Bệnh hẹp van động mạch chủ diễn tiến âm thầm, biến chứng nguy hiểm

GD&TĐ -Van động mạch chủ nằm giữa tâm thất trái và động mạch chủ, có nhiệm vụ đóng mở để giúp máu lưu thông theo đường một chiều. Hẹp van động mạch chủ xảy ra khi cánh cửa của van không mở ra hết mức khi tâm thất co bóp, khiến máu bị ứ tại tâm thất, gây thiếu máu đến nuôi các cơ quan trong cơ thể và là nguyên nhân gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh.

Ca can thiệp tim mạch do các bác sĩ BV ĐH YD TPHCM thực hiện (Ảnh: BVCC)
Ca can thiệp tim mạch do các bác sĩ BV ĐH YD TPHCM thực hiện (Ảnh: BVCC)

Theo PGS TS BS. Nguyễn Hoàng Định - Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch, Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM (BV ĐHYD TPHCM), hẹp van động mạch chủbệnh phổ biến nhất về van tim, thường gặp ở người trên 60 tuổi và không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu.

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh sẽ đối diện với nguy cơ tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim, rối loạn nhịp tim và nhiều biến chứng nặng nề khác có thể dẫn đến tử vong.

Ở những người bệnh hẹp van động mạch chủ nặng, ngay cả khi chưa có triệu chứng rõ ràng thì tỉ lệ tử vong trong vòng 1 năm lên đến khoảng 20 - 30%, nghĩa là cứ 10 người bệnh hẹp van động mạch chủ nặng thì có 2 – 3 trường hợp có thể xảy ra những tai biến, biến chứng nặng và có thể tử vong. Sau 2 năm, tỉ lệ tử vong do hẹp van động mạch chủ là 50%.

Bệnh hẹp van động mạch chủ thường không có triệu chứng cụ thể ở giai đoạn đầu. Do đó, khi người bệnh có triệu chứng đồng nghĩa với việc bệnh đã tiến triển nặng và cần phải can thiệp hoặc phẫu thuật thay van.

Các triệu chứng điển hình của bệnh bao gồm: đau tức ngực, khó thở, mệt khi gắng sức, khó thở khi ngủ, ngất xỉu… Các triệu chứng nói trên chỉ xuất hiện khi bệnh đã trở nặng, vì vậy đa số các trường hợp người bệnh đến khám khi đã ở giai đoạn trễ, nguy cơ xảy ra các biến chứng rất cao, đe dọa trực tiếp tới tính mạng của người bệnh.

Hằng năm BV ĐHYD TPHCM tiếp nhận khoảng 400 – 500 trường hợp người bệnh có các bệnh lý về van tim đến khám, trong đó có khoảng 120 người bệnh đã ở giai đoạn nặng và được chỉ định phẫu thuật, số ca hẹp van động mạch chủ được phẫu thuật mỗi năm là 30 – 50 ca.

Đa số các trường hợp đều được phẫu thuật thay van tim theo đường nội soi, ít xâm lấn (đường mổ nhỏ thay vì mổ hở như trước kia để hạn chế tối đa các biến chứng có thể xảy ra cho người bệnh).

Đó cũng chính là xu hướng mới trong điều trị bệnh lý này. Các phương pháp ít xâm lấn sẽ giảm mất máu, giảm đau và hạn chế các tai biến, biến chứng có thể xảy ra, giúp người bệnh phục hồi nhanh sau phẫu thuật.

Trong các can thiệp ít xâm lấn, thay van động mạch chủ qua đường ống thông (hay còn gọi là thay van động mạch chủ qua da - TAVI) là kỹ thuật hiện đại nhất, mang lại hiệu quả thiết thực cho người bệnh.

Điển hình là người bệnh T.T.K.H, 69 tuổi, ngụ tại Đồng Nai. Cách đây gần 5 tháng, bà H. thường xuyên thấy đau ngực, mệt khi gắng sức, khó thở về đêm. Sau đó, bà H. đến khám tại BV ĐHYD TPHCM. Tại đây, các bác sĩ đã thực hiện siêu âm tim và chẩn đoán bà H. bị hẹp van động mạch chủ nặng kèm bệnh tăng huyết áp, suy tim.

Các bác sĩ đánh giá nếu không can thiệp kịp thời, người bệnh có nguy cơ bị biến chứng cao. Sau đó, bà H. được chuyển đến Khoa Nội tim mạch điều trị nội khoa ổn định suy tim và chuẩn bị xét nghiệm tiền phẫu.

Đến cuối tháng 7/2019, các bác sĩ tiến hành thủ thuật thay van động mạch chủ qua da cho người bệnh. Sau đó, người bệnh được theo dõi tại Khoa Hồi sức cấp cứu và xuất viện sau 5 ngày can thiệp. Sau khi tái khám, các bác sĩ đánh giá van tim mới hoạt động tốt, sức khỏe người bệnh hoàn toàn ổn định.

Trường hợp khác, người bệnh tên T.V.X, 66 tuổi, ngụ tại tỉnh Bình Dương. Cách đây 1 năm, ông X. thấy khó thở và đau ngực khi gắng sức (đau lúc leo cầu thang hoặc đi lại nhiều) và khi ngủ thường thức dậy nhiều lần vì khó thở.

Sau khi đến khám tại BV ĐHYD TPHCM, ghi nhận trên siêu âm cho thấy ông X. bị hẹp van động mạch chủ nặng, suy giảm chức năng tâm trương thất trái nặng, suy tim giai đoạn 3.

Chú X. còn có nhiều bệnh lý đi kèm như đái tháo đường type 2, bệnh thận mạn giai đoạn 5, suy van tĩnh mạch chi dưới, tăng huyết áp…

Cuối tháng 2/2019, các bác sĩ tiến hành thủ thuật thay van động mạch chủ qua da cho người bệnh. Kết quả siêu âm tim tốt, van tim hoạt động bình thường, người bệnh phục hồi nhanh và được xuất viện sau 4 ngày theo dõi.

PGS TS BS. Nguyễn Hoàng Định khuyến cáo, các triệu chứng của bệnh hẹp van động mạch chủ thường không rõ ràng vì vậy dễ sinh tâm lý chủ quan, người dân không chủ động tầm soát để phát hiện bệnh. Điều này rất nguy hiểm vì khi bệnh diễn tiến nặng sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Vì vậy đối tượng của bệnh là người trên 60 tuổi nên khám tầm soát, kiểm tra sức khỏe định kỳ hằng năm, thực hiện siêu âm tim để kịp thời phát hiện những bất thường ở van động mạch chủ để can thiệp trước khi bệnh trở nên quá nặng, hạn chế được các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ