Bệnh bạch hầu đang quay trở lại

GD&TĐ - Bạch hầu, ho gà và uốn ván từng là nỗi khiếp sợ với người dân, đặc biệt là trẻ nhỏ. Tuy nhiên, từ khi triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, những căn bệnh trên dần được khống chế. 

Bệnh bạch hầu đang quay trở lại

Nhưng tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp, bệnh dịch vẫn hiện diện. Đây là lý do giải thích tại sao nhiều bệnh cũ tái xuất, thậm chí xuất hiện nhiều lần tại một số địa phương.

Tấn công sức khỏe học sinh

Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, gồm 3 thể là bạch hầu thông thường, bạch hầu họng - thanh quản và bạch hầu ác tính. Đây là bệnh thường gặp ở trẻ em do sức đề kháng yếu.

Tuy nhiên, bệnh cũng có thể lây sang người lớn nếu chưa có miễn dịch. Là bệnh lây qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp nên trường học, nơi tập trung đông người rất dễ trở thành ổ dịch.

Bệnh đặc biệt lây lan nhanh ở vùng không đảm bảo điều kiện vệ sinh. Do vậy, trong những năm gần đây, bệnh vẫn xuất hiện rải rác ở vùng sâu, vùng xa, nơi có điều kiện khó khăn. Năm 2015, tỉnh Gia Lai và Quảng Nam đã ghi nhận một số trường hợp mắc bệnh.

Năm 2016, căn bệnh này xuất hiện trở lại ở 2 xã thuộc huyện Đồng Phú (Bình Phước) với 48 ca mắc, 3 người tử vong khiến địa phương này phải công bố dịch trên phạm vi huyện.

Năm 2017, bạch hầu được ghi nhận ở Quảng Nam là 3 học sinh Trường THPT Tây Giang nhiễm, 2 em tử vong sau đó. Đến tháng 5, lại có 2 ổ dịch ở Tây Giang, 3 trường hợp là học sinh nghi nhiễm, trong đó 1 em bệnh nặng không qua khỏi.

Mới đây, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cũng đã công bố về một số trường hợp mắc tại huyện Nam Trà My. Như mọi lần, đối tượng mắc chủ yếu là học sinh.

Tại Trường Tiểu học Trà Vân, cơ quan chức năng đã ghi nhận 7 trẻ mắc với biểu hiện sưng hạch cổ, có giả mạc hầu họng. Kết quả xét nghiệm mẫu dịch họng của Viện Pasteur Nha Trang cho thấy, các ca nghi ngờ đều dương tính với vi khuẩn bạch hầu.

Những trẻ trên đều được điều trị tại cơ sở y tế. Tuy nhiên, một trẻ bị biến chứng vào tim gây tử vong. 6 trẻ còn lại đáp ứng thuốc tốt nên sức khỏe dần hồi phục.

Cần một giải pháp tổng thể

Cho đến thời điểm này, công tác phòng chống dịch đã được triển khai trên diện rộng. Báo cáo của Sở Y tế Quảng Nam cho thấy, các ca sốt, viêm đường hô hấp trên đều được đưa vào diện nghi ngờ, được điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế.

Bên cạnh đó, Sở cũng cử đoàn phòng chống dịch về địa phương để giám sát, thực hiện công tác phòng dịch. Các trường mẫu giáo, tiểu học gia đình bệnh nhân đều được phun thuốc khử trùng liên tục trong 10 ngày.

Đồ dùng dạy học, bàn nghế trong trường học và đồ dùng trong nhà người dân đều được vệ sinh bằng dung dịch sát khuẩn.

Hiện địa phương đã lên kế hoạch xin hỗ trợ vắc xin bạch hầu để tiêm cho tất cả đối tượng từ 5 - 40 tuổi thuộc 2 huyện Bắc Trà My và Nam Trà My. Riêng với trẻ từ 1 - 4 tuổi sẽ được tiêm vắc xin ngừa 3 bệnh bạch hầu, ho gà và uốn ván.

Có lẽ nhờ phát hiện kịp thời nên không ghi thêm số ca mắc. Nhưng qua sự việc trên cho thấy, nhiều điều về công tác phòng dịch, ý thức phòng dịch.

Nhìn vào số vụ dịch xảy ra trong một vài năm gần đây sẽ thấy phần lớn xảy ra ở vùng khó khăn, miền núi. Đời sống người dân khó khăn là một phần nhưng vấn đề vệ sinh thực sự đáng lo ngại.

Điều này đòi hỏi công tác y tế dự phòng phải chủ động hơn nữa trong việc tuyên truyền phòng tránh bệnh dịch cũng như thực hiện phun thuốc khử khuẩn vệ sinh trường.

Hơn nữa, thành quả của công tác tiêm chủng được chứng minh bằng tỷ lệ mắc bệnh giảm đáng kể. Tại những vùng này, khi bệnh cũ tái phái nhiều lần chứng tỏ miễn dịch cộng đồng kém do tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Lần nào cũng vậy, sau khi phát hiện dịch, địa phương và ngành y tế mới lên kế hoạch tiêm chủng cho người dân.

Việc chạy theo dịch bệnh thay vì chủ động phòng tránh khiến nhiều học sinh mắc bệnh, không ít em trong số đó bỏ lại bao giấc mơ còn dang dở vì biến chứng, vì không đủ sức chống chọi với bệnh tật.

Thêm một học sinh thiệt mạng do căn bệnh hoàn toàn có thể chủ động phòng tránh (bạch hầu) là thêm một lần nhắc nhở người lớn chúng ta, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương quan tâm hơn nữa đến môi trường sống, sức khỏe của bản thân và cho cộng đồng.

Hiện vắc xin ngừa bạch hầu, bạch hầu - ho gà - uốn ván được tiêm miễn phí hoặc dịch vụ cho trẻ từ 2 tháng tuổi. Vấn đề còn lại là vắc xin có đến được với người dân hay không và cha mẹ chủ động phòng tránh cho con em mình như thế nào.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ