Bệnh lý van tim: Bài 1: Hẹp hở van 2 lá

GD&TĐ - Trái tim của con người chia làm 4 ngăn (buồng), chia đều trái - phải. Hai ngăn nằm bên trái thông nhau bởi một cái 'cửa có 2 cánh', gọi là van 2 lá.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Hai ngăn nằm bên phải thông nhau bởi một cái “cửa có 3 cánh”, gọi là van 3 lá.

Do tác động bệnh lý, những cánh cửa này bị biến đổi hình dạng và khi đóng lại, cửa có thể bị hở ra hoặc hẹp khít lại - gọi là bệnh hẹp hở van 2 lá hoặc hẹp hở van 3 lá.

Trong phạm vi bài viết này đề cập đến bệnh hẹp hở van 2 lá, đây là bệnh lý van tim thường gặp nhất.

Do sốt thấp khớp

Do tác động của bệnh lý nên cánh cửa bên tim trái tức van 2 lá bị hẹp lại. Điều này gây khó khăn cho việc mở hoặc khép van tim, đồng thời cản trở sự lưu thông dòng máu từ tâm nhĩ trái (ngăn trên) xuống tâm thất trái (ngăn dưới).

Nguyên nhân gây bệnh hẹp van 2 lá chủ yếu do sốt thấp khớp (bệnh thấp khớp cấp). Đây là bệnh lý ở các khớp lớn, nhưng gây ra hậu quả nghiêm trọng là biến chứng ở tim. Bệnh thấp khớp cấp do liên cầu khuẩn gây ra và đối tượng mắc thường là trẻ em.

Tuy nhiên, bệnh vẫn có thể gặp ở bất cứ đối tượng nào. Hiện nay, bệnh vẫn còn tương đối phổ biến ngay cả ở những nước đã phát triển và đang phát triển. Tỉ lệ mắc cao ở các nước đói nghèo và lạc hậu. Ngoài ra, bệnh hẹp van 2 lá còn gặp ở người cao tuổi do vách van tim bị vôi hóa dày lên, khó mở rộng nên gây hẹp. Vài trường hợp hiếm hơn là hẹp van 2 lá bẩm sinh.

Người bị hẹp van 2 lá thường có các biểu hiện mệt mỏi (do lưu thông máu kém), hồi hộp mệt ngực - do tim làm việc vất vả, thở khó. Một số trường hợp có các biến chứng nguy hiểm như tăng áp lực phổi, rung nhĩ, huyết khối, suy tim và thậm chí là tai biến mạch máu não.

Hướng điều trị nội khoa bao gồm các thuốc thường được chỉ định như lợi tiểu, thuốc nhóm chẹn beta hoặc các thuốc nhóm chẹn kênh calci giải phóng chậm và thuốc chống ngưng tập tiểu cầu, chống đông máu. Các trường hợp nặng, người bệnh được chỉ định nong rộng van tim, mổ nội soi hoặc phẫu thuật mở van tim và thay thế van tim cho một số trường hợp cần thiết.

Minh họa/INT

Minh họa/INT

Máu bị trào ngược

Trái ngược với tình trạng bệnh lý hẹp khi mở là tình trạng bệnh lý hở khi đóng. Bệnh hở van 2 lá gây ra trạng thái van tim đóng lại không khít. Do đó, khi tim hoạt động bơm máu cho động mạch chủ chuyển đi nuôi các bộ phận trong cơ thể thì có một lượng máu trào ngược từ ngăn dưới (tâm thất trái) lên ngăn trên (tâm nhĩ trái).

Sự trào ngược này làm cho nhát bóp đưa máu đi của tim thiếu hiệu quả. Do đó gây ra hiện tượng thiếu máu ở các cơ quan trong cơ thể. Để “bù đắp”, tim phải hoạt động vất vả vì gia tăng công suất làm việc. Nếu hiện tượng này diễn ra kéo dài và lâu ngày sẽ dẫn đến phì đại các cơ tim và suy tim.

Các biểu hiện thường thấy ở người bệnh hở van 2 lá là luôn thấy cảm giác thở khó và mệt mỏi. Các biểu hiện này sẽ gia tăng cường độ nếu các hoạt động gia tăng, nhất là những công việc mang tính nặng nhọc và gắng sức.

Việc điều trị của người bệnh thế nào, tùy thuộc vào mức độ của bệnh. Các trường hợp bệnh nhẹ không có sự chỉ định nào là cần thiết. Người bệnh được khuyên nghỉ ngơi, bồi dưỡng, làm những công việc và tập luyện thể dục thể thao phù hợp, tránh các hoạt động mạnh, gắng sức và đặc biệt là kéo dài.

Các trường hợp bị hở van 2 lá nặng, người bệnh được chỉ định phẫu thuật. Trong một số trường hợp cần thiết, người bệnh sẽ được thay thế van tim tự nhiên bằng van tim nhân tạo.

Các trường hợp bệnh nhân hở van 2 lá nặng, nếu không được điều trị kịp thời và đúng mức sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là suy tim và tử vong.

Bệnh hẹp, hở van 2 lá xảy ra trên cùng một van tim ở van 2 lá nằm bên nửa quả tim trái. Hai bệnh này diễn ra theo hai chiều trái ngược: Bị hẹp thì “cửa mở” không rộng, máu lưu thông khó khăn. Bị hở thì “cửa đóng” không khít, máu dễ dàng trào ngược trở lại.

Dù bị hẹp hay hở van tim, hoặc kết hợp giữa hẹp và hở thì bệnh nhân và người thân luôn mang nỗi lo lắng và thường trực trong lòng. Người bệnh luôn không có cảm giác thoải mái và có nhiều hoạt động, nhiều công việc và thậm chí là có những ước mơ đành phải từ bỏ cho phù hợp với điều kiện sức khỏe của bản thân hay nói chính xác hơn chính là điều kiện sức khỏe của… trái tim.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ