Người dân cần chủ động tầm soát bệnh đái tháo đường. |
PGS.TS Trần Ngọc Lương, Giám đốc bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, cũng như các nước đang phát triển khác, do trình độ hiểu biết còn hạn chế, người bệnh mắc đái tháo đường ở nước ta thường được phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn và thường đến bệnh viện với những biến chứng nặng nề kéo theo gánh nặng kinh tế gây ra do bệnh đái tháo đường cũng rất lớn.
Đặc biệt, bệnh đái tháo đường tuýp 2 đang gia tăng ở lứa tuổi rất trẻ, từ 9 - 13 tuổi; thanh niên 20 - 30 tuổi, trong khi hơn 10 năm trước bệnh hầu hết chỉ ghi nhận ở những bệnh nhân sau tuổi 40 tuổi.
Bệnh đái tháo đườnghay còn gọi là bệnh tiểu đường, là loại bệnh rối loạn chuyển hóa khi lượng đường trong máu cao hơn mức bình thường, do các tế bào không thể hấp thụ đường, thiếu hụt hoặc đề kháng với Insulin.
Tùy thuộc vào yếu tố dẫn đến tăng đường huyết, tiểu đường chia thành tiểu đường tuýp 1 và tiểu đường tuýp 2.
Khi mắc bệnh đái tháo đường, cơ thể bệnh nhân không sản xuất Insulin hoặc sản suất không đủ lượng insulin, lượng đường trong máu cao. Nếu chỉ số đường huyết trên 200 mg/dl sau bữa ăn, tức là bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường. Nếu chỉ số đường huyết sau 8 giờ nhịn ăn trên 126 mg/dl, cũng kết luận bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường.
Nếu bệnh tiểu đường không được phát hiện kịp thời để điều trị, sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và tuổi thọ của người bệnh. Việc phát hiện sớm và chữa trị kịp thời bệnh đái tháo đường sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh nhồi máu cơ tim, đột quỵ và các biến chứng nguy hiểm khác ảnh hưởng từ bệnh đái tháo đường.
Các chuyên gia khuyến cáo, khi xuất hiện những dấu hiệu sau, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời: đi tiểu thường xuyên, khát nước, mệt mỏi, đói quá mức, giảm cân không rõ nguyên nhân, vết thương lâu lành, mờ mắt, xuất hiện vùng da bị tối màu, tê hoặc ngứa các đầu chi.
Để phòng bệnh, người dân cần chủ động tầm soát bệnh và thực hiện chế độ vận động, sinh hoạt, ăn uống khoa học, hạn chế rượu bia, thuốc lá, thực phẩm chiên xào, chế biến sẵn.
Ngày 14/11 hàng năm là Ngày thế giới phòng chống bệnh Đái tháo đường. Các chuyên gia y tế hy vọng, thông qua các hoạt động trong Ngày thế giới phòng chống bệnh đái tháo đường, người dân sẽ có thêm thông tin, hiểu biết và nhận thức rõ tầm quan trọng của việc phòng ngừa, phát hiện và điều trị kịp thời căn bệnh này.