Bắt rắn cạp nia bỏ vào cặp, bé trai 7 tuổi bị cắn nguy kịch

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Bệnh nhi tự bắt được con rắn cạp nia bỏ vào cặp và bị cắn vào ngón út dẫn đến nguy kịch.

Bệnh nhi nguy kịch do bị rắn cạp nia cắn.
Bệnh nhi nguy kịch do bị rắn cạp nia cắn.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn vừa tiếp nhận bệnh nhi 7 tuổi (ở xã Đề Thám, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn) vào viện do bị rắn cạp nia cắn.

Chiều ngày 18/10, trao đổi với PV, lãnh đạo trường Tiểu học Đề Thám cho biết, sau khi bị rắn cắn, em học sinh đó đã được đưa đi cấp cứu.

Hiện em đã được chuyển lên tuyến trên là Bệnh viện nhi Trung Ương để tiếp tục điều trị.

Theo lời vị lãnh đạo trường kể: "Có thể trên đường đi học, học sinh đã bắt được con rắn độc trên rồi bỏ vào cặp và bị cắn. Đến khi vào lớp, chất độc mới phát tác nên em đó bảo với cô giáo tay bị đau. Khi kiểm tra thì phát hiện một vết rắn cắn rất nhỏ trên ngón tay.

Con rắn cạp nia được em bắt được có kích thước bằng ngón tay, không quá to. Cũng may em không mang ra chơi đùa, nếu không hậu quả sẽ nguy hiểm hơn".

Chia sẻ thêm về gia cảnh cũng như sức khoẻ của học sinh bị rắn cắn, đại diện trường Tiểu học Đề Thám cho hay, gia đình em có hoàn cảnh khó khăn. Em sống cùng người mẹ đơn thân và bà ngoại.

Bệnh nhi nguy kịch do bị rắn cạp nia cắn.
Bệnh nhi nguy kịch do bị rắn cạp nia cắn.

Trước khi bị rắn cắn, em học sinh đó có sức khoẻ bình thường. Tuy nhiên về trí tuệ không được nhanh nhẹn như những bạn học cùng lứa. Hôm xảy ra sự việc, giáo viên không hề biết em mang rắn đến lớp.

Chỉ đến khi em kêu đau giáo viên mới kiểm tra thì phát hiện và đưa em đến trung tâm y tế huyện, sau đó chuyển Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn, điều trị giờ thứ 3 sau cắn.

Đây cũng là bài học để nhà trường giáo dục và răn dạy học sinh phải tránh xa những con vật nguy hiểm.

Được biết tình trạng lúc vào viện, bệnh nhi tỉnh, sụp mi mắt, yếu tay chân, có dấu hiệu yếu liệt cơ hô hấp, thở khó khăn, liệt hầu họng.

Các bác sĩ và điều dưỡng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc đã nhanh chóng đánh giá, cấp cứu, đặt ống nội khí quản, thở máy cho bệnh nhi.

Hiện tại, bệnh nhi trong tình trạng thở máy, liệt toàn thân, đồng tử giãn, rối loạn điện giải. Bệnh viện không có huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia để điều trị đặc hiệu cho bệnh nhi, do vậy các bác sĩ thống nhất chuyển bệnh nhi lên tuyến trên điều trị tiếp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ