Bệnh gia tăng do dinh dưỡng không hợp lý

GD&TĐ - Đây là chia sẻ của TS Trương Đình Bắc – Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) tại Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm về ghi nhãn dinh dưỡng được tổ chức ngày 19/4 tại Hà Nội.

TS Trương Đình Bắc phát biểu tại hội thảo.
TS Trương Đình Bắc phát biểu tại hội thảo.

Theo TS Trương Đình Bắc, hiện nay ở Việt Nam cứ 10 người chết thì có 7 người chết do các bệnh không lây nhiễm. Số ca tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm tới 73% tổng số các ca tử vong, trong đó 43% số ca tử vong trước 70 tuổi, gánh nặng bệnh tật do bệnh không lây nhiễm chiếm 66% tổng gánh nặng bệnh tật.

Hiện cả nước đang có khoảng 12,5 triệu người có huyết áp cao, bị bệnh tim mạch; 3 triệu người bị tiểu đường; 2 triệu người bị hen phế quản và 17% người trưởng thành đang thừa cân béo phì, tương đương với cả chục triệu người.

Bà Susan Kevork, Chuyên gia dinh dưỡng cấp cao Tập đoàn Nestlé khu vực châu Á, châu Đại dương và châu Phi chia sẻ kinh nghiệm về thực hành ghi nhãn dinh dưỡng.
 Bà Susan Kevork, Chuyên gia dinh dưỡng cấp cao Tập đoàn Nestlé khu vực châu Á, châu Đại dương và châu Phi chia sẻ kinh nghiệm về thực hành ghi nhãn dinh dưỡng.

Lý giải về sự gia tăng các bệnh không lây nhiễm, TS Bắc nhận định, tỷ lệ mắc và tử vong cao đối với các bệnh không lây nhiễm xuất phát từ lối sống và sự chủ quan của người bệnh như: hút thuốc; uống rượu bia; ăn ít rau, trái cây; ăn nhiều muối; thiếu hoạt động thể lực…

“Nhiều người dân chỉ thích đồ ăn nhanh, uống nước ngọt, chứa nhiều muối, nhiều đường, nhiều chất béo. Khoảng 30% dân số ăn thiếu rau và trái cây cần thiết mỗi ngày. Điều này làm gia tăng bệnh béo phì, xơ vữa động mạch dẫn đến các bệnh tim mạch, tiểu đường…", TS Bắc cho biết.

TS Bắc cho rằng, để phòng chống bệnh tật, người dân cần phải nhận biết, lựa chọn cho mình sản phẩm ít muối, ít đường, ít chất béo, nhiều chất xơ, nhiều vitamin… Tuy nhiên, hiện nay các sản phẩm đóng gói không có quy định ghi rõ tỷ lệ chất béo, chất đạm, đường… trên nhãn mác, do đó, người dân muốn tìm một sản phẩm ít năng lượng cũng không biết đâu mà lần.

“Trong thời gian tới Bộ Y tế sẽ đẩy mạnh các hoạt động thông tin tuyên truyền giúp người dân biết cách lựa chọn thực phẩm dinh dưỡng có lợi hơn cho sức khỏe, khuyến khích nhà sản xuất chủ động công bố ghi nhãn dinh dưỡng cho người tiêu dùng dễ nhận biết tổng năng lượng, đạm, béo, tinh bột và muối, đường…” - ông Bắc cho biết.

Cục Y tế dự phòng và Nestlé Việt Nam ký biên bản hợp tác nâng cao kiến thức về dinh dưỡng.
Cục Y tế dự phòng và Nestlé Việt Nam ký biên bản hợp tác nâng cao kiến thức về dinh dưỡng.

Chia sẻ về kinh nghiệm ghi nhãn dinh dưỡng, để người dân lựa chọn sản phẩm có lợi với sức khỏe của mình, bà Susan Kevork, Chuyên gia dinh dưỡng cấp cao Tập đoàn Nestlé khu vực Châu Á, châu Đại dương và châu Phi, cho biết, Tập đoàn luôn nghiên cứu và phát triển sản phẩm phù hợp với từng nhóm đối tượng có nhu cầu dinh dưỡng khác nhau và công bố thành phần dinh dưỡng trên bao bì, giúp người dùng dễ dàng tìm hiểu và lựa chọn.

Nhân dịp này, Nestlé Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ với Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) trong việc hợp tác truyền thông nâng cao kiến thức dinh dưỡng hợp lý cho người dân cũng như hỗ trợ xây dựng các tiêu chí dinh dưỡng cho một số thực phẩm và đồ uống phổ biến dựa trên nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị dành cho người Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ