PGS.TS Trần Đăng Khoa, Giám Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cho biết, hiện nay Việt Nam là quốc gia thuộc nhóm có tỷ lệ mắc ung thư cao thứ hai trên thế giới. Bình quân mỗi năm cả nước có thêm 200.000 ca mắc ung thư mới và 115.000 bệnh nhân tử vong do căn bệnh này. Điều đáng nói là tỷ lệ điều trị thành công căn bệnh này ở nước ta chưa cao do đa số bệnh nhân phát hiện bệnh khi đã bước vào giai đoạn muộn.
Với vai trò là Bệnh viện hạng I của TP. Hà Nội và cũng là bệnh viện tuyến cuối trong điều trị ung thư cho các tỉnh phía Bắc, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội đã hợp tác với Công ty cổ phần Thương mại và Đầu tư y tế Hà Nội (CMI) để đầu tư hệ thống máy chụp PET/CT theo phương thức xã hội hóa.
PGS.TS Trần Đăng Khoa cũng cho biết, các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh để tầm soát ung thư thông thường như: CT, MRI, X-quang hay siêu âm thường phát hiện và đánh giá được các tổn thương đã có thay đổi về cấu trúc, giải phẫu, mật độ của tổ chức… nên có gặp khó khăn hoặc dễ bỏ sót các tổn thương có đường kính nhỏ hơn 1cm.
Còn chụp hình toàn thân bằng PET/CT có thể phát hiện các bất thường về chuyển hóa, ghi được những hình ảnh bệnh lý còn sớm khi chưa có thay đổi cấu trúc. Kết quả chụp PET/CT phản ánh chính xác giai đoạn bệnh, giúp bác sĩ đưa ra quyết định về phương pháp điều trị tối ưu cho bệnh nhân, đồng thời giúp dự báo sớm kết quả điều trị và mức độ đáp ứng điều trị của một hay nhiều phương pháp.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền đề nghị Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cần quản lý chặt chẽ, minh bạch giá dịch vụ, nhất là phải kết hợp chặt chẽ giữa bác sĩ lâm sàng và cận lâm sàng để chỉ định chiếu chụp bằng PET/CT hợp lý, tránh lạm dụng, gây tốn kém cho bệnh nhân.
Lãnh đạo Sở Y tế cũng yêu cầu Bệnh viện chủ động phối hợp với cơ quan bảo hiểm y tế để tạo thuận lợi và bảo đảm quyền lợi cho người bệnh được tiếp cận với dịch vụ kỹ thuật cao này, giúp giảm được tình trạng người bệnh phải ra nước ngoài điều trị. Đồng thời, phải tiếp tục đổi mới, nâng cao thái độ phục vụ người bệnh, đáp ứng sự hài lòng người bệnh.