Bệnh thiếu “vitamin Y” ở trẻ

Khi trẻ có những biểu hiện âu lo, sợ hãi, thu vào “vỏ ốc”, hay quấy khóc, giật mình lúc ngủ, biếng ăn, la hét, làm trái ý người lớn, thậm chí đau đầu, nôn ói, tiêu tiểu mất kiểm soát… nhiều phụ huynh nghĩ chỉ cần dùng thuốc sẽ khỏi.

Ảnh: MH
Ảnh: MH

Tuy nhiên, có một chứng bệnh mà chỉ sự gắn bó, yêu thương mới chữa lành. Nhiều người gọi đùa là bệnh thiếu "vitamin Y" (tình yêu thương).

 “Con thích bệnh”

Cả năm nay, chị Nguyễn Khánh Vi (ngụ Q.Bình Tân, TP.HCM) đưa Kim, đứa con gái bảy tuổi đi nhiều bệnh viện để trị chứng đau bụng, nôn ói kinh niên. Xấp hồ sơ y khoa đã dày cộp mà vẫn chưa tìm ra nguyên nhân bệnh, cuối cùng chị Vi được mách nước đến gặp bác sĩ tâm lý.

Qua tìm hiểu, bác sĩ đặt vấn đề về sự chăm sóc bé trong gia đình và sự gần gũi mẹ con. Quả thực, có một lỗ hổng lớn từ thuở Kim còn nằm trong bụng mẹ. Chị Vi từng định phá thai để kết thúc mối quan hệ với người chồng vô trách nhiệm, vũ phu, lại ruồng rẫy vợ, chạy theo người tình, nhưng nghĩ thương con, chị không nỡ bỏ.

Do bận đi buôn ở tỉnh xa, chị Vi ít ở nhà với con, việc săn sóc phó mặc cho cô em chồng cạnh nhà, là một “tay” mê bài bạc. Cô thường đem Kim ra ngồi sòng bài trong hẻm, vừa đánh bài vừa đút cho bé ăn.

Bữa ăn luôn kèm theo roi đòn, la mắng, dọa nạt, nắm tóc, bóp mũi… nên Kim rất sợ, khi ngủ thường ú ớ, khóc thét. Mỗi khi cô thua bài, Kim lại bị đòn vô cớ. Chị Vi góp ý thì cô vờ ân cần, nhẹ nhàng, nhưng khi chị đi vắng thì đâu lại vào đấy.

Nhiều lần Kim nói: “Ước mơ của con là được… bệnh, để mẹ về lo cho con, đút con ăn, ôm con ngủ, hát cho con nghe. Con không muốn qua nhà cô ở, con ghét cô lắm”. Nghe thế, chị Vi gạt ngang, cho rằng con hư, hỗn: “Cô có thương mới la đánh, rầy dạy”. Chị không hề biết đó là nguyên nhân dẫn đến những chứng bệnh của con gái.

“Khi nghe bác sĩ tư vấn, tôi về thu xếp lại công việc, tiết giảm bớt những việc ít quan trọng để dành thời gian chăm sóc, chơi cùng con. Khi có việc bên ngoài, tôi chở con gửi tạm ở nhà mẹ ruột, dù cách nhà tôi khá xa, chứ không gửi cho cô. Con tôi ngày càng vui vẻ, cởi mở, tự tin, chứng đau bụng, nôn ói cũng giảm dần.

Phải chi tôi không quá đặt nặng việc kiếm tiền, luôn gần gũi con thì cháu đã phát triển tốt. Con cần được yêu thương, tôi cho nó nhiều tiền, quần áo mới, đồ chơi xịn nào có ích gì” - chị Vi chia sẻ.

Không phải phụ huynh nào cũng hiểu ra và có thiện chí “cải tổ” như chị Vi. Nhiều phụ huynh đưa con đi khám tâm lý chỉ để xác định con mình có bị tự kỷ hay không, và chỉ đợi bác sĩ nói “không” thì mừng rơn, liền đem con về.

Tình trạng của trẻ ngày càng xấu đi vì mấu chốt vấn đề nằm ở sự gắn bó trong gia đình. Theo nhà tâm lý trị liệu Võ Thị Minh Huệ (Phòng khám Nhi Đồng, Q.1, TP.HCM), rào cản lớn nhất trong việc thăm khám, can thiệp là khi trẻ có những vấn đề về tâm lý, bệnh lý, nhiều phụ huynh đã phủ nhận trách nhiệm, đổ tội cho trẻ, đổ thừa cho vợ/chồng, bên nội/ngoại khiến môi trường sống và phát triển của trẻ càng “nhiễm độc”.

Đừng “nghẽn mạch” yêu thương

Mối quan hệ tốt đẹp của trẻ với người chăm sóc giống như nền móng bền chắc để bức tường trụ vững, vươn cao. Sự ôm ấp, vỗ về, âu yếm, lắng nghe, cảm thông… cũng quan trọng với trẻ như cơm ăn, nước uống, nhưng không ít phụ huynh lại phớt lờ, xem nhẹ.

Công việc thuận lợi, có nhiều cơ hội thăng tiến, làm giàu, nhiều người đã giao đứt vai trò làm cha làm mẹ cho người khác và nghĩ rằng sau này “rảnh việc” thì bù đắp cũng chẳng sao. Tuy nhiên, sau thời gian gián đoạn, giữa cha mẹ và trẻ đã có một khoảng cách vô hình, không thể khỏa lấp.

Chưa kể, người thay thế không đủ kiên nhẫn, sự ôn hòa và tình yêu thương, khiến tâm lý trẻ ít nhiều thương tổn. Lại có nhiều trường hợp con sống cùng cha mẹ nhưng thường xuyên bị la mắng, ngược đãi hoặc cha mẹ không giao tiếp với trẻ.

Theo bác sĩ Phan Thiệu Xuân Giang (Phòng khám Thiên Phước, Q.3, TP.HCM; giảng viên Khoa Tâm lý học Trường ĐH KHXH và NV TP.HCM), gắn bó giữa trẻ và người chăm sóc có hai nhóm lớn:

Gắn bó an toàn: Khi trẻ và người chăm sóc tương tác, liên hệ phù hợp nhau, tạo cho trẻ sự an tâm, thoải mái; khi xa nhau và tái hợp, trẻ vẫn vui vẻ, dễ chịu, không bực dọc.

Gắn bó không an toàn: Giữa trẻ và người chăm sóc không ăn khớp với nhau về cảm xúc, mối liên hệ. Trẻ hay bị la mắng, đòi hỏi, lạm dụng, bị bỏ rơi hoặc không được hiểu những nhu cầu chính đáng. Trẻ dần bị trầm cảm, phụ thuộc, cảm giác không có giá trị, không được yêu thương, không muốn hiểu người khác, khó thiết lập quan hệ.

Sự gắn bó bất an này không được gọi là bệnh lý mà chỉ là cơ chế nguy cơ gây ra những vấn đề tâm lý, bệnh lý: trầm cảm, lo âu, khó kết bạn, thiếu niềm tin... Chính vì thế, nếu trẻ sống trong sự gắn bó bất an khi còn quá nhỏ và kéo dài, sẽ dễ dẫn đến bệnh lý rối loạn phản ứng gắn bó.

Bệnh lý rối loạn phản ứng gắn bó là tình trạng trẻ bị stress, sang chấn do bị cắt đứt khỏi người chăm sóc một cách đột ngột, thiếu vắng hoàn toàn những nhu cầu cơ bản về cảm xúc. Trường hợp này phổ biến nhất ở trẻ bị bạo lực, bị bỏ rơi, liên tục thay đổi người chăm sóc, trẻ sống ở cô nhi viện. Trẻ luôn buồn rầu, hay quấy, khó nuôi dưỡng, dễ bị kích động, sợ hãi vô cớ (loại trừ nguyên nhân tự kỷ).

Gắn bó an toàn là khi cha mẹ yêu con vừa đủ và đúng mực, nhưng thế nào là “đủ”, là “đúng” thật không dễ. Một trong những công cụ để phân định là lắng nghe, quan sát con và tự soi rọi lại mình.

Bác sĩ Xuân Giang khuyến cáo: “Phụ huynh cần được huấn luyện để “sự nghiệp” làm cha làm mẹ thành công. Từ trong bào thai, trẻ đã cần được cha mẹ vỗ về, hát ru; khi sinh ra cần được ôm ấp, chơi đùa, chuyện trò, nâng đỡ…

Cha mẹ không nên suốt ngày phải kè kè bên con, chỉ cần dành ít thời gian nhưng “tương tác” có chất lượng. Khi trẻ có vấn đề tâm lý, bệnh lý, cha mẹ có thể nhờ chuyên gia giúp đỡ.Tuy nhiên, sự can thiệp luôn có giới hạn.

Nếu gắn bó không an toàn lâu ngày trở thành rối loạn lo âu thì bác sĩ chỉ chữa được “lo âu” chứ không chữa được “gắn bó” vì đã trở thành trải nghiệm của trẻ. Thế nên, sự can thiệp phòng ngừa sớm bao giờ cũng hữu hiệu và ít phải trả giá.

Hơn nữa, sự gắn bó an toàn hoặc không an toàn có thể truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, trẻ lớn lên trong môi trường bạo lực sau này thường dùng đòn roi dạy con mình”.

Theo PNO

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ