân tôi và Hội đồng Đội huyện đã vận động các giáo viên tổng phụ trách đội triển khai mô hình “Nuôi em bán trú”. Mục đích, cải thiện bữa ăn cho các em, nhằm động viên các em nỗ lực học tập, rèn luyện”, anh Tùng nói.

Theo đó, mô hình được thực hiện theo hình thức phát động quyên góp tự nguyện từ các đơn vị, cán bộ, giáo viên và tổng phụ trách đội tại các trường học trên địa bàn huyện.

Hàng tháng, kinh phí quyên góp sẽ bàn giao cho giáo viên Tổng phụ trách Liên đội Trường THCS Nguyễn Du để thầy cô giáo linh hoạt mua thức ăn hoặc nấu cơm cho các em.

Thầy cô giáo Trường THCS Nguyễn Du chuẩn bị bữa cơm cho các em bán trú. (Ảnh: AT)

Thầy cô giáo Trường THCS Nguyễn Du chuẩn bị bữa cơm cho các em bán trú. (Ảnh: AT)

Nối dài ước mơ học chữ

Thầy Nguyễn Văn Ngọc, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lắk đánh giá, việc thầy cô giáo, cán bộ tổng phụ trách đội tự nguyện quyên góp, hỗ trợ học sinh nghèo đã tiếp thêm sức mạnh, nghị lực cho các em và gia đình vượt qua khó khăn.

“Chúng ta chưa giàu, số tiền quyên góp chưa nhiều, nhưng chừng ấy thôi cũng đủ để thấy tính nhân văn, lòng bác ái luôn tồn tại trong mỗi thầy cô. Khi học sinh cần, thầy cô chấp nhận bớt khẩu phần của bản thân để nối dài thêm ước mơ học chữ cho học sinh”, thầy Ngọc xúc động nói.

Mỗi tháng, số tiền quyên góp chỉ từ 1 - 2 triệu đồng và cũng chỉ đủ lo 3 - 4 bữa ăn, thế nhưng, với các em học sinh ở khu bán trú này, đó là bữa cơm “thịnh soạn”.

Bởi, không chỉ có cơm, thịt, rau... ăn ngon và đủ no mà ở đó còn chất chứa biết bao tình cảm, sự chắt chiu cho thế hệ trẻ của thầy cô và các anh chị tổng phụ trách đội.

Vừa xong bữa cơm chiều, em Giàng Thị Mái (lớp 9B, ở buôn Đắk Sar) cho biết, nhà ở cách trường hơn 20km, vì đi lại khó khăn, nên từ khi lớp 6, em đã xin đến ở khu bán trú này.

Thầy cô Tổng phụ trách Đội trên địa bàn huyện Lắk cùng nhau chuẩn bị bữa cơm cho các em bán trú. (Ảnh: BS)

Thầy cô Tổng phụ trách Đội trên địa bàn huyện Lắk cùng nhau chuẩn bị bữa cơm cho các em bán trú. (Ảnh: BS)

“Bố mẹ làm ruộng, nhà em nghèo lắm, mỗi tháng chỉ chu cấp cho một ít gạo. Trước đây, bữa ăn mỗi ngày của em chủ yếu cơm trắng với canh không, nhưng cũng phải tiết kiệm mới đủ gạo ăn”, em Mái kể lại.

Cũng theo lời Mái, từ ngày có bữa cơm do thầy cô nấu, em và các bạn được ăn ngon hơn ở nhà nhiều lần.

“Bữa ăn do thầy cô nấu vừa ngon, đầy đủ món, em và các bạn ăn no bụng hơn ở nhà”, Mái nói. Nữ học sinh cũng bày tỏ nỗi niềm thương 2 em ở nhà không được ăn đầy đủ như em ở trường.

Không giấu được niềm vui, em Ma Seo Túa (lớp 8C) nói: “Từ khi được thầy cô nấu cho ăn, bữa cơm có đầy đủ thịt, cá tươi, trứng, rau là niềm ao ước từ lâu của em và các bạn”.

Kể về gia cảnh của mình, Túa cũng ngậm ngùi cho biết, nhà em ở cách trường mấy quả đồi nên đầu tuần em lên ở tại trường, cuối tuần về nhà vào rừng kiếm rau, măng chuẩn bị cho cả tuần học sau. Cũng như các bạn bè ở khu bán trú, trước đây, bữa cơm hằng ngày của Túa chỉ có cơm trắng, canh rau… Bữa ăn nào có thêm ít cá khô đã được cho là “ăn sang” lắm rồi.

Theo thầy Nguyễn Lâm Minh, Tổng phụ trách Đội, Trường THCS Nguyễn Du, dù khó khăn vất vả là vậy, nhưng các học sinh nội trú nơi đây vẫn giúp đỡ nhau và cố gắng học tập. Ngoài giúp các em học tập, thầy cô giáo còn thay nhau trông nom, nhắc nhở các em việc sinh hoạt và chăm lo những lúc ốm đau.

Để duy trì dài lâu việc hỗ trợ các em có điều kiện học tập tốt hơn, thầy Nguyễn Lâm Minh và anh Bùi Sơn Tùng hy vọng thời gian tới mô hình sẽ lan tỏa đến các nhà hảo tâm, các ban, ngành, đoàn thể.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.