Bền bỉ tình yêu nghề dạy học

GD&TĐ - Chỉ có tình yêu mãnh liệt, bền bỉ mới giúp họ trụ vững, tận tâm tận lực với nghề. Hạnh phúc mà nghề dạy học mang lại với những thầy cô giáo ấy, vì vậy, chỉ đơn giản là ánh mắt hiểu bài của học sinh, là tấm thiệp HS cũ báo tin mừng đã nên duyên đôi lứa… 

Bền bỉ tình yêu nghề dạy học

Họ cũng mang nỗi niềm của người mẹ cứ âm thầm dõi theo từng biến chuyển trong cuộc đời của học trò, để làm chỗ dựa, là người tiếp sức cho các em.

Cho những vầng trăng khuyết được tròn

22 năm giảng dạy ở Trường Chuyên biệt Tương lai (TP Đà Nẵng) cô Trương Thị Ngọc Hà, GV vừa được vinh danh trong Giải thưởng Võ Trường Toản lần đầu tiên tổ chức tại Đà Nẵng cho rằng, mình không có bí quyết gì ngoài tình yêu thương: Phải có thật nhiều yêu thương, sự kiên trì, nhẫn nại, để mỗi GV ngày qua ngày lặp đi lặp lại những hướng dẫn, thao tác… giúp HS khuyết tật có được những kỹ năng cần thiết để có thể tự chăm sóc, bảo vệ bản thân, cách ứng xử trước một số tình huống… Thậm chí, có những trường hợp, GV gần như là chỗ dựa tinh thần rất lớn cho HS.

Đảm nhiệm giảng dạy lớp C6 và C7, tương đương với trình độ lớp 5, HS đã hình thành được những kỹ năng cơ bản, thế nhưng, cô giáo không vì thế mà nhàn hơn. “Các em ra lớp muộn nên ở độ tuổi này, cần phải được trang bị các kiến thức về giáo dục giới tính, rồi những “ẩm ương” của độ tuổi mới lớn. Dù nhận thức của các em phần nào bị hạn chế nhưng sinh lý thì vẫn phát triển bình thường. Vì vậy mình phải tập cho HS thói quen giữ khoảng cách giữa bạn khác giới và cách xử lý những tình huống gặp phải khi HS không có người thân đi cùng để các em có thể tự bảo vệ mình”.

Chương trình C6, C7 là một giải pháp của nhà trường để có thêm khoảng thời gian giúp HS định hình các kỹ năng xã hội và hướng nghiệp. Vì thế, cô Trương Thị Ngọc Hà phải tự biên soạn chương trình giảng dạy, chịu trách nhiệm phản biện trước hội đồng chuyên môn, tự soạn và điều chỉnh giáo án. Lại thêm trường thiếu GV nên cùng một lúc, cô phải “gánh” HS của hai lớp dồn lại một.

Niềm vui với cô giáo Trương Thị Ngọc Hà, chỉ đơn giản là khi HS thực hiện được một phép tính nhân đơn giản mà cô giáo không phải hướng dẫn nhiều, là một tiếng chào, là cái ôm ấm áp của học trò. Nhận được thiếp mời đám cưới của học trò cũ, cô Hà vui mừng đến rớt nước mắt. Những âu lo của người mẹ khiến cô còn theo suốt các em trên những chặng đường đời…

Cảm hóa HS chưa ngoan, chưa chăm

Cũng được tôn vinh trong Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2016, cô giáo Nguyễn Thị Kim Minh (GV Trường THCS Trần Quý Cáp, Q. Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) đã truyền ngọn lửa nhiệt tình, tình yêu với môn Sử lan tỏa sang nhiều thế hệ học trò. Nhiều trăn trở, đổi mới phương pháp giảng dạy, soạn giảng… cô giáo Minh đã khiến cho HS không chỉ yêu thích học bộ môn, mà còn khiến cho nhiều HS của cô đã chọn cách gắn bó với môn học này, trở thành nghề, thành nghiệp.

Hơn hai mươi lăm năm giảng dạy, quá nửa thời gian trong số đó, cô giáo Nguyễn Thị Kim Minh tình nguyện công tác ở những vùng khó khăn. Cô từng phải vật lộn với những cơn sốt rét rừng ở vùng đất đầu nguồn con sông Đồng Nai đến rụng cả tóc. Thêm gần chục năm dạy học ở xã vùng sâu thuộc huyện Con Cuông của tỉnh Nghệ An, lại điệp khúc “ba cùng” với đồng bào các dân tộc Đan Lai; Thanh, Thái… cho dù ở vị trí công tác nào, ở cô Nguyễn Thị Kim Minh luôn cháy lên ngọn lửa nhiệt tình, yêu nghề…

Có những giải pháp về phương pháp dạy học được cô Nguyễn Thị Kim Minh nghĩ ra trong những tình huống thật tình cờ. “Trong một lần đi tìm một em HS mãi mê chơi game đến mức nghỉ học, ngồi “đồng” ở quán game, thấy HS chơi game online Thành Cổ Loa rất hăng say, cô đứng đằng sau vỗ vai mấy bận mà em cũng không hề biết.

Tôi nghĩ mãi không ra có gì ở game mà học sinh mình say mê đến thế. Thế là nảy sinh ý tưởng nhờ em này bày cho cô giáo chơi game Đế chế III. Chơi xong tôi không những đưa được em trở lại lớp, chú tâm học hành mà còn ấp ủ làm sao để có thể ứng dụng từ phần mềm của game đưa vào bài học, cụ thể là bài Chiến thắng Thành Cổ Loa”.

Cô Minh mất hơn một năm trời vừa tự học sử dụng phần mềm, vừa đi thực tế tại Thành Cổ Loa ở Hà Nội, vừa nhờ các chuyên gia CNTT hướng dẫn cách cắt cúp một số đoạn từ game online… để hoàn thiện đề tài Ứng dụng CNTT để dạy Lịch sử cho bài học Chiến thắng Thành Cổ Loa (Lịch sử lớp 6).

Nhờ vậy, HS rất dễ dàng để hình dung Thành Cổ Loa được xây dựng như thế nào, từ chân thành, tường thành, cấu trúc thành nội, thành trung, thành ngoại, hệ thống hào, cách di chuyển quân… Sự hứng thú, yêu thích của HS đối với giờ học Sử trong nhiều năm học qua, đối với cô Minh, còn giá trị hơn cả giải Nhì ở Hội thi sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc lần thứ XI. Mới đây, cô Nguyễn Thị Kim Minh còn khai thác phim hoạt hình để giảng dạy bài Nghệ thuật chiến tranh nhân dân trên sông Bạch Đằng.

Cô Nguyễn Thị Kim Minh tâm sự rằng, hơn tất cả mọi nghề, với nghề dạy học, phải yêu nghề bằng một tình yêu bền bỉ, vun đắp cho nó hằng ngày, thì sẽ nhận lại được những niềm vui không thể nào đong đếm được từ chính sự quý mến của HS.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.