Phần lớn là bệnh nhẹ nhưng nếu chủ quan, bệnh có thể bùng phát thành dịch, khiến nhiều người mắc bệnh và đôi khi có người tử vong vì những bệnh tưởng quá thân quen này.
Bệnh nhẹ cũng khổ
Những ngày vừa qua thời tiết ẩm ướt, lạnh được cảnh báo là điều kiện thuận lợi cho các loại virus, vi khuẩn gây bệnh phát triển. Đây cũng là khoảng thời gian sức đề kháng của nhiều người suy giảm nên bệnh dịch có cơ hội tấn công.
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu cho biết: Cúm các loại, ho gà, bạch hầu, sởi, rubella… là bệnh thường gặp trong mùa đông xuân. Kết quả giám sát tại vùng trọng điểm cho thấy, trên 37% người dân mắc cúm A/H3N2, 34,7% người mắc cúm A/H1N1 và 28% người mắc cúm type B.
Tính đến thời điểm này cả nước chưa ghi nhận cúm A/H7N9 và H5N1 trên người. Đối với sốt xuất huyết, năm 2017, dịch bệnh diễn biến phức tạp với 183.287 ca mắc (154.552 nhập viện), 30 ca tử vong.
Số mắc tăng từ đầu tháng 5 đến cuối tháng 8/2017. Từ đầu tháng 9 đến nay số mắc giảm sâu và liên tục ở hầu hết các tỉnh, thành phố tuy nhiên vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát bởi điều kiện thời tiết hiện nay thuận lợi cho tác nhân truyền bệnh phát triển.
Bên cạnh đó, sởi, ho gà, bạch hầu, liên cầu khuẩn… vẫn xuất hiện ở một số địa phương. Mặc dù số mắc không nhiều nhưng cũng là dấu hiệu cảnh báo chúng ta hết sức cẩn thận bởi chứng tỏ tình trạng miễn dịch trong cộng đồng chưa cao.
Địa phương phải cùng vào cuộc
Theo ông Trần Đắc Phu, hiện các bệnh nguy hiểm và mới nổi luôn có nguy cơ cao xâm nhập vào Việt Nam (cúm A/H7N9, sốt vàng, dịch hạch…) và bùng phát nếu không có biện pháp phòng, chống dịch kịp thời. Đặc biệt, trong mùa đông xuân, mùa lễ hội có thời tiết ẩm lạnh, tập trung đông người, gia tăng đi lại, buôn bán, vận chuyển và tiêu thụ gia cầm làm tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm như cúm gia cầm, ho gà, bạch hầu, sởi, rubella…
Dịch bệnh luôn chực chờ trong khi tỷ lệ tiêm chủng chưa bao phủ được hơn 95% quy mô xã phường, chưa quản lý tốt đối tượng tiêm chủng, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận dịch vụ y tế, khu vực có di dân biến động lớn đồng nghĩa với nguy cơ dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp trong năm 2018.
Dự phòng được ví như chìa khóa vạn năng vừa để phòng chống dịch bệnh vừa bảo vệ sức khỏe người dân từ xa. Làm sao để chìa khóa trên phát huy tác dụng, ông Trần Đắc Phu cho rằng: Chúng ta phải tăng cường giám sát, phát hiện sớm các bệnh dịch nguy hiểm, xử lý các ổ dịch tại cộng đồng hiệu quả, kịp thời.
Ngoài việc tăng cường công tác truyền thông trong phòng, chống dịch bệnh, chúng ta cần nâng cao tỷ lệ tiêm chủng; Sẵn sàng thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ tử vong.
Là tỉnh miền núi có trên 231 km đường biên giới trên bộ với Trung Quốc, với 11 cửa khẩu và nhiều đường mòn lối mở khác, Lạng Sơn luôn là điểm nóng của tình trạng buôn bán, nhập lậu gia cầm cũng như sự xâm nhập của dịch bệnh.
Theo đại diện ngành y tế tỉnh này, để chủ động phòng chống dịch bệnh, Sở Y tế đã đặt 5 máy đo thân nhiệt tại 4 cửa khẩu có nhiều người qua lại, lắp 2 hệ thống phun khử khuẩn tự động các phương tiện vận tải nhập cảnh tại cửa khẩu Hữu Nghị và Chi Ma.
Bên cạnh đó, thường xuyên giám sát bệnh tại cộng đồng, lấy mẫu bệnh phẩm trên đàn gia cầm xét nghiệm tìm virus cúm để chủ động khoanh vùng, xử lý gia cầm, thủy cầm mắc dịch… Đặc biệt từ sau Tết Dương lịch, các đội tuyên truyền cơ động liên tục triển khai các hoạt động tại cộng đồng, trường học để nâng cao nhận thức cho người dân, học sinh, giáo viên cách bảo vệ sức khỏe.
Còn theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, thành phố coi tiêm chủng là “áo giáp” bảo vệ sức khỏe trẻ em, tăng miễn dịch trong cộng đồng, do vậy, thay vì tiêm chủng hàng tháng, Hà Nội triển khai tiêm chủng thường xuyên hàng tuần, tăng cường điều tra, rà soát đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng trên địa bàn để nhắc nhở cha mẹ chủ động đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, không trì hoãn và không đưa trẻ đi tiêm muộn.
Ngoài ra, các cơ sở khám chữa bệnh tổ chức tốt việc phân luồng, cách ly điều trị và phòng chống nhiễm khuẩn tránh lây nhiễm chéo, hạn chế tối đa tử vong.