Sự việc xảy ra tại thành phố Từ Hi, An Đông, Trung Quốc hôm 27/1. Em bé 3 tuổi bị nghẹn miếng bánh mì trong lúc ăn sáng. Người mẹ trẻ đã xử lý tình huống bằng cách cho con liên tục uống nước vì nghĩ rằng uống nước có thể làm trôi miếng bánh mì khỏi cổ họng con mình.
Tuy nhiên, sau một lúc, em bé có biểu hiện tím tái, không thể nói được khi mẹ hỏi. Sau đó, cô hốt hoảng gọi chủ nhà cùng đưa con đến bệnh viện.
Đáng tiếc, khi đến bệnh viên, em bé đã ngưng thỏ, mặt tím đen và cơ thể bắt đầu lạnh. Người mẹ trẻ đã vô cùng đau đớn gào khóc không ngừng vì thương con.
Theo bác sĩ Pan, bác sỹ Nhi bệnh viện Từ Hi, việc cho trẻ uống nước khi bị nghẹn bánh mì hay thức ăn khô là một sai lầm tai hại: Trẻ ăn bánh mì khô, uống nước sẽ khiến bánh nở ra, chặn họng và càng khó trôi. Nhiều người nghĩ rằng khi bị nghẹn cứ uống nhiều nước là khỏi. Tuy nhiên thực tế cách làm này chỉ làm tình huống thêm trầm trọng, gây sặc, nếu không cẩn thân nghẹn vào phổi sẽ gây ngạt thở.
Cách xử lý khi trẻ bị hóc, nghẹn
Với trẻ dưới 1 tuổi
Đặt bé trên cánh tay bạn. Dùng gốc bàn tay vỗ nhẹ vào giữa xương bả vai của bé. Làm như vậy khoảng 5 lần và sau mỗi lần nên kiểm tra xem bé đã hết nghẹn chưa. Dùng ngón tay út lấy vật gây nghẹn ra khỏi miệng bé.
Cần bình tĩnh để xử lý đúng cách khi trẻ bị nghẹn, hóc thức ăn (ảnh minh họa)
Nếu vật gây nghẹn vẫn chưa ra, đặt bé nằm ngửa, để 2 ngón tay vào giữa ngực bé và ép ngực bé khoảng 5 lần. Giữa mỗi lần ép, bạn nên kiểm tra xem vật gây nghẹn đã ra chưa.
Nếu bé vẫn còn bị nghẹn, bạn nên gọi ngay cấp cứu và trong thời gian chờ xe cứu thương, lần lượt thực hiện 5 lần vỗ lưng và 4 lần ép nhực như hướng dẫn trên. Trong trường hợp bé bất tỉnh, lập tức hô hấp nhân tạo cho bé.
Với trẻ trên 1 tuổi
Gập người bé về phía trước và dùng gót bàn bay vỗ mạnh vào giữa xương bả vai bé. Kiểm tra xem vật nghẹn đã ra chưa trước khi thực hiện lần nữa. Sau 5 lần thực hiện, nếu bé vẫn chưa hết nghẹn, chuyển qua động tác ép ngực.
Đặt 1 tay vào giữa lưng bé, tay còn lại đặt vào giữa ngực bé. Sử dụng gốc bàn tay trên ngực, thực hiện ép ngực, làm như hô hấp nhân tạo nhưng chậm và mạnh hơn. Chú ý xem bé đã hết nghẹn hay chưa sau mỗi lần thực hiện.
Nếu bé vẫn bị nghẹn, bạn nên gọi ngay cấp cứu và trong thời gian chờ xe cứu thương, lần lượt thực hiện 5 lần vỗ lưng và 4 lần ép ngực. Trong trường hợp bé bất tỉnh, lập tức hô hấp nhân tạo cho bé.