Người nhà cho biết bé không may bị hóc hạt nhãn, đã sơ cứu tại nhà trước khi đưa vào viện cấp cứu. Bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương ngày 22/7 trong tình trạng phù phổi cấp, có biểu hiện ngừng tim. Bác sĩ Phạm Ngọc Toàn, khoa Cấp cứu chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, khi mở khoang miệng bé, hạt nhãn vẫn còn nằm ở nắp thanh môn.
“Xử trí cấp cứu ban đầu không đúng cách nên khi đến viện trẻ đã hôn mê sâu, não bị tổn thương không hồi phục do thiếu ôxy”, bác sĩ Toàn chia sẻ. Bác sĩ nói rằng, trường hợp này rất đáng tiếc vì bé sẽ phải sống thực vật suốt đời.
Ngày 24/7, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng tiếp nhận một bệnh nhi khác bị hóc hạt chôm chôm, vào viện đã ngừng tim 10 phút.
Bác sĩ Toàn cho biết, các ca hóc dị vật do hạt ngô, lạc, nhãn... rất phổ biến. Việc xử trí cấp cứu đúng trong vài phút đầu có thể cứu sống bệnh nhân, đặc biệt khi dị vật kẹt ở đường thở. Nếu để muộn hoặc sơ cứu không đúng, não thiếu ôxy thì dù có cứu sống bệnh nhân cũng để lại di chứng suốt đời.
Khi trẻ hóc dị vật, nếu còn tỉnh táo, ho được thì cần khuyến khích bé ho, sau đó đưa đến cơ sở y tế gần nhất. Trường hợp trẻ không ho được hoặc ho không hiệu quả thì cần vỗ lưng, ấn ngực, mở thông đường thở, ép tim cấp cứu nếu bé không thở được. Với bé còn nhỏ, sơ cứu bằng cách đặt bé lên cánh tay ở tư thế đầu chúi xuống, sau đó vỗ lưng 5 lần để ra dị vật. Nếu không được, lật ngược trẻ lại rồi ấn tại vị trí ép ngực. Với trẻ lớn hơn, có thể đặt lên ghế và làm tương tự.
Bác sĩ khuyến cáo, cha mẹ cần quản lý con khi dùng đồ ăn uống, bột, sữa, thạch, các loại quả như nhãn, chôm... Không nên ép con ăn lúc đang khóc hoặc cười vì rất dễ bị sặc. Nếu trẻ nuốt phải dị vật nhọn thì nên đưa đi cấp cứu ngay, tránh móc họng bé sẽ khiến dị vật càng mắc sâu hơn.
Người lớn cần biết thủ thuật Heimlich để cấp cứu khi có dị vật lọt vào đường thở của trẻ. Nguyên tắc là tạo một lực tác động mạnh, đột ngột vào hai buồng phổi bằng cách vỗ từ lưng hoặc ép vào cơ hoành, đẩy dị vật ra ngoài. Cách làm này có hiệu quả rất tốt với những dị vật choán gần hết đường thở và dễ di chuyển như viên bi, kẹo... Heimlich có hiệu quả từ cú vỗ hoặc cú ép hoành đầu tiên, càng về sau hiệu quả càng giảm dần.