Bắt nhịp chương trình, SGK lớp 6 mới: Linh hoạt triển khai giảng dạy liên môn

GD&TĐ - Môn Lịch sử, Địa lý lần đầu được tích hợp khiến giáo viên, nhà trường không tránh khỏi những băn khoăn về lượng kiến thức, yêu cầu với người dạy và học…

Chủ động tiếp cận Chương trình GDPT mới nên giáo viên giảng dạy Lịch sử, Địa lý mạnh dạn hơn trong việc dạy tích hợp liên môn. Ảnh minh họa
Chủ động tiếp cận Chương trình GDPT mới nên giáo viên giảng dạy Lịch sử, Địa lý mạnh dạn hơn trong việc dạy tích hợp liên môn. Ảnh minh họa

Để bảo đảm chất lượng dạy học, các trường học ở Cần Thơ đã chủ động trong việc bồi dưỡng, chuẩn bị đội ngũ. 

Chủ động khắc phục

Theo Chương trình GDPT mới, từ năm học 2021 - 2022, 5 môn học gồm Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học sẽ được tích hợp thành hai môn chính là Khoa học tự nhiên và Lịch sử - Địa lý thay vì các môn đơn lẻ như chương trình hiện hành. Lần đầu tiên tích hợp hai môn, để giáo viên có thể dạy được là một thách thức rất lớn. Bởi thầy cô được đào tạo theo từng môn học, nên khi triển khai chương trình mới sẽ  gặp không ít lúng túng.

Chia sẻ về khó khăn trong việc giảng dạy liên môn, cô Nguyễn Thị Hoàng Oanh, Tổ trưởng tổ Sử - Địa - Giáo dục Công dân, Trường THCS Đoàn Thị Điểm, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) cho biết: Do phải phân công 2 (hoặc nhiều giáo viên) để dạy một môn (như 2 giáo viên cho phân môn Lịch sử và 1 giáo viên cho phân môn Địa lý) nên lãnh đạo nhà trường phải có sự sắp xếp, phân công và bố trí thời khóa biểu hợp lý. Tuy nhiên, việc này mất nhiều thời gian, nhất là khi phải thay đổi thời khóa biểu (điều này phải thực hiện nhiều lần trong năm học)…

Để dạy học tích hợp, liên môn tốt, theo các cán bộ quản lý, giáo viên cần phải lưu ý những điểm mới, sự chuẩn bị của nhà trường về đội ngũ, giáo viên để chủ động bồi dưỡng. Thực tế cho thấy, nhờ sự chủ động tiếp cận Chương trình giáo dục phổ thông mới nên hầu hết giáo viên giảng dạy Lịch sử, Địa lý ở TP Cần Thơ không bỡ ngỡ, đã mạnh dạn và chủ động trong việc dạy tích hợp liên môn.

Thầy Trương Vĩnh Khoa, Hiệu trưởng Trường THCS Đoàn Thị Điểm, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) cho biết: Nhà trường sẽ phân phối chương trình theo từng tiết dạy cho giáo viên khi có SGK mới. Trước mắt, trường phân công các giáo viên thuộc tổ môn của hai liên môn mới (Khoa học tự nhiên và Lịch sử - Địa lý) giảng dạy theo những chủ đề phù hợp với chuyên môn được đào tạo. Ngoài ra, còn yêu cầu giáo viên phải chú ý, chú trọng khắc phục lối dạy lý thuyết đơn thuần, phải trang bị cho học sinh kiến thức, tư duy phản biện và khả năng ứng dụng những kiến thức, kỹ năng đã học vào thực tế…

Để bảo đảm dạy học tích hợp liên môn, ngành Giáo dục, nhà trường chủ động trong việc bồi dưỡng, chuẩn bị đội ngũ. Ảnh minh họa
Để bảo đảm dạy học tích hợp liên môn, ngành Giáo dục, nhà trường chủ động trong việc bồi dưỡng, chuẩn bị đội ngũ. Ảnh minh họa

Phát huy tính kế thừa của chương trình mới

Thầy Nguyễn Văn Lộc, Hiệu trưởng Trường THCS Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ) chia sẻ: Khó khăn lớn nhất trong việc triển khai dạy liên môn hiện nay là tư tưởng của một số giáo viên chỉ quen với nội dung, kiến thức và phương pháp dạy đơn môn, chưa tự tin trong giảng dạy liên môn, nên việc tự bồi dưỡng kiến thức những môn tích hợp chưa được giáo viên chủ động.

Tuy nhiên, theo thầy Lộc, Cần Thơ triển khai mô hình “Trường điển hình đổi mới”, trong đó có bộ môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý, qua 5 năm thực hiện, đến nay giáo viên đã quen dần và thực hiện khá tốt việc giảng dạy các bộ môn tích hợp.

Ngoài ra, để đáp ứng yêu cầu Chương trình mới ở lớp 6, nhà trường yêu cầu thầy cô (ưu tiên giáo viên dạy lớp 6) tham gia đầy đủ các buổi tập huấn giáo viên đại trà theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo về các mô-đun theo quy định; Đồng thời, chủ động mời giảng viên có kinh nghiệm và cán bộ phụ trách bộ môn của Sở GD&ĐT để tập huấn cho đội ngũ về chuyên môn, nghiệp vụ. “Đặc biệt, trường chú ý tập huấn cho giáo viên môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý chưa được đào tạo môn học từ trường sư phạm, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ”, thầy Lộc chia sẻ.

Còn theo cô Lam Mỹ Linh, Hiệu trưởng Trường THCS An Thới, quận Bình Thủy (TP Cần Thơ), từ năm 2017, nhà trường tiếp cận với những phân môn như Chương trình GDPT 2018. Liên môn Khoa học tự nhiên và Lịch sử - Địa lý được nhà trường xây dựng từ khi tham gia triển khai mô hình “Trường điển hình đổi mới”. Đồng thời, các phương pháp dạy học liên môn trong mô hình Trường học mới tiệm cận với Chương trình GDPT 2018. Vì thế khi áp dụng giảng dạy tích hợp liên môn trong chương trình mới, giáo viên tại trường không bị bỡ ngỡ.

“Trong thời gian tới, Trường THCS An Thới tiếp tục chỉ đạo các tổ tích hợp liên môn chú ý xây dựng kế hoạch cụ thể, từ kế hoạch tổ, kế hoạch bài học và phương án kiểm tra đánh giá. Giáo viên trong tổ tích cực chia sẻ kiến thức từng môn học với nhau, cùng xây dựng chủ đề dạy học, xây dựng kế hoạch bài dạy và những phương pháp dạy học có hiệu quả”, cô Mỹ Linh cho biết.

Chương trình mới thể hiện rõ tính kế thừa, phát huy ưu điểm của từng môn học trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, nên được giáo viên tiếp cận, triển khai việc dạy liên môn một cách khá dễ dàng. Học sinh sẽ thuận lợi trong sử dụng các kiến thức, kỹ năng của từng phân môn cho việc tiếp thu kiến thức mới. Cụ thể như sử dụng kiến thức bản đồ của Địa lý để thông hiểu các bản đồ, lược đồ ở môn Lịch sử; cũng như dùng các kiến thức lịch sử để ghi nhớ các địa danh được học... - Cô Nguyễn Thị Hoàng Oanh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ