Belarus dậy sóng

GD&TĐ - Chính trường Belarus những ngày qua trở thành một trong những tâm điểm của thế giới khi Tổng thống Alexander Lukashenko tái đắc cử lần thứ 6, dẫn đến làn sóng biểu tình rầm rộ.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Đỉnh điểm là cuộc tuần hành lịch sử hôm 16/8 tại thủ đô Minsk với hơn 100.000 người tham gia, có quy mô lớn nhất kể từ khi Belarus tuyên bố độc lập. 

Phe đối lập cho rằng kết quả bầu cử hôm 9/8 có nhiều gian lận và đòi tiến hành bỏ phiếu lại, trong khi Tổng thống Lukashenko khẳng định việc ông chiến thắng với hơn 80% phiếu bầu là hợp pháp và không có gì phải bàn cãi. Ông tuyên bố trước những người ủng hộ sẽ không bao giờ chấp nhận từ bỏ đất nước ngay cả khi chết. Nhà lãnh đạo suốt 26 năm qua của Belarus cũng khẳng định sẽ tiếp tục cầm quyến bất chấp mọi sức ép.

Giữa tâm điểm biểu tình tại Belarus, Tổng thống Nga Vladimir Putin ra tuyên bố ủng hộ nhà lãnh đạo đồng minh Lukashenko và sẵn sàng kích hoạt hiệp ước quốc phòng song phương nhằm hỗ trợ nước láng giềng đối phó với tình hình bất ổn do làn sóng biểu tình gây ra. Moscow cũng nhận định chính trường Belarus dậy sóng những ngày này là do tác động từ bên ngoài. 

Trong khi đó, chính phủ một số nước châu Âu như Lithuania, Latvia, Ba Lan và Ukraine đã công khai lên án kết quả bỏ phiếu tại Belarus. Ngoại trưởng các nước EU cũng thông qua danh sách trừng phạt nhằm vào các quan chức chính phủ Belarus, những người bị cáo buộc chịu trách nhiệm trong việc đàn áp người biểu tình phản đối kết quả bầu cử. 

Ngoài sức ép chính trị, giới chức Belarus còn cho rằng NATO đang điều xe tăng và máy bay tới sát khu vực biên giới nước này. Tuy nhiên, khối quân sự Bắc Đại Tây Dương bác bỏ cáo buộc và nhấn mạnh đây chỉ là động thái quân sự bình thường. Belarus đã cho điều ít nhất một lữ đoàn lính dù tới khu vực biên giới để đề phòng căng thẳng leo thang do biểu tình. Nước này cũng thông báo sẽ tổ chức cuộc tập trận quy mô lớn tại khu vực biên giới. 

Đây không phải lần đầu tiên Belarus dậy sóng vì các cuộc biểu tình của người dân. Từ trước khi cuộc bỏ phiếu gây tranh cãi diễn ra, nhiều người đã xuống đường tại Belarus để phản đối cách xử lý của chính quyền với đại dịch Covid-19. Nhà lãnh đạo nước này từng kêu gọi người dân không cần phải sợ Covid-19, thậm chí còn tuyên bố rượu có thể “giúp phòng ngừa virus”. Nhưng chính Tổng thống Lukashenko hồi cuối tháng 7 vừa qua đã xét nghiệm dương tính với nCoV.

Với chiến thắng mới nhất, ông Lukashenko chính thức bước vào nhiệm kỳ thứ 6 (2020 - 2025) theo đúng cách của 5 nhiệm kỳ trước đó là đều đánh bại các đối thủ bằng số phiếu áp đảo. Tuy nhiên, lần này nhà lãnh đạo Belarus đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ khi lên cầm quyền năm 1994 với nhiều nguy cơ tiềm tàng hơn. 

Lần đầu tiên Tổng thống Lukashenko phải chứng kiến những dấu hiệu bất lợi chưa từng thấy khi đánh mất sự ủng hộ truyền thống từ tầng lớp công nhân. Phe đối lập đang kêu gọi tổ chức đình công trên diện rộng bắt đầu từ ngày 17/8, sau khi nhiều nhà máy đã ngừng làm việc từ vài ngày trước. Làn sóng đình công của công nhân chắc chắn gây ra tác động mạnh hơn các cuộc xuống đường tuần hành, nên chính trường Belarus sẽ chưa thể sớm lặng sóng trong bối cảnh hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.