'Bát nháo' quảng cáo sữa: 'Chặn đứng' quảng cáo sai sự thật

GD&TĐ - Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có biện pháp 'siết chặt', đề nghị kiểm tra, xử lý vi phạm quảng cáo sản phẩm thực phẩm bổ sung.

Quảng cáo sữa Hikid có dấu hiệu vi phạm quy định về quảng cáo.
Quảng cáo sữa Hikid có dấu hiệu vi phạm quy định về quảng cáo.

Trước những quảng cáo “lố” từ các nhãn hàng sữa, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có biện pháp “siết chặt”, đề nghị kiểm tra, xử lý vi phạm quảng cáo sản phẩm thực phẩm bổ sung.

“Mạnh tay” xử lý vi phạm

Cụ thể, Cục An toàn thực phẩm cho biết đã có công văn gửi Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội về việc kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo thực phẩm bổ sung Nutri Brain IQ.

Theo Cục An toàn thực phẩm, trước đó, các phương tiện truyền thông đã phản ánh về việc quảng cáo sản phẩm thực phẩm bổ sung Nutri Brain IQ có dấu hiệu “thổi phồng” công dụng thành “thần dược chữa bệnh tự kỷ”. Điều này vi phạm quy định về quảng cáo thực phẩm.

Trong bản tự công bố sản phẩm của công ty này, sữa Nutri Brain IQ thực chất chỉ là thực phẩm bổ sung, chứ không phải là sữa “chữa tự kỷ” như được quảng cáo.

Ngoài ra, Cục An toàn thực phẩm cũng có văn bản yêu cầu kiểm tra sản phẩm sữa Hikid vi phạm quy định về quảng cáo thực phẩm. Theo đó, Cục An toàn thực phẩm nhận được phản ánh trên báo chí về việc sản phẩm sữa Hikid quảng cáo trong một clip, so sánh “100g Hikid bằng 20 lít sữa tươi”. Cơ quan này đề nghị Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi quảng cáo sản phẩm vi phạm.

Trước tình trạng nhiều người nổi tiếng quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm hỗ trợ điều trị với nội dung sai lệch, “thổi phồng” công dụng khiến người tiêu dùng hiểu nhầm sản phẩm có thể thay thế thuốc chữa bệnh, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng có văn bản yêu cầu “siết chặt” giám sát và xử lý vi phạm trong lĩnh vực này.

Ngày 15/4, Cục An toàn thực phẩm đã gửi văn bản đến Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH,TT&DL) đề nghị phối hợp kiểm tra, xử lý những quảng cáo vi phạm pháp luật, đặc biệt trên các trang mạng xã hội, nhằm kịp thời ngăn chặn tình trạng quảng cáo sai sự thật về thực phẩm chức năng.

Theo Cục An toàn thực phẩm, khi tin vào những quảng cáo không đúng sự thật, người tiêu dùng có thể gặp nhiều hậu quả nghiêm trọng như mất tiền oan, bởi những sản phẩm này thường được bán với giá cao nhưng không mang lại hiệu quả như mong đợi.

Nhiều người bệnh tin vào thực phẩm chức năng, bỏ qua phác đồ điều trị của bác sĩ, dẫn đến bệnh tình nặng hơn làm bỏ lỡ cơ hội điều trị đúng cách. Một số sản phẩm không rõ nguồn gốc có thể chứa chất cấm, gây tác dụng phụ nguy hiểm gây hại cho sức khỏe.

Lưu ý trước khi sử dụng sản phẩm

Thực tế cho thấy, người tiêu dùng hiện nay có xu hướng tin tưởng vào những gương mặt nổi tiếng, đặc biệt là các nghệ sĩ, người có ảnh hưởng trên mạng xã hội. Khi những nhân vật này tham gia quảng cáo, công chúng thường tin vào chất lượng sản phẩm mà họ đang quảng cáo.

Việc các nghệ sĩ thiếu trách nhiệm, cố tình “thổi phồng” công dụng của sản phẩm không chỉ gây ra sự thất vọng, mà còn tạo ra hoang mang trong cộng đồng. Gần đây, vụ việc liên quan đến hoa hậu Thùy Tiên, Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục đã làm dấy lên làn sóng phản đối mạnh mẽ từ người tiêu dùng.

Trước “làn sóng” phản ứng từ dư luận về quảng cáo “nổ” công dụng của sữa Hiup, biên tập viên Quang Minh đã đăng đàn trên trang Facebook cá nhân phản hồi về câu chuyện quảng cáo sữa. “Trước hết, tôi xin nhận lỗi vì đã để xảy ra một sự việc khiến dư luận băn khoăn và khiến nhiều người yêu quý tôi cảm thấy thất vọng. Đây là điều tôi không hề mong muốn”, anh viết.

Cũng theo biên tập viên Quang Minh, anh không phải là bác sĩ hay chuyên gia dinh dưỡng và cũng chưa từng có ý định đứng ra bảo đảm hay khẳng định giá trị y học của bất kỳ sản phẩm nào.

“Với vai trò là một người của công chúng, tôi xuất hiện trong các video quảng bá đó như một lời giới thiệu - dựa trên những thông tin mà phía nhãn hàng cung cấp, trong khuôn khổ một hợp đồng truyền thông hợp pháp và trải nghiệm của bản thân, gia đình trong một thời gian. Tuy nhiên, tôi hiểu rõ rằng khi hình ảnh cá nhân gắn với một sản phẩm liên quan đến sức khỏe, mức độ kỳ vọng và yêu cầu từ công chúng là rất cao.

Nếu sự xuất hiện đó đã vô tình gây hiểu nhầm hoặc khiến ai đó cảm thấy bị dẫn dắt sai lệch, tôi xin nhận phần trách nhiệm về mình. Còn về sai phạm và các biện pháp xử lý… tôi sẵn sàng đón nhận chân thành, bởi mình gây ra bất cứ điều gì thì phải gánh chịu hậu quả đó”, biên tập viên Quang Minh viết.

Lời nhận lỗi của biên tập viên Quang Minh được cho là khá thẳng thắn, nhưng vẫn chưa thể xoa dịu dư luận bởi những video quảng cáo trước đó của anh “thổi phồng” công dụng của sữa.

Bộ Y tế đã yêu cầu các Sở Y tế và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác thanh tra, hậu kiểm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh và quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Những sản phẩm không có giấy tờ hợp lệ, quảng cáo sai lệch, hoặc sử dụng hình ảnh bác sĩ, người nổi tiếng để quảng bá sai sự thật sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Cục An toàn thực phẩm cũng khuyến cáo người dân nên kiểm tra kỹ nhãn mác sản phẩm trước khi sử dụng. Trên nhãn sản phẩm hoặc nhãn phụ (đối với hàng nhập khẩu) cần có đầy đủ các thông tin như: Tên sản phẩm, thành phần, định lượng, hướng dẫn sử dụng, ngày sản xuất, hạn sử dụng, công dụng, đối tượng sử dụng, cách dùng, khuyến cáo về nguy cơ nếu có.

Đặc biệt, phải ghi rõ cụm từ “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe” và “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”. Ngoài ra, phải có số tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm và số xác nhận nội dung quảng cáo (nếu có), cùng tên và địa chỉ của đơn vị chịu trách nhiệm về sản phẩm. Người dân có thể chủ động tra cứu thông tin các sản phẩm đã được cấp phép tại các cổng thông tin điện tử chính thức của Bộ Y tế.

Theo Đại tá, bác sĩ Hoàng Khánh Toàn - nguyên Chủ nhiệm Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Quân y 108, trước khi quyết định chọn mua và sử dụng loại thực phẩm chức năng nào, người tiêu dùng nên đặt ra 10 câu hỏi: Thành phần mang lại hiệu quả chức năng của sản phẩm là gì, có sẵn tự nhiên trong thực phẩm hay do bổ sung vào; hiệu quả của sản phẩm ra sao, có nghiên cứu nào xác nhận lợi ích này không; nhà sản xuất có phải là một công ty có tiếng tăm tốt, đáng tin cậy không; trên nhãn có ghi hàm lượng các thành phần trong thực phẩm là bao nhiêu không; thành phần bổ sung vào thực phẩm thế nào, có những thực phẩm nào ảnh hưởng đến sự hấp thu thành phần chức năng này không; so sánh giá cả của thực phẩm chức năng với thực phẩm thông thường, giá có tương xứng với thành phần chức năng mang lại lợi ích cho người sử dụng không; cách thức chế biến thực phẩm (nóng, lạnh) hay cách bảo quản có ảnh hưởng đến hiệu quả chức năng của thực phẩm không.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

KS Bùi Quốc Dung đốt thử nghiệm dầu nhiệt phân từ hệ thống.

Lò đốt chất thải thu hồi năng lượng

GD&TĐ - Hệ thống lò nhiệt hóa xử lý chất thải do nhóm kỹ sư thuộc Công ty Cổ phần Môi trường Năng lượng Xanh Asian Việt Nam thiết kế và chế tạo...