(GD&TĐ) - Với mục đích thu hút một lượng lớn người truy cập vào facebook của mình, qua đó nhằm nâng cao “vị thế” bản thân cũng như đẳng cấp pro trong cái khoản gọi là sành điệu, nhiều teen đã không ngại… “chém gió” tung trời. Không đủ khả năng, điều kiện kinh tế “chơi” hàng hiệu, thể hiện cái tôi, nhiều teen không ngần ngại… mượn đồ người quen, chụp ké, xài hàng fake…, nói chung làm đủ trò rồi quăng lên facebook để tự lăng xê mình.
“Nổ” vang trời trên mạng
Chẳng biết có phải do trào lưu mới không, nhưng hiện nay nhiều teen rất thích được nổi bật và muốn người khác chú ý đến mình. Không tài, không thực lực, các bạn ấy nghĩ ra đủ thứ chiêu “giật điện”… với bạn bè. Lượn lờ trên facebook và vào các trang dành cho tuổi teen hiện nay, sẽ thấy không ít chân dung những “tiểu thư” hay “công tử” hiện ra với hình ảnh lung linh, cùng một cuộc sống khiến cho nhiều bạn cùng trang lứa phải mơ ước. Mới 15 - 16 tuổi, các teen này đã được giao hẳn chìa khóa chiếc xe bạc tỉ hay mua sắm đồ dùng toàn hạng sang, từ ngàn cho đến vài ngàn USD. Tuy nhiên, sự thật là chỉ có 1/3 trong số đó đang cầm “key” xịn và sử dụng hàng hiệu, còn lại phần nhiều là hàng fake hoặc được vẽ ra để “nổ” với mọi người. Dù mục đích chỉ để muốn khoe mẽ một chút với bạn bè, nâng cấp giá trị bản thân, nhưng trong thực tế đã có không ít câu chuyện “chém gió” này phải cười ra nước mắt.
N - 16 tuổi, là một ví dụ. Chơi thân với một bà chị lớn tuổi không thiếu tiền để xài hàng hiệu, N gần như mờ mắt vì những chiếc túi mà chị ấy xách đi làm, cái rẻ nhất cũng xấp xỉ 200 - 300 USD. Đến nhà bà chị chơi, túi LV và giày Salvatore, thắt lưng Burberry xếp đầy phòng ngủ. Thấy đồ hiệu nằm “phí hoài” trong góc, N nảy ra ý định chụp lại rồi “khoe hộ” bà chị. Nghĩ là làm ngay, nàng mang máy ảnh đến chụp đống đồ hiệu, không quên lôi cả túi giấy ra chụp cho đủ bộ. Để tăng phần “chân thực”, N cố tình… thò chân, thò tay vào rồi chụp luôn và post lên mạng. Chỉ đơn giản vậy, có điều thay vì tên người sử dụng là chị, thì lên đến facebook, tên chủ nhân của các món hàng trên là của N. Tất nhiên, post ảnh lên facebook hôm trước thì hôm sau dân tình lác mắt ngay. Comment khen N chịu chơi cứ ầm ầm đổ về. Từ đó, cô nàng nghiện luôn trò mượn đồ “show” hàng để chứng minh trình độ chơi của mình. Chụp ảnh thì đi mượn đồ, còn ngoài đời, N gần như để dành mọi khoản tiền mình có để lùng hàng fake rồi xách đi khoe bạn bè, nhằm chứng minh “ảnh trên facebook và ngoài đời là thực”. Và cũng chẳng biết từ lúc nào N trở thành nô lệ cho các thứ “xi xả phẩm” đó.
Ảnh chỉ mang tính minh hoạ |
Khoe của là sở thích khó từ bỏ của nhiều teen. Nhớ ngày nào, các “dân chơi” xếp hàng ở Nhà thờ Đức Bà (TP.HCM) khoe dàn xe SH siêu đẹp với chủ nhân chỉ ở độ tuổi teen ngồi chễm chệ trên xe để dân tình đi qua ngắm nghía. Giờ đây, khoe xe máy, điện thoại hay xòe tiền chụp ảnh đã trở nên… chán ngắt. “Chơi” là phải khoe hàng hiệu, khoe những chiếc túi khủng, mác quần Dolce hay Dior mới nhất, rồi ngồi trên 4 bánh (ở vị trí người lái hẳn hoi nhé) và “tự sướng” một cách tự nhiên nhất có thể, nghĩa là: tớ đang khoe giàu và đẳng cấp pr đấy, mà lại chẳng phải khoe nhé. Thế mới thấy, “công nghệ khoe của” giờ đây đã đổi mới và đẳng cấp hơn nhiều. Không có bạn bè hay anh chị xài đồ hiệu, nhưng Th – 17 tuổi, cũng không cưỡng lại nổi sở thích khoe của. Để “hợp thức hóa” sợi dây nịt Hames hay con Profile Picture đẹp lung linh, cô nàng chọn cách vừa nhanh lại vừa thiết thực, đó là search google, hoặc lang thang trên các trang mua bán hàng xách tay để tìm những bức ảnh chụp đồ hiệu, hoặc túi bọc đồ hiệu, miễn sao có chữ LV hay Chanel, Gucci… lộ ra là được rồi. Một vài cái ảnh cô nàng còn để dòng chữ “Thích là có. Sao phải ngại!”. Người không biết thì tưởng độ ăn chơi cao lắm, nhưng khi đã biết rõ gia cảnh nhà Th thì ai cũng nghĩ Th bị… hâm.
Đến PR bản thân trong đời thực
Đây chính là hệ lụy của việc “chém gió” và khoe của vô tội vạ trên các trang mạng ảo của các teen. Bởi khi đã khoe và “nổ” với bạn bè trên đó xong, “xuống” đời thực các teen cũng phải tìm mọi cách để chứng minh “không hề có khoảng cách” với những việc đã làm. Những câu chuyện bên lề về việc teen này teen kia có bố mẹ chỉ là giám đốc một doanh nghiệp nhỏ hay đơn thuần chỉ là một người kinh doanh buôn bán đã được “bốc” lên thành tổng giám đốc tập đoàn này hay chủ tịch hội đồng quản trị tập đoàn kia là chuyện quá bình thường.
Tuy nhiên việc ham thích nổi tiếng và muốn được mọi người chú ý cũng chẳng phải dễ. Nhất là với những cách khoe giàu có hay “thi thố” một vài tài lẻ bản thân. Còn nếu chẳng có tài, lại chẳng có sắc thì đành làm những trò quái gở để người ta tò mò. Thậm chí một số bạn câu sự chú ý cũng như tìm kiếm sự nổi tiếng bằng “tai tiếng” trước như: cố gắng lùng vé đi dự các sự kiện âm nhạc - văn hóa để được gặp những người nổi tiếng rồi xin chụp hình ké, nhiều teen còn “ma” đến độ sẵn sàng khoác tay, ôm eo hay thậm chí ôm hôn ngôi sao, tỏ vẻ thân mật, miễn sao có những khuôn hình được mọi người thấy “ghê gớm chưa”, mà là “ảnh thật đó nghe”, thế là tha hồ vô tư “chém gió” khi gặp gỡ bạn bè, khoe “cô ấy là bạn tao” hay “anh chàng hotboy, ngôi sao truyền hình ấy là bồ tao” (!).
Một câu chuyện liên quan đến bệnh “nổ” này được xem như một bài học cho các teen là chuyện về H, một HS lớp 11. H có một trang facebook khá ấn tượng, với những hình ảnh bắt mắt về căn nhà “mơ ước” của gia đình mình, dàn xe 3 con siêu đẹp, cùng tài nghệ chơi piano tuyệt vời của mình. Thế là, trong một lần H đến nhà bạn trong lớp chơi, bố mẹ bạn nghe đồn H rất giỏi piano nên sẵn có cây đàn trong nhà bèn yêu cầu H cho thưởng thức một bản. Anh chàng lúng túng tìm mọi cách thoái thác thật tội nghiệp. Chưa hết, một lần đám bạn đòi về nhà chơi, H một mực từ chối. Tò mò, sau một thời gian đám bạn biết tỏng nhà anh chàng chỉ là một căn nhỏ cấp 4 nằm tít trong hẻm. Quê, xấu hổ vì bị bóc mẽ, H phải xin chuyển trường và tuyệt giao hẳn với đám bạn thích… “nổ” giống mình.
Theo chuyên gia tâm lý Trần Đức Dương, hiện tượng các teen khoe mẽ là khá dễ hiểu bởi các bạn vẫn đang trong độ tuổi lớn, thích được nhiều người chú ý. Làn sóng “chém gió” ồ ạt trên các trang mạng là xuất phát từ tính hay a dua, đua đòi hoặc sợ sự thấp kém, cô đơn của bản thân. Theo anh, hệ lụy của việc “chém gió” trên không phải là nhỏ nếu các bạn không dứt khoát biết làm chủ bản thân. Bởi khi đã thành thói quen, nghiện căn bệnh khoe của và chứng tỏ đẳng cấp bản thân, các bạn sẽ khó rút chân ra, dẫn đến trạng thái tâm lý luôn lo âu, giả dối và hành động không chính xác…, đã thế còn luôn bị “ảo mộng” hành hạ…! |
Anh Tú