Rèn luyện những kỹ năng sống cho trẻ đơn giản chỉ là trao cho bé cơ hội được sống trong môi trường đó và yêu thích thực sự. Từ hứng thú, trẻ có thể làm được những điều mà người lớn cũng bị bất ngờ. Đó là điều mà chị Quỳnh (27 tuổi, hiện đang sống ở Hà Nội) rút ra sau khi chứng kiến con trai mình dần thành thạo hơn những kỹ năng trong bếp.
Mới 4 tuổi, bé Gấu đã có thể rửa bát, rán trứng, nhặt rau, phụ bếp mẹ một cách rất chuyên nghiệp. Nhìn con ngày hôm nay, chị mới thấy sự gợi mở của mình thực sự có giá trị.
Sau khi chị Quỳnh đăng clip con trai tự rán trứng, nhanh nhẹn và vô cùng bản lĩnh vào một hội nhóm, không ít các mẹ đã vào xin... đặt gạch con rể. Vậy phía sau “ông con rể quốc dân” này là một bà mẹ chồng như thế nào, để có thể nuôi dạy con được như thế?
Hãy cùng nghe những chia sẻ của chị Quỳnh để hiểu rõ hơn:
- Chào chị! Bé Gấu hiện đã làm được những việc gì trong bếp rồi?
Con trai mình hiện được 4 tuổi, có thể rán trứng thành thạo vì đó là món tủ của bé và con rất thích ăn trứng. Ngoài ra, những món khác, con thấy người lớn làm thì cũng tò mò muốn làm theo và mình cũng đang hướng dẫn con dần.
Ngoài ra, con có thể làm bánh, rán bánh, rửa rau, rửa bát, đứng phụ mẹ trong bếp, mẹ nhờ gì đều rất vui vẻ sẵn lòng làm.
- Chị bắt đầu cho con vào bếp từ lúc nào? Trẻ con vốn rất hiếu động, cả thèm chóng chán, vậy chị dùng cách nào để gợi mở và dạy con?
Từ năm 3 tuổi rưỡi là con bắt đầu thích vào bếp, đầu tiên chủ yếu chỉ thích nghịch nước. Mình hướng dẫn cho con rửa rau giúp mẹ, tiến đến là nhặt rau, làm sạch rau. Mình nói chuyện với con nhiều về các loại rau, về câu chuyện xoay quanh cuộc sống.
Có cảm giác như con rất thích tỉ mẩn, lại có năng khiếu tập trung, nên không biểu hiện bị chán, hay muốn từ bỏ gian bếp. Ngược lại mỗi ngày, con lại hào hứng vào bếp cùng mẹ hơn.
Cậu bé hiện đã có thể rửa bát một cách rất thành thạo.
Dần dần khi con bắt đầu quan sát mẹ nấu nhiều, hiểu được các nguyên tắc như ấn nút khởi động bếp, tăng giảm công suất, đổ dầu vào chảo, đảo lên cho chín thức ăn... thì mình tiến đến việc để con tự làm.
Con rất thích và thành quả sau mỗi khi nấu được con “chén” sạch sẽ. Dường như ai cũng có nhu cầu tự khẳng định bản thân và mình cho con điều này.
- Nhưng trẻ vào bếp sẽ rất vướng víu, mẹ sẽ không thể làm gọn được mọi việc. Có lúc nào chị cảm thấy khó chịu, muốn đuổi con ra ngoài để mẹ làm cho nhanh không?
Đúng là có trẻ trong bếp thì không phải nhàn hơn mà còn bừa bộn, vất vả gấp chục lần. Con có thể không khéo léo, hay mắc lỗi đổ vỡ, tung tóe, bừa bộn... Nhưng mình luôn bình tâm suy nghĩ để hiểu và thông cảm cho con.
Ngay cả lúc mình còn bé, mình cũng đâu khéo được. Ai bắt đầu mà chẳng phạm sai lầm. Phải qua nhiều lần sai thì mới học cách sửa và điều khiển đôi tay của mình một cách nhuần nhuyễn hơn.
Chị Quỳnh trao cho con cơ hội được giúp mẹ, được trải nghiệm, được học hỏi và được khẳng định bản thân mình.
Ngoài đời, bé Gấu cũng rất độc lập và dạn dĩ.
Mình nghĩ nếu người mẹ xác định điều gì là quan trọng nhất khi đưa con vào bếp, thì có thể quản lý tốt cảm xúc của mình.
Ví dụ bạn xác định cho con vào bếp, con được học kỹ năng, có thời gian trải nghiệm vui vẻ, còn kết quả như thế nào: Bữa tối muộn hơn, trình bày không được đẹp mắt, các món ăn xộc xệch có khi mặn, nhạt, cháy... đi nữa thì cũng không quan trọng. Mình ưu tiên trải nghiệm của con, thì mình sẽ không thấy bực khi kết quả không như ý.
Thêm một điều nữa là trẻ con vốn rất nhạy cảm. Con có thể hiểu được thái độ của mẹ, chỉ cần mẹ thấy con có ý không cần con, con sẽ tự ti vô cùng. Con sẽ không dám thể hiện mình, không dám thử nghiệm, lâu dần trở thành người rụt rè, thu mình lại. Vậy nên, hãy trao cho con cơ hội một cách vô tư, thoải mái, đừng khiến con cảm thấy năng lượng tiêu cực từ mẹ.
- Khi cho con vào bếp như vậy, chị có thấy đang “bóc lột sức lao động” của con, có sợ con gặp nguy hiểm? Trong gia đình, mọi người có ủng hộ quan điểm cho con vào bếp từ nhỏ như vậy không?
Mình thực sự bật cười nếu bạn nghĩ đó là “bóc lột sức lao động”. Bởi thực ra, con rất thích, rất vui vẻ khi ở trong bếp. Với con, việc nấu ăn hay phụ giúp mẹ không phải là làm, mà là chơi. Còn người lớn thì có thể nhìn rõ được rằng chơi là học, mà học cũng là chơi.
Không những thế, buổi ngày con đi học, có rất ít thời gian ở gần bố mẹ, thì khoảng thời gian nấu bếp cùng nhau lại vô cùng quý giá. Bởi giữa các thành viên trong gia đình có sự kết nối với nhau, nói chuyện, trao đổi, thể hiện tình yêu thương.
Hai mẹ con chị Quỳnh và bé Gấu.
Mẹ muốn trao cho con nền tảng để con có thể bay xa trên đôi cách của mình.
Mọi người trong nhà, bao gồm chồng mình và ông bà của bé thì cũng rất ủng hộ điều này. Không có ai phản đối hay nói gì cả. Ngược lại ông bà còn khen bé để bé có thể làm và giúp đỡ được mẹ nhiều hơn.
Ông bà cũng biết rõ, khi con ở cùng mẹ trong bếp là rất an toàn vì mình luôn giám sát con thật cẩn thận. Mọi việc, mình đều để con quan sát chán chê qua nhiều ngày rồi mới để con tự làm, và khi làm đều trong tầm mắt của mẹ.
Mình cũng tránh để con lại quá gần bếp khi nấu. Nhà mình nấu bếp từ, nên cũng hạn chế được phần nào những hiểm nguy như trẻ nghịch lửa...
- Ngoài những kỹ năng trong bếp, chị còn chú trọng dạy con điều gì và muốn Gấu sẽ trở thành một người thế nào?
Hiện tại con còn nhỏ, mình chỉ muốn con khỏe mạnh, lễ phép, tự lập, biết thông cảm và giúp đỡ người khác thôi. Mình quan sát và thấy con rất tò mò, thích khám phá và thử nghiệm những thứ xung quanh. Với mình, đó là điều tốt. Mình không hạn chế con mà luôn khuyến khích, định hướng cho con. Mình muốn tạo cho con một nền tảng thật vững chắc để sau này con có thể lựa chọn đi theo được những đam mê của con.
Mình không yêu cầu hay kỳ vọng gì quá nhiều vào con. Mình cho rằng cứ cùng nhau đi qua những ngày tháng bằng sự trải nghiệm, trái tim ham học hỏi và biết nghĩ cho người khác là tốt rồi.
Như hiện tại, con luôn muốn rửa bát, nấu ăn để giúp đỡ mẹ mà không hề kêu ca. Đi học, con hòa đồng, gallant với các bạn nữ..., thì đó với mình là những “thành tích” của con. Sau này, nhất định con sẽ trở thành người tử tế, có ích cho xã hội.
- Cảm ơn chị! Chúc cuộc sống của chị và bé Gấu luôn có thật nhiều trải nghiệm vui vẻ, hạnh phúc!