Ngày 10/11, Bệnh viện (BV) Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết, khối ngoại thần kinh đã triển khai thành công chụp động mạch não số hóa xóa nền (DSA), thủ thuật chẩn đoán cho phép thuyên giảm hơn 60% liều lượng bức xạ gậy hại cho trẻ nhỏ trong quá trình diễn ra thủ thuật cho một bệnh nhi bị đột quỵ khi mới 5 tuổi.
Theo bác sĩ Nguyễn Duy Khải - Phó Khoa Ngoại Thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM), bệnh nhi nhập viện vì cơn co giật đột ngột, gồng tay chân, không sốt. Được biết cậu bé này quê ở Long An.
Tiến hành thăm khám, các bác sĩ phát hiện cậu bé có tổn thương dấu thần kinh định vị, méo miệng, yếu liệt… Chụp MRI ghi nhận có nhồi máu não vùng đính trái. Sau khi chụp động mạch não thành công, các bác sĩ mới có được những nhận xét và kết luận rõ ràng hơn để xây dựng được liệu trình điều trị phù hợp.
Hiện tại cậu bé đang dần hồi phục lại sức khỏe, có thể ăn uống, giao tiếp bình thường. Cậu bé cũng đang được phối hợp vật lý trị liệu vận động phục hồi chức năng vận động ngôn ngữ do tai biến trước đó, đồng thời tiếp tục theo dõi sát tổn thương não.
Các nghiên cứu cho biết, đột quỵ xảy ra khi lượng máu cung cấp cho một phần của não bộ đột nhiên bị chặn lại hoặc khi có một mạch máu trong não bộ bị vỡ khiến máu tràn vào những khoảng không xung quanh các tế bào não. Cũng giống như một người bị mất luồng máu cấp tới tim gây nên hiện tượng trụy tim (heart attack), người bị mất luồng máu lên não hoặc chảy máu bất ngờ trong não có thể được gọi là “não quỵ” (brain attack).
Đây là một trường hợp vô cùng hiếm gặp vì tỉ lệ số người bị đột quỵ ở trẻ nhỏ chỉ chiếm 2,5/100 000 người, thường do các bệnh lý tim bẩm sinh, bất thường mạch máu não. Khoảng 1/3 số trẻ em bị đột quỵ không tìm thấy nguyên nhân.
Tỷ lệ tử vong ở trẻ bị đột quỵ là 10%, di chứng thần kinh vĩnh viễn 30 - 40%. Lứa tuổi thường gặp đột quỵ là 5 - 10. Đối với nhóm trẻ trên 4 tuổi, triệu chứng đột quỵ giống như người lớn: khởi đầu bệnh nhi sẽ nhức đầu đột ngột, dữ dội, nôn ói, kèm thiếu sót thần kinh (yếu liệt nửa người, nói đớ, mỗi mắt chỉ nhìn thấy một nửa…). Trường hợp nặng, trẻ có thể bị rối loạn tri giác, thậm chí hôn mê sâu, giãn đồng tử, thoát vị não (não bị chảy sang vị trí khác).
Việc phòng ngừa đột quỵ ở trẻ em là rất khó nên khi trẻ có những dấu hiệu đáng nghi ngờ, các vị phụ huynh nên ngay lập tức đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám, điều trị kịp thời để không ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt sau này của trẻ.