Bệnh nhi 8 tuổi sốc nhiễm khuẩn kháng trị gây trụy tim mạch

GD&TĐ -Nếu điều trị nội khoa thất bại, tỷ lệ tử vong của bệnh nhi 8 tuổi bị sốc nhiễm khuẩn kháng trị gây trụy tim mạch gần 100%.

Bệnh nhi 8 tuổi bị sốc nhiễm khuẩn kháng trị gây trụy tim mạch có tỷ lệ tử vong gần 100% nếu điều trị nội khoa thất bại.
Bệnh nhi 8 tuổi bị sốc nhiễm khuẩn kháng trị gây trụy tim mạch có tỷ lệ tử vong gần 100% nếu điều trị nội khoa thất bại.

Ngày 20/12, thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 1, bệnh nhi 8 tuổi nhập viện điều trị sau 3 ngày sốt cao, tiêu chảy, nôn ói. Chẩn đoán bị sốc nhiễm khuẩn kháng trị gây trụy tim mạch. Nếu điều trị nội khoa thất bại, tỷ lệ tử vong gần 100%.

PGS.TS Phạm Văn Quang - Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc – cho biết, bệnh nhi này nhập viện lúc 12h ngày 3/12 trong tình trạng tím tái, bứt rứt, trụy tim mạch; tay chân lạnh, mạch nhanh, huyết áp không đo được.

Khai thác bệnh sử, gia đình cho biết, 3 ngày đầu bệnh nhi ho, không sốt. Ngày thứ tư, bệnh nhi sốt cao 41-42 độ kèm tiêu phân lỏng 1 lần và nôn ói trên 10 lần. Bệnh nhi mệt, tím tái, than đau ngực kèm đau bụng nên gia đình đưa bé nhập Bệnh viện Nhi Đồng 1.

1e484d0d271e9a40c30f.jpg
Hiện, sức khỏe bệnh nhi có cải thiện, dự kiến xuất viện cuối tuần này.

“Bệnh nhi được hỗ trợ hô hấp, chống sốc nhưng tình trạng không cải thiện nên được đặt nội khí quản giúp thở, dùng kháng sinh mạnh và 3 thuốc vận mạch liều tối đa để trợ tim nhưng không nâng được huyết áp”, PGS.TS Phạm Văn Quang thông tin.

Siêu âm tim tại giường, ghi nhận tim co bóp rất yếu. Bệnh viện tiến hành hội chẩn liên chuyên khoa gồm các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực, Cấp cứu, Tim mạch, xác định đây là tình trạng sốc nhiễm khuẩn kháng trị gây trụy tim mạch, sốc tim không đáp ứng điều trị nên kích hoạt báo động đỏ. Đồng thời nhanh chóng chuyển bệnh nhi đến khoa Hồi sức tích cực để thực hiện kỹ thuật ECMO nhằm cứu sống bệnh nhi.

Với sự hỗ trợ của các bác sĩ Ngoại tim mạch, Gây mê, đội ngũ các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực chạy đua với thời gian nhanh chóng thiết lập hệ thống ECMO để hỗ trợ huyết động học cho bệnh nhi và trái tim nhỏ bé đang đập yếu ớt.

“Để bảo vệ não, điều trị tổn thương gan thận và phản ứng viêm rất mạnh, các bác sĩ tiến hành hạ thân nhiệt chỉ huy, lọc máu liên tục. Sau khoảng 30 phút, bệnh nhi từ tình trạng tím tái, trụy tim mạch hồng hào trở lại” PGS.TS Phạm Văn Quang cho hay.

Sau gần 7 ngày chạy ECMO, tình trạng tim mạch và các cơ quan cải thiện. Ngày 9/12, bệnh nhi cai ECMO. Hiện, tình trạng nhiễm khuẩn của bệnh nhi đã được kiểm soát tốt, tỉnh táo, hồng hào, ăn uống được. Dự kiến sẽ xuất viện cuối tuần này.

“Đây là một ca được cứu sống ngoạn mục nhờ áp dụng kỹ thuật chuyên sâu (ECMO, lọc máu, hạ thân nhiệt) cùng với kích hoạt báo động đỏ nội viện. Thành công này mở ra cơ hội hồi sinh cho các bệnh nhi sốc nhiễm khuẩn kháng trị mà trước đây hầu như không thể cứu được”, PGS.TS Phạm Văn Quang nhận định.

Mặc dù đã có nhiều tiến bộ trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu nhưng nhiễm khuẩn huyết và sốc nhiễm khuẩn vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em. Sốc nhiễm khuẩn kháng trị, thất bại với các biện pháp điều trị nội khoa thì tử vong gần như là 100%.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể những năm gần đây. Ảnh minh họa: INT

Tích hợp hệ thống năng lượng hỗn hợp

GD&TĐ - Kết hợp năng lượng mặt trời và gió giúp hệ thống điện ổn định hơn, hiệu suất cao hơn. Hệ thống phù hợp để ứng dụng vào điện mặt trời mái nhà.