Bệnh “đói” I ốt đang quay trở lại

GD&TĐ - Bướu cổ và đần độn là hai bệnh điển hình nhất của tình trạng thiếu I ốt. Trên thực tế, thiếu vi chất này gây ra nhiều bệnh khác ở trẻ nhỏ, thai nhi và người trưởng thành. Đó là sự chậm phát triển của thai nhi, các khuyết tật về thần kinh, tâm thần…

Bệnh “đói” I ốt đang quay trở lại

Nguyên nhân của nhiều bệnh

Ở nước ta, nạn đói I ốt được ghi nhận vào năm 1993. Điều tra dịch tễ học thời gian đó cho thấy 94% dân số nằm trong vùng thiếu I ốt. Đây được xem là nguyên nhân chính khiến trên 22% trẻ từ 8 - 12 tuổi bị bướu cổ. I ốt có mặt trong nhiều loại thực phẩm khác nhau, từ thực vật đến động vật.

Bởi vậy, mọi người vẫn cho rằng chỉ cần ăn đa dạng các loại thực phẩm sẽ cung cấp đủ các vi chất cần thiết cho cơ thể. Nhưng nghiên cứu của Bệnh viện Nội tiết Trung ương giai đoạn 2000 - 2010 chỉ ra rằng các thực phẩm nuôi trồng tự nhiên trong phạm vi cả nước chứa lượng I ốt không đáng kể.

Điều này đồng nghĩa với việc cơ thể không tự tổng hợp I ốt nên cần bổ sung chủ động vào thực phẩm.

Để giải quyết tình trạng trên, hàng loạt chiến lược, quy định nhằm bổ sung I ốt cho người dân được triển khai. Quy định muối ăn cho người bắt buộc phải bổ sung I ốt đã cứu nhiều người khỏi bệnh bướu cổ, đần độn.

Nhiều em bé chào đời cũng tránh được dị tật thần kinh do không nhận được lượng I ốt vừa đủ từ người mẹ. Đến năm 2005, tỷ lệ người dân sử dụng I ốt có nơi chạm ngưỡng 100%. Tình trạng thiếu I ốt trong cộng đồng chính thức được kiểm soát và thanh toán.

Chủ quan khiến bệnh quay trở lại

Ngay sau khi được công nhận bao phủ tỷ lệ người dân dùng I ốt qua muối ăn, bệnh liên quan đến I ốt được kiểm soát, các doanh nghiệp không bắt buộc phải trộn vi chất này vào muối như trước. Hậu quả của việc làm trên là số muối chứa I ốt bán trên thị trường giảm về chủng loại. Tỷ lệ người dân dùng muối I ốt giảm liên tục, có nơi xuống còn 30%.

Không duy trì thói quen dùng muối chứa I ốt. Bên cạnh đó thói quen tiêu dùng cũng thay đổi. Trước kia, phần lớn người dân dùng muối và nước mắm trong chế biến thực phẩm cũng như trong bữa cơm hàng ngày. Nay họ có nhiều lựa chọn hơn. Các loại gia vị, bột canh, nước tương… xuất hiện cũng là lúc tỷ lệ I ốt được bổ sung cho cơ thể qua bữa ăn giảm dần.

Lượng I ốt cung cấp cho cơ thể không đủ duy trì các hoạt động, bệnh liên quan đến vi chất này lại xuất hiện. Điều tra của Bệnh viện Nội tiết Trung ương ở trẻ em độ tuổi 8 - 10 trên toàn quốc có 9,8% trẻ bị bướu cổ, mức trung vị I ốt niệu là 8,4mcg/dl, là mức thấp nhất trong 10 năm qua.

ThS, bác sĩ Trần Khánh Vân, Phó trưởng khoa Vi chất dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng) cho biết: Cả nước có 9,8% trẻ từ 8 - 10 tuổi bị bướu cổ do thiếu I ốt thì con số trên ở các độ tuổi khác cũng tương tự bởi các thành viên trong gia đình có chung chế độ dinh dưỡng trong thời gian dài khiến trẻ em thiếu I ốt không lý gì người lớn lại thừa.

Do vậy, Việt Nam một lần nữa được Tổ chức Y tế Thế giới xếp vào nước báo động về tình trạng thiếu I ốt.

Đối mặt với tình trạng thiếu

I ốt, không còn cách nào khác là phải bổ sung vi chất này vào các loại thực phẩm người dân sử dụng hàng ngày. Nhưng với 75% người dân sử dụng gia vị có vị mặn từ nước mắm, nước tương, bột canh, xu hướng sử dụng thực phẩm chế biến sẵn… thì việc chỉ bổ sung I ốt vào muối ăn trực tiếp như trước kia không còn phù hợp.

Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, GS.TS Lê Danh Tuyên cho rằng: Mạng lưới toàn cầu về dinh dưỡng I ốt yêu cầu bắt buộc muối để người ăn trực tiếp, muối dùng trong chế biến mọi loại thực phẩm, kể cả muối dùng cho chăn nuôi gia súc cũng phải trộn I ốt.

Hiện có 130 quốc gia trên toàn cầu thực hiện quy định bổ sung I ốt vào tất cả các loại muối, 69 quốc gia yêu cầu sử dụng muối I ốt cho thực phẩm chế biến. Như vậy, chúng ta không có lý do gì để không thực hiện quy định trên.

Việc bổ sung vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm không tốn quá nhiều chi phí, không làm mất giá trị thực phẩm, không gây mùi hoặc làm biến đổi mùi thực phẩm trong khi những sản phẩm này thường có giá cao hơn một chút so với sản phẩm cùng loại không chứa I ốt sẽ không bị thất thu và người dân vẫn chấp nhận được.

Nói vậy để thấy rằng, bổ sung I ốt hoàn toàn có thể thực hiện, vấn đề là chính sách, quy định mang tính ràng buộc vào sự thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp với sức khỏe cộng đồng.

Vi chất dinh dưỡng là chất cơ thể cần bổ sung hàng ngày để phục vụ cho việc duy trì và hoạt động của các bộ phận trong cơ thể. Việc bổ sung vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm chỉ mất chừng 0,06 USD/người/năm nhưng hạn chế được nhiều nguy cơ bệnh tật. Hơn nữa, khi cơ thể có biểu hiện thiếu vi chất, lúc này có bổ sung hàng tấn vi chất cũng không thể khắc phục được hậu quả bởi nó đã để lại di chứng ở trí não, thần kinh…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình) trong giờ dạy môn Khoa học tự nhiên.

Giúp dạy học hiệu quả môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, các nhà trường đã rút ra những kinh nghiệm để triển khai dạy học hiệu quả môn tích hợp, nhất là môn Khoa học tự nhiên.
Minh họa/INT

Bóng ma hạt nhân ở Trung Đông

GD&TĐ - Tình hình Trung Đông đã đột ngột căng thẳng kể từ đêm 13/4 rạng sáng 14/4 khi Iran lần đầu tiên trong lịch sử thực hiện một cuộc không kích quy mô lớn.