Bé trai 13 tuổi bị sỏi ống mật chủ do giun hiếm gặp

GD&TĐ - Ngày 25/5, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn cho biết vừa thực hiện thành công gắp giun đường mật cho một bé trai 13 tuổi.

PGS.TS.BS Lê Quang Quốc Ánh đang tiến hành gắp giun cho bệnh nhân bằng phương pháp ERCP.
PGS.TS.BS Lê Quang Quốc Ánh đang tiến hành gắp giun cho bệnh nhân bằng phương pháp ERCP.

Phương pháp mà các bác sĩ can thiệp là nội soi mật tụy ngược dòng ERCP và gây mê nội khí quản.

Bệnh nhân là bé Đ.T.M.H (sinh năm 2010, ngụ phường Tân Thới Nhất, Quận 12, TPHCM). Bệnh nhân được gia đình đưa đến viện cấp cứu vì 2 ngày gần đây bé cảm thấy đau bụng dữ dội vùng quanh rốn, ói 3-4 lần.

Bé H nhanh chóng được các bác sĩ khoa Cấp cứu tiếp nhận, với chẩn đoán ban đầu là viêm dạ dày - ruột và đại tràng. Sau đó, bệnh nhân đã được chỉ định thực hiện các xét nghiệm lâm sàng tiếp tục kiểm tra để chẩn đoán bệnh.

Sau khi có kết quả xét nghiệm, bệnh nhân được kết luận theo dõi tắc mật ngoài gan do giun chui ống mật chủ. Nhận định đây là một trường hợp tắc mật khá phức tạp ở trẻ em, các bác sĩ khoa Ngoại đã nhanh chóng cùng nhau hội chẩn để tìm ra phương án điều trị phù hợp và tốt nhất cho bệnh nhân.

Qua hội chẩn, bé H được chỉ định can thiệp ngoại khoa dưới sự thực hiện của PGS.TS.BS Lê Quang Quốc Ánh bằng phương pháp nội soi mật tụy ngược dòng ERCP và gây mê nội khí quản.

Xác giun được phát hiện và gắp thành công qua nội soi.

Xác giun được phát hiện và gắp thành công qua nội soi.

PGS.TS.BS Lê Quang Quốc Ánh - Trưởng Đơn vị Nội soi - Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn cho biết, đây là trường hợp khá đặc biệt. Chẩn đoán ban đầu là giun đường mật, sau đó lại phát hiện được xác giun đã thành sỏi trong đường mật.

PGS.TS.BS Lê Quang Quốc Ánh chia sẻ thêm, với tình hình dịch tễ ở TPHCM hiện tại, trường hợp nhiễm giun ở những bệnh nhân dưới 15 tuổi là khá hiếm gặp, đây có thể là do thói quen sinh hoạt hằng ngày, ăn uống không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, dẫn đến tình trạng như trường hợp bé trai 13 tuổi nêu trên.

Thêm nữa, các ca bệnh về sỏi mật ở trẻ em dưới 15 tuổi cũng ít khi có, tuy hiếm gặp nhưng trong những năm gần đây lại có xu hướng gia tăng. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, hay gặp nhất ở trẻ 10-15 tuổi, thường là hậu quả của quá trình nhiễm giun.

PGS.TS.BS Lê Quang Quốc Ánh thăm khám cho bé H sau phẫu thuật.

PGS.TS.BS Lê Quang Quốc Ánh thăm khám cho bé H sau phẫu thuật.

Theo các chuyên gia y tế, tùy theo vị trí của sỏi mật mà những biểu hiện của bệnh sỏi mật ở trẻ em sẽ khác nhau như:

Đau bụng từng cơn, xuất hiện đột ngột, đau nhiều ở vùng hạ sườn phải, lan lên bả vai hoặc ra sau lưng, có khi đau ở vùng thượng vị. Cơn đau có thể kéo dài hàng giờ và thường xuất hiện sau bữa ăn có nhiều chất béo.

Sốt cao hoặc sốt vừa, sốt nhẹ do phản ứng của cơ thể với tình trạng nhiễm khuẩn đường mật.

Vàng da tắc mật, nước tiểu sẫm màu.

Với những biểu hiện trên, phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để được các bác sĩ kịp thời chẩn đoán và điều trị bệnh trong thời gian sớm nhất, tránh những biến chứng bệnh nguy hiểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ