Đây cũng là hoạt động hưởng ứng ngày Đái tháo đường (ĐTĐ) thế giới. Chủ đề của năm nay là “Gia đình cùng hành động sớm phòng, chống bệnh đái tháo đường”. Tại buổi sinh hoạt, bệnh nhận ĐTĐ được xét nghiệm đường máu miễn phí, đo huyết áp, đo ABI miễn phí (ở bệnh nhân ĐTĐ) để tầm soát bệnh động mạch hai chi dưới, tư vấn những kiến thức về bệnh ĐTĐ.
Ngoài ra bệnh nhân ĐTĐ còn được nghe các bác sĩ phổ biến những kiến thức phổ thông về bệnh lý đái tháo đường, cách tự chăm sóc, điều trị tại nhà và phát hiện những biến chứng của bệnh, tầm quan trọng trong việc hợp tác và tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ từ đó góp phần quản lý và điều trị tốt bệnh nhân ngoại trú, nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân đái tháo đường.
Qua buổi sinh hoạt cũng đã nâng cao nhận thức cho bệnh nhân và gia đình trong phòng ngừa, quản lý, điều trị tốt nhằm hạn chế các biến chứng, nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm thiểu những gánh nặng cho gia đình, xã hội do bệnh lý này gây ra.
Theo thông báo mới nhất của Liên đoàn đái tháo đường thế giới (IDF), năm 2017 toàn thế giới có 424,9 triệu người bị bệnh đái tháo đường (ở độ tuổi từ 20-27), có nghĩa là cứ 11 người, có 1 người bị bệnh đái tháo đường, tới năm 2045 con số này sẽ là 629 triệu, tăng 48%, như vậy, cứ 10 người có 1 người bị bệnh đái tháo đường (1/10).
Ở nước ta, nếu như năm 1990 của thế kỷ trước, tỷ lệ bệnh đái tháo đường chỉ từ 1,1 đến 2,25% thì nghiên cứu năm 2012 của Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho thấy: tỷ lệ mắc đái tháo đường trên toàn quốc ở người trưởng thành là 5.42%, tỷ lệ đái tháo đường chưa được chẩn đoán trong cộng đồng là 63,6%.
Do trình độ hiểu biết còn hạn chế, người bệnh mắc đái tháo đường ở nước ta thường được phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn và thường đến bệnh viện với những biến chứng nặng nề kéo theo gánh nặng kinh tế gây ra do bệnh đái tháo đường cũng rất lớn.
Đặc biệt, bệnh ngày càng trẻ hóa với nhiều ca mắc đã được ghi nhận ở trẻ nhỏ 9 - 13 tuổi; thanh niên 20 - dưới 30 tuổi.