Ngày 10/9, thông tin từ Bệnh viện TƯ Huế, sau gần 1 tháng điều trị sức khoẻ cháu bé bị ong đốt đã phục hồi và được xuất viện.
Theo thông tin ban đầu, trước đó cháu V.H.H (5 tuổi, trú ở xã Hồng Bắc, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) cùng hai cháu khác đang hái nhãn và thấy tổ ong vò vẽ nên chọc phá và bị ong đốt.
Sau khi phát hiện sự việc, gia đình đã đưa vào Trung tâm y tế huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) để cấp cứu rồi được chuyển về thẳng Bệnh viện trường Đại học y dược Huế trong tình trạng rối loạn chức năng đông máu và suy thận.
Tại đây, cháu V.H.H tiếp tục được chuyển ngay sang Khoa Hồi sức tích cực và Cấp cứu Nhi (Trung tâm Nhi - Bệnh viện Trung ương Huế) trong tình trạng nguy kịch.
Các bác sĩ phát hiện trên người H có hơn 50 vết ong đốt, nhiễm khuẩn huyết, ong đốt biến chứng tổn thương đa cơ quan (gan, thận, tan máu, tiêu cơ vân, tiểu myoglobin), rối loạn chức năng đông máu, suy thận cấp. Các bác sĩ đã sử dụng kháng sinh, kháng viêm, chống dị ứng và đặc biệt lập tức được tiến hành lọc máu liên tục.
Sau tròn 1 tháng điều trị, chăm sóc tích cực, sức khỏe cháu H dần ổn định, ăn uống tốt và được cho xuất viện.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế, khi bị ong (đặc biệt ong vò vẽ) đốt thì người nhà nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu ban đầu và đánh giá nguy cơ sốc phản vệ để cấp cứu kịp thời.
Khi có trên 10 vết đốt, trẻ phải được theo dõi sát tại cơ sở y tế có đủ phương tiện và nhân lực cấp cứu hồi sức chống độc. Trẻ cần được nhanh chóng chuyển tuyến trên ngay khi có một trong những triệu chứng tiểu ít, tiểu đỏ hoặc đen, sau khi sốc phản vệ đã được cấp cứu để được tiếp tục theo dõi và điều trị các biến chứng nặng.