Bệnh viện Bạch Mai thông tin về thiếu thuốc giải độc

GD&TĐ - Thông tin Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai đang thiếu nhiều loại thuốc giải độc đã gây lo lắng.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, ông Đào Xuân Cơ cho biết đúng là bệnh viện đang thiếu nhiều thuốc trong danh mục thuốc giải độc. Đây đều là các thuốc hiếm, như huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia, thuốc giải độc cho người bị ngộ độc clostridium botulinum (tương tự vụ ngộ độc pa tê chay nhiều người bị liệt và có người tử vong năm 2021), giải độc cho bệnh nhân ngộ độc asen, thủy ngân...

Do thiếu các thuốc giải độc đặc hiệu kể trên, bệnh viện phải sử dụng các thuốc thay thế nhưng thời gian điều trị dài hơn và hiệu quả không cao, có thuốc có tác dụng phụ.

Ông Cơ cũng cho biết bệnh viện đã có văn bản kiến nghị Bộ Y tế, đề xuất thành lập kho dự trữ các thuốc hiếm, bởi dù số lượng bệnh nhân cần điều trị rất ít ỏi nhưng khi có người bệnh cần mà không có thuốc giải độc, nguy cơ ảnh hưởng tính mạng người bệnh.

Kho dự trữ này có thể đặt ở một trong số bệnh viện có đơn vị điều trị chống độc và điều phối đến các bệnh viện toàn quốc khi có ca bệnh cần sử dụng.

Theo TS. BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, các thuốc giải độc có vai trò hết sức quan trọng trong quá trình điều trị cho bệnh nhân ngộ độc, có thể làm đảo ngược tình trạng của bệnh nhân từ một người trạng thái ngộ độc nặng nhanh chóng trở về trạng thái hết ngộ độc, cải thiện đáng kể tỷ lệ tử vong.

Bệnh nhân khắc khoải nằm chờ thuốc giải độc. Nguồn: SKĐS.

Bệnh nhân khắc khoải nằm chờ thuốc giải độc. Nguồn: SKĐS.

Tuy nhiên, những thuốc đặc hiệu hiện đang rất thiếu, các bác sĩ phải sử dụng tất cả các biện pháp có thể để giúp cho bệnh nhân, nhưng hiệu quả rất hạn chế, rất cần có thuốc giải độc đặc hiệu cho người bệnh.

Tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đang điều trị cho 2 cháu được chẩn đoán là ngộ độc asen - một loại chất rất độc.

2 bệnh nhi đã được sử dụng 2 loại thuốc giải độc đơn giản nhưng không may thuốc này lại có tác dụng phụ nhiều, và đều gây dị ứng cho các cháu, dẫn đến không còn thuốc nào để thải asen ra khỏi cơ thể. Mặc dù có những loại thuốc tốt hơn nhưng bệnh viện cũng không thể mua ngay để điều trị cho bệnh nhân...

Theo bác sĩ Nguyên, những bệnh nhân ngộ độc paracetamol, viêm gan nhiễm độc, cần thuốc giải độc truyền vào máu để cứu sống, bệnh nhân ngộ độc cồn công nghiệp methanol hiện nay cũng thiếu thuốc giải độc để cứu mạng, bảo vệ não và gan, rất nhiều các thuốc giải độc đều rất thiếu.

Theo bà Đào Hồng Lan - Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, ngay sau khi nắm được thông tin về tình trạng thiếu thuốc thuộc danh mục thuốc giải độc, bà đã yêu cầu Cục Quản lý dược có giải pháp hỗ trợ và cung cấp đủ thuốc cho Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ