Trong thời gian tới, ngành tiếp tục có những giải pháp quan trọng để thực hiện chương trình GDPT 2018, phát huy truyền thống, đưa giáo dục và đào tạo của tỉnh phát triển đồng bộ.
Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện
Trong 5 năm qua, Nghệ An thực hiện nhiều đổi mới về giáo dục và đào tạo. Trong đó, ngành đã đổi mới về quy chế kiểm tra, đánh giá học sinh. Giảm tải các kỳ thi, góp phần tạo niềm tin của người dân vào ngành Giáo dục. Dần bãi bỏ các cuộc thi không hiệu quả, gây áp lực cho học sinh mà chỉ còn tổ chức Kỳ thi HSG cấp huyện, thành, thị cho HS lớp 9; thi HSG cấp tỉnh cho học sinh lớp 9, 11, 12; kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT; thi KHKT học sinh trung học và Kỳ thi THPT quốc gia (theo quy định của Bộ GD&ĐT).
Bước đầu triển khai có hiệu quả thí điểm 14 trường trung học trọng điểm chất lượng cao. Công tác phân luồng, hướng nghiệp, dạy nghề và du học có chuyển biến tốt. Mạng lưới cơ sở dạy nghề phát triển về số lượng và chất lượng.
Bên cạnh đó, để tăng cường các kỹ năng, năng khiếu, sự sáng tạo của học trò, ngành giáo dục Nghệ An đã tổ chức nhiều cuộc giao lưu văn hóa, văn nghệ, ngày hội thể thao…
Nghệ An cũng tập trung phát triển hiệu quả dạy học miền núi, coi đó là mục tiêu quan trọng để nâng cao chất lượng lượng giáo dục chung của toàn tỉnh. Tập trung rà soát, điều chỉnh quy mô, mạng lưới trường lớp để đảm bảo phù hợp chủ trương tinh giản biên chế.
Kết thúc nhiệm kỳ 2016 – 2020, về chất lượng mũi nhọn, Nghệ An tiếp tục là những tỉnh nằm trong tốp đầu cả nước. Số học sinh giành huy chương Olympic quốc tế, khu vực có mặt ở tất cả các môn: Toán, Vật lý, Hóa học, Tin học, Sinh học và giao lưu Olympic Tiếng Nga, tiếng Pháp. Số lượng và chất lượng giải HSG quốc gia qua các năm xếp thứ hạng cao.
Về chất lượng đại trà, Nghệ An hoàn thành vượt mức chỉ tiêu xây dựng trường chuẩn quốc gia với 1.054 trường đạt chuẩn, tỷ lệ 72,6% (chỉ tiêu đến năm 2020 là 70%). Tỷ lệ này cũng cao hơn bình quân chung cả nước.
Tuy nhiên, ngành Giáo dục Nghệ An vẫn có nhiều khó khăn và tồn tại chưa được giải quyết. Chất lượng giáo dục chênh lệch lớn giữa các huyện miền xuôi và 10 huyện miền núi.
Cơ sở vật chất, điều kiện dạy học, đặc biệt là khi triển khai chương trình phổ thông 2018 còn nhiều khó khăn. Vẫn còn hơn 1.000 điểm trường lẻ, hơn 1.200 phòng học tạm, mượn.
Theo ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, thời gian tới ngành sẽ tiếp xây dựng kế hoạch phù hợp, có giải pháp đột phá để thực hiện các mục tiêu đề ra. Đồng thời sẽ rà soát quy hoạch trường lớp để phù hợp với vùng, miền, giảm điểm lẻ.
Đội ngũ quyết định thành công của chương trình GDPT mới
Thực hiện chương trình GDPT 2018, Sở GD&ĐT Nghệ An yêu cầu các cơ sở giáo dục cần phải thực sự chủ động vào cuộc, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong các hoạt động. Trong đó, mỗi cơ sở giáo dục phải xây dựng được chương trình nhà trường, tầm nhìn, chiến lược, triết lý giáo dục phù hợp. Từ đó làm kim chỉ nam trong nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển nhà trường lâu dài.
Hiện Nghệ An có đội ngũ cán bộ nhà giáo, quản lý có trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu đổi mới với hơn 50 nghìn người. Trước 1/7/2020, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn 100%, tỷ lệ trên chuẩn đào tạo ngày càng được nâng lên.
Tuy nhiên, thực hiện Luật Giáo dục sửa đổi, nhiều giáo viên Nghệ An chưa đủ chuẩn theo quy định mới, chủ yếu là giáo viên tiểu học. Bên cạnh đó, giáo viên trước đây được các trường sư phạm đào tạo theo phương thức tiếp cận nội dung. Trong khi chương trình giáo dục phổ thông mới yêu cầu giáo viên phải dạy học sinh theo hướng phát triển tri thức và phẩm chất năng lực.
Xác định đội ngũ là yếu tố quyết định thành công của chương trình GDPT 2018, ngành Giáo dục Nghê An đã xây dựng kế hoạch bài bản, bồi dưỡng giáo viên. Trong đó đặc biệt tập huấn vấn đề mà chương trình phổ thông mới yêu cầu.
Từ năm 2019, ngành Giáo dục và đào tạo Nghệ An đã bồi dưỡng, đào tạo chuyên môn cho gần 2.400 giáo viên lớp 1, gần 600 cán bộ quản lý tiểu học. Hiện tỉnh tiếp tục tập huấn cho 100% cán bộ quản lý, giáo viên bộ môn THCS chuẩn bị dạy lớp 6.
Một khó khăn và tồn tại lớn của Nghệ An hiện nay là tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ. là thiếu giáo viên ở các bậc học, trong đó chủ yếu tập trung ở bậc mầm non và cấp tiểu học.
Trước mắt, tỉnh Nghệ An đã ban hành văn bản 440 để hướng dẫn cho việc xã hội hóa và để các trường chủ động trong việc thuê và hợp đồng giáo viên dạy theo tiết và bước đầu giải quyết bài toán khó khăn về mặt biên chế. Về phía ngành giáo dục đã phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh Nghệ An có văn bản gửi đến Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ trình Chính phủ xin bổ sung đủ đội ngũ.
Một khó khăn nữa trong cơ cấu đội ngũ giáo viên có sự bất cập giữa miền xuôi và các huyện miền núi. Trong đó, không ít thầy cô giáo cắm bản vùng cao khi thực hiện Chương trình tiểu học năm 2000 chỉ có trình độ 7+3 hoặc 10 +1, 10+2. Hiện đội ngũ này đều đã có tuổi và khó đáp ứng yêu cầu chương trình GDPT mới.
Trước thực tế này, ngành giáo dục Nghệ An đưa ra giải pháp “trường giúp trường, phòng giúp phòng”. Ngoài hỗ trợ về cơ sở vật chất, thì các nhà trường, Phòng GD&ĐT vùng thuận lợi còn giúp đỡ về chuyên môn như: xây dựng chiến lược phát triển nhà trường và kế hoạch môn học, hỗ trợ bồi dưỡng đội ngũ. Trao đổi chuyên môn, đưa giáo viên cốt cán của miền xuôi lên miền núi để dạy mẫu, phối hợp bồi dưỡng học sinh, giáo viên giỏi.
“Riêng vấn này, sắp tới Sở Giáo dục và đào tạo sẽ xây dựng cơ chế riêng, có cam kết, đưa vào đánh giá hàng năm và xem đây là trách nhiệm với ngành. Sở cũng sẽ điều động giáo viên theo hướng cử đi công tác trong thời gian ngắn để hỗ trợ và triển khai dạy mẫu chương trình mới”, ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An khẳng định.