Bếp cơm người lính nuôi học sinh vùng biên đến trường

GD&TĐ - Trống trường vừa điểm, 12 em học sinh nói cười vui vẻ quay về ngôi nhà nhỏ của các cán bộ chiến sỹ bộ đội biên phòng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh. Những tiếng chào râm ran “con chào bố, em chào thầy” lại vang lên khi các em bước vào nhà.

Bếp cơm người lính nuôi học sinh vùng biên đến trường

Học sinh vùng biên xem đồn là nhà

Đã 3 năm nay, những tiếng chào rộn ràng của lũ trẻ đã trở nên quá quen thuộc với người dân ở xã vùng biên Ia Dom (huyện Đức Cơ, Gia Lai). Cứ vào giờ tan học buổi trưa, đứa lớn dắt đứa nhỏ băng qua con đường quốc lộ từ trường về với những người bố, người thầy thứ 2 của mình. Những bữa cơm tươm tất đã được bộ đội nơi đây chuẩn bị sẵn cho các em về kịp ăn rồi nghỉ trưa, đầu giờ chiều đi học.

Trung úy Đỗ Quang Cường - Đội trưởng đội quần chúng Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh - cho biết: Bếp ăn tình thương của đồn được tổ chức đã 3 năm nay, nhằm giúp các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt được tiếp sức đến trường.

Phần lớn các em được nuôi là người dân tộc thiểu số. Nhiều em khi được nhận vào mồ côi cả cha lẫn mẹ. Có em, gia đình quá khó khăn nuôi ăn từng bữa chưa đủ lấy đâu đi học. Với sự giúp đỡ của đồn biên phòng, sau mỗi giờ đi học về các em được ăn uống tươm tất, giúp đỡ thêm trong học tập.

Điều đặc biệt, các em trong bếp ăn tình thương của đồn năm nào cũng đều có học lực tiên tiến trở lên. Toàn bộ các em, đều được thầy cô trên trường đánh giá là chăm ngoan, học giỏi. Hiện nay, Đồn biên phòng Lệ Thanh nhận 12 học sinh từ lớp 3 đến lớp 10 vào để nuôi và dạy dỗ các em.

Em Kpuih khi được đưa lên đồn hỏi gì cũng không nói, việc hòa nhập với các bạn xung quanh rất khó khăn, cho tới khi được tham gia bếp ăn tình thương của các bộ đội biên phòng, em đã có chuyển biến.

Kpuih chia sẻ: Học đến lớp 3, em mồ côi cả bố lẫn mẹ. Tưởng chừng việc học của em đến đây kết thúc, nhưng được các bố ở đây đưa về cho ăn, rồi cho đi học. Sau khi đến với đồn, em đã có nhiều bố, nhiều thầy và nhiều bạn. Ngoài giờ đến lớp, em vẫn được các bố, các thầy ở đây chỉ bảo tận tình từ việc học, đến cách cư xử.

Người thầy, người bố mang quân hàm xanh

Cũng giống như Kpuih, ban đầu các em rất rụt rè khi đến ngôi nhà của đồn Lệ Thanh. Nhiều em, đến bữa đầu, bữa thứ 2 lại quay về nhà. Các cán bộ của đồn, lại xuống từng làng, lên rẫy tìm các em.

Mưa dầm thấm lâu, sau những bữa ăn đầm ấm, những sự quan tâm hết mực, các em đã xem đây là ngôi nhà của mình. Giờ mỗi khi tan học về đồn, các em gặp ai là chào rõ to như tác phong người lính, sự rụt rè đã là quá khứ.

Cứ có thời gian rảnh, các cán bộ của đồn lại hỏi han tình hình học tập. Những bài toán, bài văn khó là các em lại hỏi những người thầy mang quân hàm xanh. Nhiều khi có những tình huống trong cuộc sống, các em cũng nhận được những lời chia sẻ, động viên của bộ đội nơi đây. Sợi dây gắn kết giữa người lính biên phòng và các cô cậu học trò khó khăn vùng biên đã không còn có khoảng cách.

Những ông bố, người thầy mang quân hàm xanh ở đây ngoài những giờ tuần tra biên giới còn một nhiệm vụ cao cả khác là lo cho các em nên người.

Đại úy Nguyễn Văn Quang - Chính trị viên phó đồn Lệ Thanh - cho biết: Hàng tháng, anh em trong đồn trích ra từ 100 đến 200 nghìn tiền lương để lo cho các em. Ngoài đóng góp tiền, thì công sức của bộ đội biên phòng ở đây trong 3 năm đối với các em không thể đong đếm hết. Mọi vất vả như được xua tan, khi mỗi lần các em đi học về đem những điểm 9, điểm 10 ra khoe.

Ánh mắt hiền, đại úy Quang tâm sự: Qua thời gian tiếp xúc, dạy học, tôi càng hiểu và đồng cảm hơn với hoàn cảnh khó khăn của các em. Chính sự tiến bộ, chăm ngoan, học giỏi của các em là nguồn động lực thôi thúc những người lính như chúng tôi muốn được đỡ đầu thêm nhiều em. Không chỉ dạy chữ, tôi còn cố gắng truyền đạt cho các em những kỹ năng ứng xử để các em sẽ có những kiến thức cơ bản nhất, giúp ích cho cuộc sống sau này.

Bếp cơm người lính nuôi học sinh vùng biên đến trường ảnh 1Bếp cơm người lính nuôi học sinh vùng biên đến trường ảnh 2Bếp cơm người lính nuôi học sinh vùng biên đến trường ảnh 3

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.