Bệnh nhân có những tiến triển tốt
Là một bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nhiều năm nay với mức độ nặng, phải vào viện nhiều lần vì các cơn cấp nên chất lượng cuộc sống suy giảm, tuy nhiên hiện nay, sức khỏe của bác Tạ Xuân Tr. (69 tuổi, ở Hiền Ninh, Sóc Sơn) đã cải thiện rõ rệt.
Có được kết quả đó là nhờ bác được áp dụng phương pháp ghép tế bào gốc tự thân từ mô mỡ để điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Bác sỹ Nguyễn Thanh Thủy - Trung tâm Hô hấp, bệnh viện Bạch Mai cho biết: Bệnh nhân Tạ Xuân Tr. là một trong những bệnh nhân được ghép tế bào gốc tự thân từ mô mỡ vào tháng 11/2018. Trước khi thực hiện ghép tế bào gốc, bệnh nhân được đánh giá tình trạng bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính ở mức GOLD D, tức là tình trạng khó thở nặng.
Khi leo cầu thang hoặc đi bộ từ 100-200m, bệnh nhân đã xuất hiện cơn khó thở. Trong một năm, bệnh nhân xuất hiện rất nhiều đợt cấp, phải nằm viện để điều trị.
Bên cạnh đó, chức năng hô hấp của bệnh nhân (đo chỉ số FEV1) dưới 50%, tức là thông khí tắc nghẽn ở mức độ nặng và bệnh nhân có chỉ định để ghép tế bào gốc.
Nhưng sau khi được tiến hành ghép tế bào gốc tại Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân Tr. phấn khởi chia sẻ: "Sau ghép điều trị tế bào gốc đến nay đã được 11 tháng, tình trạng sức khỏe của tôi cải thiện rõ rệt, đặc biệt là khả năng gắng sức. Tôi đã đi bộ được quãng đường dài hơn, leo được cầu thang với tầng cao hơn mà không xuất hiện khó thở hoặc xuất hiện khó thở với mức độ nhẹ.
Trong 1 năm vừa rồi tôi không hề xuất hiện một đợt cấp nào liên quan đến bội nhiễm. Khi xuất hiện các cơn khó thở, tôi đã tự kiểm soát được theo hướng dẫn của bác sĩ mà không phải vào viện để điều trị".
Bác sĩ khám và tư vấn cho bệnh nhân (BVCC). |
Ứng dụng tế bào gốc
PGS.TS Chu Thị Hạnh - Phó giám đốc Trung tâm Hô hấp, bệnh viện Bạch Mai cho biết: Tế bào gốc là những tế bào chưa biệt hóa, có khả năng biệt hóa để trở thành các tế bào khác với các chức năng riêng biệt mới.
Tế bào gốc trưởng thành (adult stem cell) thu nhận từ tủy xương, mô mỡ… không chỉ có khả năng làm mới mà còn có khả năng biệt hóa thành nhiều kiểu tế bào khác nhau như xương, mỡ, sụn, cơ, gan, thận, tim mạch, tế bào tiết insulin, thần kinh, tế bào khí quản… Đồng thời, tế bào gốc tự thân có tính an toàn cao. Chính vì thế, hiện nay tế bào gốc trưởng thành đang được nghiên cứu ứng dụng điều trị trong rất nhiều bệnh lý.
Nghiên cứu điều trị tế bào gốc cho bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại Việt Nam đang là hướng đi mới với nhiều triển vọng.
Năm 2017, Bệnh viện Bạch Mai bắt đầu triển khai thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước “Nghiên cứu sử dụng tế bào gốc tự thân từ mô mỡ và tủy xương trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính” đã được Bộ Khoa học Công nghệ phê duyệt.
Cũng theo PGS.TS Chu Thị Hạnh: “Đến nay đã có 40 bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp này và kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy chưa có biến cố bất lợi nào liên quan đến truyền tế bào gốc tự thân từ mô mỡ, tủy xương. Sức khỏe của các bệnh nhân đều có sự cải thiện rõ rệt và có phản hồi tích cực khi được điều trị bằng tế bào gốc. Chúng tôi hy vọng đây sẽ là hướng điều trị triển vọng cho các bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính”.
Tiêu chuẩn bệnh nhân được điều trị tế bào gốc:
- Bệnh nhân được chẩn đoán BPTNMT ở mức độ nặng và rất nặng theo phân loại của GOLD 2016 (ở mức GOLD C và GOLD D), trong độ tuổi từ 40 đến 80.
- Chỉ số FEV1 (đo chức năng hô hấp cho bệnh nhân) ≤ 60%.
- Có ít nhất 2 đợt cấp hoặc ít nhất 1 đợt cấp phải nhập viện trong 1 năm trước đó.
Quy trình tiến hành:
- Thu nhận tế bào gốc từ mô mỡ/ tủy xương.
- Xử lý, tách chiết khối TBG từ mô mỡ/ tủy xương.
- Truyền tĩnh mạch khối tế bào gốc tự thân từ mô mỡ/ tủy xương.
- 7 ngày theo dõi sau ghép tại phòng bệnh, ổn định sẽ ra viện.
- Tiếp tục theo dõi gồm khám lâm sàng và xét nghiệm thăm dò cận lâm sàng 4 tuần/ 1 lần cho đến 12 tháng.