Kiểm tra sức khỏe thường xuyên để phòng, chống bệnh đái tháo đường-Ảnh: Thiện Tâm |
Bà Bùi Thị Minh Thái, trưởng khoa Phòng chống bệnh không lây nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, cho biết bệnh đái tháo đường đã và đang gia tăng trên toàn cầu, trở thành một trong những thách thức lớn đối với ngành y tế và sự phát triển của các quốc gia trong thế kỷ 21.
Đối với Việt Nam, theo ước tính của Bộ Y tế, những đối tượng từ 20-79 tuổi bệnh đái tháo đường sẽ tăng khoảng 78,5% trong giai đoạn 2017 - 2045 (từ 3,53 triệu người mắc bệnh đái tháo đường năm 2017 tăng lên 6,3 triệu người mắc bệnh đái tháo đường vào năm 2045).
Riêng tại Hà Nội, theo kết quả điều tra về bệnh không lây nhiễm ở người dân từ 40 tuổi trở lên ở huyện Thạch Thất và huyện Quốc Oai cho thấy, tỷ lệ người dân tiền đái tháo đường chiếm 6,6% và đái tháo đường chiếm 10,1%. Con số này cho thấy tình hình bệnh đái tháo đường tại Hà Nội đang ở mức báo động.
Theo ông Trịnh Duy Ưng, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Thạch Thất thì bệnh đái tháo đường là bệnh mãn tính, tiến triển với nhiều biến chứng, ảnh hưởng đến sức khỏe của người mắc bệnh. Trong đó, đường huyết cao và kéo dài là nguyên nhân chủ yếu gây nên những biến chứng nguy hiểm như tổn thương mắt có thể gây mù lòa, suy thận, nhiễm trùng bàn chân, cắt cụt chi, biến chứng tim mạch... làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh và dẫn đến tử vong.
Các biểu hiện ban đầu của tiền đái tháo đường hoặc yếu tố nguy cơ khác của bệnh đái tháo đường như thừa cân - béo phì, tăng huyết áp, rồi loạn chuyển hóa lipide... Mọi người cần biết về bệnh đái tháo đường và bệnh chỉ có thể được quản lý một cách thích hợp nếu chính người bệnh hiểu được họ cần phải làm gì. Do đó, việc tuyên truyền, giáo dục sức khỏe cho mọi người rất quan trọng trong hoạt động phòng chống bệnh đái tháo đường.
Cần duy trì dinh dưỡng hợp lý
Vì vậy, để chủ động các biện pháp phòng chống bệnh đái tháo đường, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội khuyến cáo mỗi người dân cần có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, duy trì cân nặng hợp lý, tăng cường vận động thể lực.
Đồng thời không hút thuốc lá và không lạm dụng rượu bia cũng như thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe và xét nghiệm đường máu là cách duy nhất phát hiện bệnh đái tháo đường.
Bàn về vấn đề này, GS. TS Tạ Văn Bình-Chủ tịch Trung ương Hội người Giáo dục bệnh Đái tháo đường Việt Nam cho biết, hai trong số các nguyên nhân chính khiến bệnh tiểu đường hiện nay tăng mạnh là do liên quan đến lối sống và ảnh hưởng stress tới mọi người.
Trong đó, sai lầm nhất là về lối sống, bao gồm cả chế độ ăn uống và hoạt động thể lực. Nhất là hiện nay, kinh tế phát triển, mọi người quan tâm hơn tới chế độ ăn uống, bổ sung nhiều chất dinh dưỡng nhưng lại không chú trọng hoạt động thể lực.
Dẫn đến năng lượng cung cấp cho cơ thể nhiều mà hoạt động vận động thể lực để tiêu hao năng lượng ít. Theo thời gian, chất dinh dưỡng tích tụ không chuyển hóa được sẽ gây bất lợi cho sức khỏe con người về lâu dài. Bên cạnh đó, stress cũng là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh lý đái tháo đường.
Hiện nay, có nhiều người áp dụng các phương pháp điều trị sai cách, phản khoa học hoặc kiêng khem quá mức gây ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe. Phần lớn, mọi người có tư tưởng, đã bị tiểu đường thì buộc phải kiêng tất cả các sản phẩm có đường, không ăn hoa quả ngọt, ăn ít tinh bột hoặc ăn các thức ăn khác thay thế tinh bột, ăn nhiều bữa…
Tất cả những cách làm đó đều sai lầm. Vì theo ông Tạ Văn Bình, không quan trọng chúng ta ăn gì mà quan trọng là ăn như thế nào. Nhiều người cho rằng không ăn hoa quả ngọt để ngừng cung cấp lượng đường cho cơ thể. Tuy nhiên, điều đó vô tình khiến cơ thể thiếu vitamin trầm trọng, dẫn tới kháng thể ngày càng kém, dễ mắc thêm bệnh.
Vì vậy, việc có chế độ ăn uống hợp lý là vô cùng cần thiết. Người bệnh cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa thầy thuốc (đặc biệt là chuyên khoa dinh dưỡng) và bệnh nhân. Một chế độ ăn thích hợp phải đáp ứng được các yêu cầu là đủ calo cho hoạt động sống bình thường; tỉ lệ thành phần các chất đạm, mỡ, đường cân đối; đủ vi chất; chia bữa ăn cho phù hợp với thay đổi sinh lý…
Quan trọng là phân bổ chế độ ăn cần phải đạt được mục tiêu không tạo ra sự dư thừa năng lượng. Thừa năng lượng là nguyên nhân gây bệnh béo phì, cũng là nguyên nhân gây ra các bệnh khác như rối loạn lipid máu... làm bệnh đái tháo đường nặng thêm nhiều lần.
Có ăn đúng chế độ mới duy trì được lượng đường máu phù hợp, không gây thừa đường, gây nhiễm độc đường hoặc không gây ra hạ đường huyết do thực hiện chế độ ăn khắc khổ, thiếu năng lượng.
Đặc biệt, không thể có một chế độ ăn chung cho tất cả mọi người mắc bệnh đái tháo đường. Một chế độ ăn phù hợp riêng cho mỗi người phải dựa vào sở thích cá nhân, đặc điểm hấp thu của cá nhân đó, thậm chí phải dựa trên cơ sở phong tục tập quán của mỗi dân tộc, mỗi cộng đồng.
Bên cạnh đó, người bệnh đái tháo đường cần giữ lịch các bữa ăn đúng giờ, chỉ ăn thịt tối đa (trong khuôn khổ cho phép) trong hai bữa, các bữa còn lại ăn rau và các sản phẩm ngũ cốc, loại bỏ thức ăn chứa nhiều mỡ và rất có lợi nếu trong bữa ăn có nhiều thức ăn ít năng lượng như rau, nấm khô, dưa chuột...
Đồng thời không được bỏ bữa, ngay cả khi không muốn ăn và nên ăn chậm, nhai kỹ. Khi đã đạt mức yêu cầu nên duy trì một cách kiên nhẫn, không bao giờ được tăng lên. Cần phải tôn trọng nguyên tắc chế độ ăn là thức ăn đa dạng, nhiều thành phần; ăn đủ để có trọng lượng cơ thể vừa phải.