10 năm sau vụ bắt cóc nữ sinh chấn động Nigeria

GD&TĐ - Tháng 4/2014, gần 300 nữ sinh ở thị trấn Chibok (Nigeria) bị nhóm chiến binh Hồi giáo Boko Haram bắt cóc làm con tin.

Các nữ sinh Chibok được trả tự do vào năm 2017.
Các nữ sinh Chibok được trả tự do vào năm 2017.

Sau 10 năm, khoảng 100 người vẫn mất tích. Số còn lại sống trong đau khổ dù được thả tự do.

Tương lai mờ mịt

Đã gần một năm kể từ khi Rabiat, 26 tuổi, thoát khỏi khu vực Boko Haram, nơi cô bị giam giữ gần một thập kỷ. Trở lại thành phố Maiduguri, phía Đông Bắc Nigeria, Rabiat tập làm quen với cuộc sống của một người phụ nữ tự do.

Rabiat (tên nhân vật đã được thay đổi) là một trong 276 nữ sinh bị các chiến binh tổ chức khủng bố Boko Haram bắt cóc từ trường học ở thị trấn Chibok vào đêm 14/4/2014. Đây là vụ bắt cóc gây chấn động Nigeria.

Ngay sau sự việc, 57 người đã trốn thoát thành công trong quá trình di chuyển đến căn cứ của Boko Haram trong khu rừng Sambisa rộng lớn. Nơi đây là vùng đất hoang vắng, không có kiểm lâm, cách Maiduguri 60 km về phía Đông Nam.

Từ năm 2016 - 2017, 108 người được quân đội Nigeria giải cứu. Khoảng 90 người đang mất tích. Có 20 người, trong đó có Rabiat, được trả tự do thông qua các cuộc trao đổi tù nhân.

Giống như nhiều người đã thoát khỏi điều kiện sống khắc khổ trong căn cứ của Boko Haram, những cô gái, giờ đây trở thành phụ nữ, phải đối mặt với thử thách khác. Đó là cuộc đấu tranh để bắt đầu lại cuộc sống có quá nhiều thay đổi.

Sau khi bị bắt cóc, Rabiat phải kết hôn với một chiến binh Boko Haram, rồi một chiến binh khác. Cô trở thành mẹ của ba người con. Con trai lớn 7 tuổi và hai con gái lần lượt 5 và 2 tuổi.

Được giải cứu, Rabiat chưa thể lập tức về bên người thân. Cô dành 3 tháng ở trại Bullumkutu, một trong ba trại lớn ở Maiduguri, để học các giá trị xã hội và kỹ năng nghề như may vá.

Khoảng 150 nghìn thành viên Boko Haram đầu hàng quân đội Nigeria cũng tham gia chương trình này. Đây là dự án nằm trong mục tiêu hỗ trợ những người bị Boko Haram bắt cóc hoặc cách ly với thế giới bên ngoài học cách hòa nhập với xã hội và kiếm kế sinh nhai.

Sau đó, Rabiat được chuyển đến khu nhà chung đầy đủ tiện nghi với hơn chục cô gái khác ở Maiduguri. Những cô gái bị bắt cóc vào ngày 14/4 năm đó được gọi chung là cô gái Chibok.

Họ bị giám sát, mọi hành động đều bị theo dõi, có thể do đặc thù vụ án của họ. Ngoài chỗ ở, chính quyền bang Borno trợ cấp cho họ 30 nghìn naira mỗi tháng và hứa sẽ cấp nhà riêng.

Tuy nhiên, Rabiat bộc bạch việc trở lại cuộc sống bình thường là rất khó khăn. “Đôi khi người ta xúc phạm chúng tôi. Họ gọi các con tôi là ‘con của Boko Haram’. Điều đó thật đau đớn. Trái tim tôi không thể chịu nổi”, Rabiat kể.

Bà Fatima Abubakar, người đứng đầu Search For Common Group (SFCG), tổ chức phi lợi nhuận cung cấp hỗ trợ tâm lý xã hội cho phụ nữ và trẻ em từng bị Boko Haram bắt làm con tin, cho biết những phản ứng từ bên ngoài có thể gây tổn hại lâu dài đến sức khỏe tâm thần của các con tin lẫn con cái của họ.

Chuyên gia này cảnh báo trong các trại tập trung dành cho những người phụ nữ bị Boko Haram bắt cóc, cần loại bỏ không khí căng thẳng, tiêu cực, thù địch nhắm vào họ để bản thân họ và con cái có thể tái hòa nhập.

Chủ trương của Boko Haram chống lại nền giáo dục phương Tây.

Chủ trương của Boko Haram chống lại nền giáo dục phương Tây.

Chống lại nền giáo dục

Là chữ viết tắt của “Tổ chức Nhà nước Hồi giáo Tây Phi”, Boko Haram ra đời vào năm 2002. Chủ trương của Boko Haram là chống lại nền giáo dục phương Tây nên mục tiêu tấn công của họ phần lớn là các trường học.

Vụ khủng bố đầu tiên của Boro Haram xảy ra vào ngày 6/7/2013. Các tay súng đã tấn công Trường Trung học Chính phủ ở Mamudo, bang Yobe, và giết chết 42 người. Hầu hết những người thiệt mạng là học sinh và nhân viên nhà trường. Sau đó, nhóm chiến binh này thực hiện hàng loạt cuộc tấn công vào các trường học trong khu vực, buộc nhiều trường phải đóng cửa.

Đến đêm 14/4/2014, các tay súng trong nhóm chiến binh Hồi giáo Boko Haram đã xông vào ký túc xá dành cho sữ sinh ở thị trấn Chibok. 276 nữ sinh, hầu hết ở độ tuổi từ 16 - 18, bị dồn vào rừng bằng súng để chờ xe tải sau khi nhóm này phóng hỏa trường học.

Nhiều dân thường chứng kiến sự việc mà không thể làm gì hơn vì những chiến binh được trang bị súng. Họ đã gọi điện báo cảnh sát nhưng căn cứ quân sự gần nhất nằm cách Chibok 125 km nên các sĩ quan không thể đến kịp lúc.

Yama, nữ sinh bị bắt cóc và đã được thả tự do, kể lại: “Các chiến binh xông vào trường học, giả làm sĩ quan quân đội. Họ đốt các dãy phòng học và những ngôi nhà lân cận rồi trói chúng tôi lên xe tải. Tôi nghĩ họ chỉ muốn dọa chúng tôi để chúng tôi không đi học nữa”.

Thời điểm đó, Yama không hay biết rằng mình sẽ bị giam giữ tại căn cứ của Boko Haram trong 3 năm tiếp theo. Điều kiện sống trong rừng Sambisa rất khắc nghiệt. Thức ăn, nước uống bị hạn chế. Các nữ sinh bị bắt làm những công việc vất vả, nặng nhọc dưới sự giám sát của các tay súng.

Chưa dừng lại ở đó, Yama bị ép kết hôn với một chiến binh Boko Haram. Giống như nhiều bạn nữ khác, cô nhiều lần tìm cách thoái thác. Khi được thả tự do, Yama trở về nhà trong sự chào đón nồng nhiệt của gia đình, họ hàng và xóm làng. Nhưng kể từ đó, cô phải sống trong sự nghi ngờ, kỳ thị của mọi người xung quanh.

Nhiều người đau khổ khi chứng kiến người thân bị bắt cóc.

Nhiều người đau khổ khi chứng kiến người thân bị bắt cóc.

Nạn bắt cóc bùng nổ

Vụ bắt cóc Chibok không phải vụ tấn công đầu tiên của tổ chức khủng bố Boko Haram nhằm vào học sinh Nigeria nhưng là vụ bắt cóc hàng loạt đầu tiên gây phản ứng dữ dội trong nước và quốc tế.

Mọi người đã phát động chiến dịch trên mạng xã hội Twitter #BringBackOurGirls (Đưa các cô gái của chúng tôi trở về). Chiến dịch được nhiều chính trị, người nổi tiếng ủng hộ như Đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama, nữ diễn viên Hollywood Angelina Jolie... Nó đồng thời lan tỏa thông tin về vụ bắt cóc, gây ra làn sóng phẫn nộ trên toàn cầu.

Kể từ đó, nạn bắt cóc học đường nổ ra ở Nigeria. Hơn 1.400 trẻ em bị bắt cóc trong một thập kỷ. Các vụ bắt cóc ban đầu do Boko Haram thực hiện nhưng sau đó được các băng nhóm tội phạm học theo.

Chúng không có mục đích chính trị nào mà chỉ muốn đòi tiền chuộc từ gia đình nạn nhân. Vì vậy, trẻ em thường là mục tiêu bị ngắm đến. Chính quyền địa phương, quân đội không thể ngăn chặn bọn chúng.

Tình trạng trên diễn ra do nhiều nguyên nhân như khủng hoảng kinh tế, cảnh sát không hành động, chính quyền từ chối can thiệp... Một số chính quyền bang ở Bắc Nigeria đã thực hiện các thỏa thuận hòa bình với các băng nhóm cướp để ngăn chặn tình trạng bạo lực nhưng điều này chỉ càng thúc đẩy hành vi tội phạm.

Quan điểm của Chính phủ Nigeria là không trả “một xu” tiền chuộc. Việc trả tiền chuộc để giải thoát con tin được coi là tội ác ở Nigeria kể từ năm 2022. Người vi phạm có thể nhận mức án lên đến 15 năm tù.

Tuy nhiên, các gia đình không thể làm lơ an nguy của con cái. Họ dồn tiền tiết kiệm, bán đi những tài sản quý giá nhất như đất đai, gia súc, ngũ cốc... để đổi lấy tự do cho con cái.

Chị Esther Joseph “gần như phát điên” vì đau khổ khi con gái 13 tuổi, Precious Sim, và bạn bè bị bắt cóc tại một trường trung học phía Bắc Nigeria vào ngày 5/7/2021.

Những ngày tiếp theo, bà mẹ cố gắng lần theo dấu vết của những kẻ bắt cóc ở khu rừng xung quanh nhưng quân đội Nigeria đã thuyết phục Esther về nhà đợi tin để đảm bảo an toàn. Chị bán số tài sản ít ỏi của mình gồm chậu, quạt, TV, vay mượn từ họ hàng, hàng xóm được 2 triệu naira để chuộc con gái.

Trở về nhà nhưng con gái của Esther chưa hoàn toàn bình phục sau sự việc. “Đôi khi cháu giật mình khi bật đèn lên. Cháu gặp ác mộng khi ngủ và phải chạy đến ôm tôi. Những âm thanh nặng nề cũng làm cháu sợ hãi”, chị Esther miêu tả.

Dù vậy, Precious vẫn nỗ lực trở lại trường học và hiện là sinh viên năm nhất ngành Quan hệ quốc tế tại một trường đại học địa phương. Tuy nhiên, nhiều nạn nhân không có được dũng cảm này. Họ đã bỏ học sau khi được thả vì lo sợ có thể bị bắt cóc lần nữa.

Bà Michelle Obama ủng hộ phong trào #BringBackOurGirls.

Bà Michelle Obama ủng hộ phong trào #BringBackOurGirls.

Ngành công nghiệp bắt cóc

Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), ít nhất 10,5 triệu trẻ em ở Nigeria không được đến trường và là con số cao nhất thế giới. Ông Isa Sanusi, Giám đốc Tổ chức Ân xá Quốc tế ở Nigeria, nhận định bắt cóc là “nguyên nhân chính khiến trẻ em bỏ học ở miền Bắc Nigeria”. Riêng về trẻ em gái, nhiều gia đình quyết định cho con nghỉ học, tảo hôn hoặc đi làm thêm để không bị bắt cóc.

“Không phụ huynh nào muốn trải qua nỗi đau khi con cái bị bắt cóc bởi những tay súng độc ác. Các trường học liên tục đóng cửa do lo ngại về an ninh nên trẻ em không được học hành”, ông Isa nói.

Giáo dục có ý nghĩa quan trọng đối với sự tăng trưởng và phát triển của đất nước. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng bắt cóc diễn ra ở Nigeria đang đặt ra những thách thức nghiêm trọng cho giáo dục và sẽ gây tác động lớn hơn đối với đất nước trong tương lai gần.

Ngoài trẻ em, khách du lịch, doanh nhân hay những người khá giả cũng thường xuyên là mục tiêu của nhóm bắt cóc. Hành vi phạm tội này đã trở thành một ngành công nghiệp.

Các vụ bắt cóc không chỉ giới hạn ở phía Bắc, nơi tập trung các nhóm cướp bóc, nhóm tôn giáo có vũ trang, mà mở rộng ra phía Nam và Đông Nam. Ngay cả Abuja, thủ đô của Nigeria, cũng ghi nhận nhiều vụ bắt cóc nhắm vào học sinh, người lao động.

Trẻ em Nigeria nghỉ học vì nạn bắt cóc.

Trẻ em Nigeria nghỉ học vì nạn bắt cóc.

Lý giải nguyên nhân tại sao Nigeria không thể ngăn chặn nạn bắt cóc, các chuyên gia cho rằng, vấn đề phức tạp, nhiều tầng lớp khiến cuộc khủng hoảng mất an ninh ngày càng trầm trọng.

Chúng bao gồm các yếu tố kinh tế, xã hội, tham nhũng, thiếu gắn kết trong cơ cấu an ninh... Đơn cử, cảnh sát chưa được huấn luyện để phản ứng nhanh trước các cuộc tấn công hay sự hợp tác kém hiệu quả giữa cảnh sát và quân đội.

Trong thập kỷ qua, tình hình kinh tế Nigeria gần như sa sút với lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp cao trong thanh, thiếu niên, đồng tiền trượt giá... Cuộc sống của người dân không mấy được cải thiện. Khoảng 63% người dân sống trong tình trạng nghèo đa chiều. Những điều này được cho là đẩy nhiều người vào con đường phạm tội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân cao huyết áp nên ăn ít muối. (Ảnh: ITN)

Những cách tự nhiên giúp hạ huyết áp

GD&TĐ - Khi già đi, chúng ta cần đặc biệt chú ý đến huyết áp. Theo giới chuyên gia, chế độ ăn uống chắc chắn có hiệu quả trong việc kiểm soát huyết áp.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.