Sinh động các chuyên đề
Theo lãnh đạo Trường THCS Lê Quý Đôn, quận 3, hàng năm trường đều tổ chức các chuyên đề tuyên truyền về pháp luật, trong đó có luật phòng, chống ma túy cho học sinh. Trường đã mời đại diện Đội Cảnh sát điều tra Tội phạm về ma túy của Công an quận 3, bác sĩ của Bệnh viện Tâm thần TPHCM và phụ trách nhóm hỗ trợ người nghiện ma túy “Cuộc sống mới” về trường để tuyên truyền, giáo dục cho học sinh. Bên cạnh đó, trường cũng chuẩn bị rất nhiều hình ảnh, áp phích, tờ bướm dán ở bảng tin liên quan đến tác hại của các chất gây nghiện để các em tìm hiểu thêm.
Nhiều phiên tòa giả định, chuyên đề mà chi hội phối hợp để tuyên truyền pháp luật trong nhà trường được các em học sinh đón nhận rất hào hứng.
Từ một phiên tòa, các em có thêm kiến thức, hiểu thêm về luật pháp, hành vi vi phạm pháp luật sẽ để lại hậu quả ra sao... nhất là với lứa tuổi học sinh, các con phải biết “chọn bạn mà chơi, chọn nơi mà đến.
Trước đó, trường phối hợp với Chi hội Luật sư bảo vệ quyền trẻ em TPHCM tổ chức phiên tòa giả định nhằm tuyên truyền kiến thức pháp luật về phòng, chống ma túy học đường.
Phiên tòa giả định cũng được nhiều trường như Trường THPT Nguyễn Khuyến (quận 10), Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3) lựa chọn để tuyên truyền về luật phòng, chống ma túy. Theo đó, từ bản án có thật liên quan đến hai bị cáo đang độ tuổi vị thành niên sử dụng và tàng trữ ma túy, được các luật sư biên tập lại như thay tên, quê quán… đem ra xét xử như một phiên tòa thật ngay tại sân trường để học sinh theo dõi.
Ảnh minh họa/ INT |
Nâng ý thức chấp hành pháp luật
Từ nhiều năm qua, Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức luôn được đánh giá là đơn vị có nhiều hoạt động nổi bật trong công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật cho người học, trong đó có tuyên truyền về Luật Phòng chống ma túy.
Đồng chí Vương Hoàng Anh, Bí thư Đoàn trường chia sẻ, ngay từ tuần sinh hoạt công dân đầu năm, trường đã lồng ghép để có buổi chuyên đề với sinh viên về chủ đề này. Đặc biệt, trường cho sinh viên ký cam kết thực hiện đúng nội quy nhà trường, quy định của pháp luật; cam kết không vi phạm các tệ nạn xã hội và 100% học sinh đều tham gia. Ngoài việc tham gia các cuộc thi do Thành đoàn, sở tổ chức, trường tổ chức cuộc thi trực tuyến riêng về tìm hiểu pháp luật trong đó có Luật Phòng, chống ma túy cho sinh viên.
Bên cạnh việc treo các pano, áp phích... liên quan đến phòng chống ma túy, tác hại của các chất gây nghiện, trường cũng phối hợp tổ chức phiên tòa giả định xét xử các vụ án về buôn bán, tàng trữ, sử dụng ma túy. Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, sinh viên của trường đều tham gia bằng các phần thi sân khấu hóa, tiểu phẩm liên quan đến các tệ nạn xã hội như ma túy, HIV…
Theo cô Nguyễn Thị Hồng Châu, giáo viên môn Giáo dục công dân, Trường THPT Lê Quý Đôn, thay vì cung cấp kiến thức, tuyên truyền giáo dục về pháp luật cho học sinh theo kiểu lý thuyết suông, mỗi giáo viên cần lồng ghép liên hệ các bài học từ thực tiễn có liên quan để giúp các em nắm chắc kiến thức: Sử dụng pháp luật; thực hiện pháp luật; áp dụng pháp luật; tuân thủ pháp luật… trong đó có Luật Phòng, chống ma túy. Việc tổ chức các chuyên đề khác như phiên tòa giả định là nơi giúp học sinh nâng cao kiến thức, ý thức chấp hành pháp luật hiệu quả nhất.