Bé 3 tuổi thoát chết khi rơi từ tầng 13: Đừng chỉ trông chờ vào may mắn

GD&TĐ - Cứ ít lâu, dư luận lại được phen rúng động vì thông tin trẻ rơi từ tầng cao các toà nhà xuống đất. Phần lớn trường hợp, trẻ không thể thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Vậy, tại sao những vụ việc đáng tiếc vẫn xảy ra?

Anh Nguyễn Ngọc Mạnh - người hùng đỡ được cháu bé rơi từ tầng 13, chiều ngày 28/2.
Anh Nguyễn Ngọc Mạnh - người hùng đỡ được cháu bé rơi từ tầng 13, chiều ngày 28/2.

Khoảng 17h chiều 28/2 tại chung cư 60B Nguyễn Huy Tưởng (Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân, Hà Nội, bé gái N.P.H. bất ngờ leo từ trong nhà, trèo ra lan can. Sau đó, bé treo mình lơ lửng ở tầng 12A. Lúc này một số người dân ở tòa nhà gần đó phát hiện nên đã hô hoán.

Khi đó, anh Nguyễn Ngọc Mạnh (SN 1990, trú tại thôn Vĩnh Thanh, xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, Hà Nội;  làm nghề lái xe tải, chuyên nhận chuyển nhà trọn gói) đang ở gần khu vực đó đã phát hiện sự việc nên đã nhanh chóng trèo lên mái che của sảnh và đỡ được bé gái khi bé H. rơi xuống. May mắn, cháu bé chỉ bị thương. Ngay khi sự việc xảy ra, người dân và gia đình đã đưa bé gái đến bệnh viện cấp cứu. 

Xin đừng thờ ơ với an toàn của trẻ

Theo dõi thông tin về vụ việc vừa xảy ra, nhà báo Lữ Mai (Báo Nhân dân) nêu quan điểm: Từ vụ em bé rơi từ tầng 12A chung cư xuống, mà đáng nói đây không phải vụ việc đầu tiên, tôi nghĩ đến hai điều sau: Một là, thiết kế nhà nơi đô thị ở ta đang có nhiều bất cập và chắc chắn cần điều chỉnh. Hai là, các bậc phụ huynh còn nhiều thờ ơ, chủ quan, không kịp thời phát hiện và xử lý những chi tiết có thể gây nguy hiểm cho trẻ trong chính ngôi nhà của mình.

Các cửa sổ, ban công, lan can, dù thiết kế của chủ đầu tư chưa an toàn thì vẫn luôn có giải pháp can thiệp. Vấn đề là chúng ta – các bậc phụ huynh có để tâm hay không.

Cách đây ít lâu, khi xảy ra vụ em bé rơi từ chung cư xuống đất và tử vong, nhiều người tin rằng, chắc chắn người người, nhà nhà sẽ quan sát và xử lý ngay những sơ hở ấy trong ngôi nhà mình. Nhưng không, vẫn chỉ là số ít. Bây giờ, nếu làm một cuộc khảo sát nhanh về mức độ thiếu an toàn ở cửa sổ, ban công, lan can nhà cao tầng nơi đô thị, thậm chí cả ở vùng quê, chắc chắn con số đó không hề nhỏ.

Chúng ta có thể sáng tạo, bày biện nào cây cảnh, hoa lá, đèn chùm... để có không gian lung linh, sống ảo... Vậy tại sao không chú tâm quan sát những chi tiết liên quan tới sự an toàn của con trẻ, của bản thân và gia đình, cộng đồng mình?

Chúng ta đòi hỏi trẻ nhỏ đến trường phải được dạy về kỹ năng sống và rất nhiều thứ abc khác, nhưng người lớn trong chính mỗi mái nhà liệu có điều đó hay không?

Chị Kim Anh (quận Long Biên, Hà Nội) kể rằng, vợ chồng chị có 3 con nhỏ, đã từng chuyển nhà 3 lần và đều ở chung cư cao tầng. Việc đầu tiên khi mua nhà, anh chị đặc biệt lưu tâm khu vực lan can, giếng trời. Để đảm bảo an toàn tối đa cho con anh chị đặt làm lưới bằng sắt to. Tuy nhiên chung cư thương mại, hiện đại hơn không cho phép hàn “chuồng cọp” nên anh chị quyết định làm lưới chắn để đảm bảo mỹ quan mà vẫn bảo vệ được bọn trẻ.

“Hiếu động, tò mò và thích khám phá là những đặc tính của trẻ em. Bởi vậy, nếu không cẩn trọng, những nguy hiểm sẽ đến từ chính các thiết bị trong nhà, những vật dụng quen thuộc xung quanh chúng ta, hay đơn giản nhất là khoảng lan can mà người lớn hay hóng mát. Phương châm của gia đình tôi là ở bất cứ đâu, đầu tư cho sự an toàn của con trẻ luôn được ưu tiên hàng đầu.”, chị Kim Anh cho hay.

“Hành động kịp thời, dũng cảm của nam tài xế để cứu em bé khiến tất cả mọi người xúc động và cảm phục. Nhưng trong khoảng thời gian tính bằng giây ấy, ngoài sự tính toán của con người, dường như còn thêm yếu tố về số phận nữa. Chỉ cần chậm một giây, chệch một ly thì sự thể đã khác rồi. Sự may mắn đó có lẽ chỉ là hi hữu… Mà lẽ ra, một ô cửa sổ, một khoảng ban công được trang bị thanh chắn an toàn, thì không cần phụ thuộc nhiều vào sự may rủi của số phận.”, nhà báo Lữ Mai trăn trở.

Độ cao của lan can ban công không phù hợp sẽ nguy hiểm vô cùng, đặc biệt là đối với trẻ em. (Ảnh minh hoạ)
Độ cao của lan can ban công không phù hợp sẽ nguy hiểm vô cùng, đặc biệt là đối với trẻ em. (Ảnh minh hoạ)

Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”

Chuyên gia kỹ năng sống Nguyễn Xuân Dưỡng (Trung tâm uTEACHER) khuyến nghị các bậc phụ huynh cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo vệ an toàn cho trẻ ngay tại nơi sinh sống. Bởi, sự nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ lúc nào khi có trẻ em trong nhà. Từ ban công, cầu thang, các ổ cắm điện, máy giặt, tủ lạnh, bếp đun,…đều tiềm ẩn sự mất an toàn.

Theo chuyên gia kỹ năng sống Nguyễn Xuân Dưỡng, các lan can cầu thang và ban công nhà có thể gọi là nơi nguy hiểm số 1 vì các trẻ em thường rất tò mò không biết lao ra ngoài lan can thì cảm giác thế nào. Khoảng không gian phía trên ban công rất hấp dẫn bọn trẻ. Có thể trong suy nghĩ của chúng còn muốn thử bay như siêu nhân trong phim. Bởi vậy, cha mẹ cần đặc biệt để mắt và trang bị an toàn cho khu vực này.

“Trẻ con luôn ưa thích khám phá, trong khi chưa thể ý thức được những nguy hiểm rình rập. Vì thế, để bảo đảm an toàn cho con, các bậc cha mẹ cần theo sát, thường xuyên dạy trẻ về những nguy hiểm. Cùng với đó, cha mẹ nên tăng cường các biện pháp bảo vệ, phòng xa các trường hợp không may xảy ra với trẻ.”, chuyên gia Nguyễn Xuân Dưỡng lưu ý.

Theo TS. Vũ Thu Hương – Giám đốc Trung tâm kỹ năng Cá Siêu Quậy, trước hết cha mẹ cần dạy con tránh xa các nguy cơ gây nguy hiểm. Hãy đặt ra các tình huống giả định và nói cho trẻ về hậu quả, ở mức trẻ có thể hình dung được.

Cha mẹ cần lưu ý trang bị điều kiện an toàn tối đa để bảo vệ con nhưng vẫn nhất thiết cần dạy cho con bài học để tranh xa nguy hiểm vì trẻ không phải lúc nào cũng ở nhà và sẽ nhiều lúc không ở trong tầm mắt của cha mẹ.

Với lan can ban công, có thể nắm vai con, vừa đẩy ra ngoài ban công vừa nói thật to về hậu quả giả định để găm vào ý thức của trẻ. Đừng quá xót khi con bị hoảng sợ vì thà rằng vậy còn hơn là để tai nạn xảy ra.

Việc quan trọng cần làm là lắp các thiết bị bảo vệ an toàn trong nhà. Ở các lan can ban công, các gia đình nên lắp rào chắn an toàn. Nên lưu ý sử dụng các loại bằng dây sợi vừa đủ ngăn các con lao mình ra ngoài ban công nhưng khi xảy ra hỏa hoạn, cần cứu người qua lối đó vẫn có thể cắt nó dễ dàng bằng kéo.

“Hạn chế tối đa để con ở một mình. Điều này cần chú ý khi con từ 0 – 4 tuổi. Không để con ngủ 1 mình, khóa cửa đi đâu đó. Con luôn phải được để mắt đến mọi lúc mọi nơi. Từ 4 tuổi trở lên, dạy con cách sống an toàn với mọi vật dụng xong thì phải kiểm tra lại cho đến khi yên tâm là con thực sự an toàn mới rời mắt ra khỏi con độ nửa tiếng mỗi ngày. Tăng dần thời gian lên theo khả năng thành thục các kĩ năng và ý thức của con.”, TS. Vũ Thu Hương nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ