Nguy cơ bệnh sởi bùng phát vì… kháng thuốc

GD&TĐ - Số ca mắc sởi ở Mỹ tiếp tục tăng trong năm 2019 và tính đến nay đã có hơn 1.000 ca được ghi nhận. Với thực trạng này, các quan chức y tế cho biết, Mỹ có nguy cơ không còn là nước “đã xóa sổ” căn bệnh sởi.

Vắc xin chưa phải là cứu cánh đối đầu với dịch bệnh trên con người
Vắc xin chưa phải là cứu cánh đối đầu với dịch bệnh trên con người

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) tới tháng 6 năm nay hơn 1.000 trường hợp mắc bệnh sởi được báo cáo tại Mỹ. Đây là con số lớn nhất được báo cáo kể từ năm 1992. Ổ dịch lớn nhất đang xảy ra tại thành phố New York, nơi có 566 ca mắc sởi và Hạt Rockland thuộc New York với 256 ca mắc sởi kể từ khoảng tháng 10 năm ngoái.

Bác sĩ Amesh Adalja, chuyên ngành cấp cao về sức khỏe cộng đồng tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins ở Baltimore (Mỹ) cho biết, bệnh sởi được tuyên bố đã bị xóa sổ khỏi nước này vào năm 2000. Xóa sổ căn bệnh sởi không có nghĩa là không có trường hợp mắc bệnh nào trong một quốc gia. Thay vào đó, có nghĩa là không có sự lan truyền bệnh trong nội địa. Nói cách khác, tất cả các dịch sởi xảy ra từ năm 2000 trở đi có nguồn gốc từ nước ngoài và kéo dài không lâu - cụ thể, chúng kết thúc trong chưa đầy một năm, ông Adalja cho biết.

Nhưng nếu chuỗi lan truyền của căn bệnh tiếp tục kéo dài tới ít nhất 1 năm, thì sởi sẽ không còn được coi là đã bị xóa sổ. Tức là nếu dịch sởi tại New York tiếp tục kéo dài tới mùa thu này, qua tháng 10 thì Mỹ sẽ bị gạch bỏ khỏi danh sách các quốc gia đã xóa sổ bệnh sởi, ông Adalja nói.

Tiến sĩ William Schaffner, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt ở Nashville, Tennessee đồng ý với dự đoán này.

Tuy nhiên, BS Adalja lưu ý rằng tốc độ truyền nhiễm của bệnh sởi có xu hướng chậm lại trong những tháng mùa hè và “hy vọng điều này sẽ làm giảm đà lây lan của dịch”. Ông cho biết nếu Mỹ mất tình trạng “đã xóa sổ bệnh sởi”, thì đây sẽ là “một bước thụt lùi lớn” và là điều đáng phải bàn tại một quốc gia tiên tiến.

Diễn tiến này cũng có thể sẽ là một cú đánh tới nỗ lực xóa sổ căn bệnh trên toàn cầu, theo Tiến sĩ Schaffner. Và, chỉ vì Mỹ từng xóa sổ căn bệnh một lần không có nghĩa là họ có thể dễ dàng làm lại. BS Adalja lưu ý rằng vào thời điểm căn bệnh bị xóa sổ, tức năm 2000, nền văn hóa tiếp nhận khoa học vắc xin một cách dễ dàng hơn so với bây giờ. Với sự phát triển của các phong trào chống vắc xin, có thể “sẽ khó để hoàn thành lại những gì đã từng làm được” trong những năm trước đây, theo ông nhận xét.

Để lấy lại tình trạng “xóa sổ” sau khi mất, Mỹ cần chứng minh được rằng không có sự lây truyền của bệnh sởi trong nước trong ít nhất một năm.

Bệnh sởi là bệnh có tỷ lệ truyền nhiễm rất cao và mức độ bao phủ vắc xin cao - hơn 90% - là cần thiết trong một khu vực để ngăn ngừa căn bệnh lây lan và kết thúc dịch, TS Schaffner nói. Dịch sởi hiện nay chủ yếu lan rộng trong các cộng đồng nhạy cảm, nơi có các cá nhân chưa được tiêm chủng.

Để ngăn chặn sự bùng phát, họ sẽ phải tăng cường bao phủ vắc xin ở các khu vực này. Tuy nhiên, thuyết phục những người do dự tiêm chủng về độ an toàn vắc xin vốn không dễ dàng gì. Thay vào đó, các bác sĩ cần sẵn sàng các phương án để dập dịch thay vì đợi những số liệu báo cáo được chuyển về.

Theo Livescience

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ