Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa.
Kỳ lạ và thiêng liêng
Bếp lửa và bà là hai hình ảnh chủ đạo trong bài thơ. Bếp lửa “kì lạ”, bếp lửa “thiêng liêng”. “Kì lạ” bởi lẽ bếp lửa cứ cháy hoài theo thời gian, qua những cuộc chiến chinh trường kì, qua bao tháng năm đói khổ. Đến bây giờ bếp lửa ấy vẫn còn cháy trong hồi ức của thi sĩ, ngọn lửa ấy vẫn âm ỉ trong tim Bằng Việt không bao giờ tắt lửa tàn tro. Bếp lửa “thiêng liêng” bởi nó gắn liền với hình bóng người bà thân thuộc - người đã nhen nhóm ngọn lửa trong những sớm, những chiều, đốt ngọn lửa yêu thương bập bùng cháy sưởi ấm nhà thơ qua bao mùa giá lạnh, thăng trầm.
Không gian và thời gian nghệ thuật trong bài thơ “Bếp lửa” có sự thay đổi linh hoạt theo dòng chảy của lịch sử dân tộc và sự trưởng thành của nhà thơ. “Lên bốn tuổi” nhà thơ sống cùng bà ở Huế, trong những ngày đen tối nhất của đất nước: Nạn đói năm Ất Dậu (1945) hoành hành và cướp đi sinh mạng của nhiều người. Lúc đó, nhà thơ đã “quen mùi khói”, quen với bếp lửa “chờn vờn sương sớm”, “ấp iu nồng đượm” của bà:
Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói
Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi
Bố đi đánh xe, khô rạc ngựa gầy…
Thuở ấy còn nhỏ, dấu ấn mà nhà thơ nhớ chính là những ngày “đói mòn đói mỏi”, những ngày bố phải xa nhà để “đi đánh xe”, là con ngựa gầy rạc vì đói vẫn phải gồng mình kéo lấy chiếc xe… Nhưng đậm sâu nhất vẫn là “mùi khói”, đôi mắt nhèm đi vì “khói hun” nghi ngút nơi bếp lửa của bà:
Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu
Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay!
“Nghĩ lại”, tác giả vẫn thấy sống mũi mình cay xè. Cũng là cái “cay” như năm xưa khói bay vào mũi, nhưng sự thật không có một bếp lửa nào tồn tại ngay trong thời khắc thi sĩ viết bài thơ này. Cái “cay” trong sống mũi ấy chính là do ngọn - khói - của - kí - ức, nỗi nhung nhớ những ngày ấu thơ khiến Bằng Việt rưng rưng…
Kháng chiến bùng nổ, gia đình phải đi tản cư. “Tám năm ròng” xa Huế - một quãng thời gian vừa đủ để nỗi nhớ cố hương vây kín cõi lòng, vừa đủ để dệt nên những kỷ niệm khác trên một miền đất khác. Nhà thơ đã sống với bà trên “những cánh đồng xa”. Những kỷ niệm cứ hiện về, rõ ràng, tươi nguyên, hệt như mới hôm qua hôm kia Bằng Việt vẫn còn sống bên bà, vẫn còn “cùng bà nhóm lửa”:
Tám năm ròng cháu cùng bà nhóm lửa
Tu hú kêu trên những cánh đồng xa
Khi tu hú kêu bà còn nhớ không bà
Bà hay kể chuyện những ngày ở Huế…
Ở với bà, Bằng Việt “cùng bà nhóm lửa” mỗi sớm mỗi chiều nấu cơm sẻ xôi, nghe tiếng tu hú kêu, nghe bà kể chuyện “những ngày ở Huế”, được bà dạy bao điều hay, lẽ phải trên đời với niềm tin mai sau đứa cháu sẽ làm được nhiều điều có ích cho quê hương đất nước:
Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe
Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học…
Tiếng tu hú là âm thanh thân thương, gợi bao niềm nhớ trong lòng thi sĩ: Nhớ cố hương, khắc khoải tình yêu đất nước, làm vui lòng người trong những năm sống nơi quê người. Suy nghĩ của cậu bé quê mùa có phần hồn nhiên ngớ ngẩn, nhưng suy cho cùng cũng là vì thương bà, muốn gánh cùng bà một phần khổ đau một phần cơ cực mà trách:
Tu hú ơi! Chẳng đến ở cùng bà
Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa?
Như bao người phụ nữ Việt Nam khác sức sống mãnh liệt, kiên cường, bà trong tâm trí của Bằng Việt vẫn mạnh mẽ dù trải qua bất cứ hoàn cảnh nào đi chăng nữa. Bà vẫn đứng dậy chống chọi với đời, bảo bọc vỗ về đứa cháu nhỏ yêu thương. Bà luôn truyền sự lạc quan cho đứa cháu. Kí ức đưa Bằng Việt trở về với ngày giặc kéo đến làng lùng sục, bắt bớ dân lành, hai bà cháu cùng xóm làng chạy giặc. Giặc hung hãn “đốt làng cháy tàn cháy rụi” rồi đi, hai bà cháu trở về làng chứng kiến nỗi đau mà giặc đã gây ra, vậy mà bà vẫn không hề nao núng:
Vẫn vững lòng bà dặn cháu đinh ninh:
“Bố ở chiến khu bố còn việc bố,
Mày có viết thư chớ kể này, kể nọ
Cứ bảo nhà vẫn được bình yên!”
…Bếp lửa vẫn sáng rực, vẫn được nhen lên mỗi ngày như một điệp khúc:
Rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bà nhen
Một ngọn lửa, lòng bà luôn ủ sẵn
Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng…
Hơi ấm của ngọn lửa là hơi ấm của tình yêu thương dành cho cháu con mà bà “luôn ủ sẵn” để rồi nó cháy lên mỗi ngày nuôi cháu thành người. Sự mãnh liệt của ngọn lửa là “niềm tin dai dẳng” của bà về tương lai tươi sáng của đất nước, về tương lai xán lạn của đứa cháu sau này.
Giá trị của hồi ức
Bếp lửa là hình ảnh thân thuộc, còn nhóm lửa là một thói quen giản dị của bà. Ngọn lửa cháy mãi, bập bùng gian bếp quê thơm lành mùi khói rơm và mùi xôi gạo.
Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ
Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm
Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm
Nhóm niềm yêu thương
khoai sắn ngọt bùi
Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui
Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ
Ôi kì lạ và thiêng liêng - bếp lửa!
Những lời tự tình ở cuối bài thơ “Bếp lửa” gieo vào lòng người xa xứ một nỗi buồn, nỗi nhớ khôn nguôi về quê hương và bóng dáng những người yêu thương cưu mang ta thuở ấu thơ, dìu dắt ta qua bao thăng trầm của cuộc đời và rồi dang rộng vòng tay đợi chờ, sẵn sàng ôm ta vào lòng trên bước đường hoạn lộ:
Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu
Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả
Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở:
- Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?…
“Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?” là lời tự nhắc chính mình, rằng những kí ức tuổi thơ tươi đẹp và thiêng liêng vô cùng, nhất định không bao giờ quên dù cuộc sống có đổi thay. Kí ức về làng quê, về những người thân thương trong không gian ấu thơ luôn là hành trang vững chắc để người ta mang theo trong tim qua những nẻo đường đời… Nó giúp người ta thêm mạnh mẽ hơn để đối mặt với trăm chiều giông tố…
Mỗi lần đọc lại bài thơ “Bếp lửa” của Bằng Việt, tôi lại nhớ bà tôi thiết tha. Hóa ra, những điều giản đơn trong thời ấu thơ bình yên ngọt bùi mới thực là những điều thiêng liêng nhất.