(GD&TĐ) - Năm 2004, một số trường tiểu học ở TP Hồ Chí Minh đã đặt hộp thư “Điều em muốn nói” để học sinh tự do viết lên suy nghĩ của mình về những điều các em không thể nói với cha mẹ, thầy cô… Qua đó, người lớn hiểu hơn về tâm tư của các em. Mấy năm gần đây, nhiều trường TH ở TP Cần Thơ cũng đã đặt hộp thư tương tự và những kết quả bất ngờ đã được ghi nhận.
Trẻ trưởng thành hơn chúng ta nghĩ
Trường TH An Bình I nằm ở vùng ven, khu dân cư lao động nghèo. Thầy Lưu Đức Khang, hiệu trưởng, cho biết các em rất thích thú khi tham gia viết những suy nghĩ của mình. Có những thư viết trên giấy học trò, có thư viết trên mẩu giấy vụn… Qua “những điều các em muốn nói”, nhà trường đã nhận ra nhiều thứ và nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các em. Các em vừa là đối tượng giáo dục và cũng là người tham gia hoàn thiện phương pháp giáo dục.
Cô Thanh Thị Thế, tổng phụ trách Đội, cũng là người phụ trách hộp thư, cho biết, “điều em muốn nói” là tình cảm thầy cô, bạn bè. Đặc biệt là phê phán các bạn có thói quen xấu như xả rác bừa bãi, vi phạm an toàn giao thông… Các em cũng mạnh dạn nêu lên tình trạng cơ sở vật chất thiếu thốn. Cảm động nhất là các em có hoàn cảnh đặc biệt trong những gia đình đổ vỡ. Chẳng những dám nói lên hoàn cảnh éo le của mình, một ước vọng về gia đình hạnh phúc mà các em còn quan tâm đến cả những người bạn bất hạnh.
Hộp thư “điều em muốn nói” tại trường TH An Bình I |
Bức thư của em Đào Thanh Phong, lớp 5D, trường TH An Bình I, có đoạn viết: “… Gần đây ba em có gây với mẹ em. Và giờ đây, ba với mẹ chẳng nói với nhau một tiếng nào. Lúc đó, em muốn nói “ba với mẹ hãy làm lành với nhau đi!” nhưng không thể nói ra, vì họ sẽ rất giận và mắng nữa. Nguyện vọng của em là cả nhà sẽ hòa thuận. Em không biết ngày đó là ngày nào? Nhưng đó là ước vọng lớn nhất của đời em!”.
Còn em Trần Kim Tươi, lớp 5 B, thì xót xa với hoàn cảnh của bạn: “… Bé Hoa là người hàng xóm, có gia đình không may mắn. Cha say xỉn tối ngày, về nhà la lối, đánh mẹ bé Hoa bằng chổi. Mẹ bé Hoa đã bỏ lên Thành phố Hồ Chí Minh, bé Hoa buồn và sa sút việc học. Bé Hoa muốn mình có gia đình hạnh phúc như các bạn. Em viết lên điều này muốn mọi người giúp đỡ bé Hoa”. Nguyễn Thị Tuyết Thương, lớp 5 H thì viết lên điều bức xúc: “Em tập thể dục trong nhà thi đấu đa năng. Điểm không được tốt vì nóng và không khí bụi bặm. Tiết âm nhạc em rất thích, nhưng không có đàn, chỉ hát bằng miệng thôi!”. Các em cũng có những tâm sự thật lòng, như thư của Lâm Bảo Châu, lớp 5B:
“… Nhớ ngày nào em đeo khăn lon ton đến trường, giờ thì đã hết lớp 5. Năm năm trôi qua một cách vội vàng. Nhớ năm lớp 4, lớp 3G của em bị rã để nhập qua lớp 4B. Em buồn lắm vì không học chung bạn cũ, mà lớp 3B cũ toàn những bạn quậy phá. Cô giáo chăm em từng chút, rồi những bạn quậy phá ấy cũng thật dễ thương. Còn một năm nữa cô em sẽ nghỉ hưu, em sắp rời trường rồi cô ơi! Buồn cô nhỉ! Một ngôi trường đầy kỷ niệm. Cho dù em xa nó, dù đi bất cứ đâu, ngôi trường này vẫn mãi trong tim em!”
Ở trường TH Trà Nóc I, gần khu công nghiệp và doanh trại bộ đội, học sinh là con cán bộ công nhân, “Điều em muốn nói” ở đây cũng khá ngộ nghĩnh.
“Em muốn trường có nhiều cây xanh, sân trường sạch, cô giáo hiền”, hoặc “Tiết học cô giáo sử dụng máy tính đã lắm!”, hay “Trường mình sao không tổ chức trò chơi kéo co, nhảy bao bố, đố vui, hội chợ đồ chơi… vui lắm!”, “Hồi lớp 2 con được quét lớp, giờ sao không?”, “Hôm đầu năm nhà trường nấu cơm ngon lắm! (lớp bán trú) Giờ cửa hàng dịch vụ nấu cơm không ngon!”
Cô Thanh lớp 5/1 kể chuyện hết sức ngạc nhiên khi bắt gặp học trò của mình viết “muốn hôn thì lén mà hôn”, thỉnh thoảng “dắt bạn gái về nhà” và đến nay đã “ly dị” bạn ấy. Cô Thanh tâm sự:
- Mới đọc thư tôi đã toát mồ hôi. Gọi em lên em trả lời cực kỳ hồn nhiên. Thích bạn nào cứ hôn đại. Rủ bạn gái trong lớp qua nhà chơi hoài. Có đồ ăn mẹ em thường gọi bạn Lan cùng phố. Khi nào giận nhau không chơi nữa thì chúng em gọi là “ly dị”. Hóa ra là cách dùng từ cho “kêu” chớ chẳng có chuyện gì.
Nội dung một bức thư |
Thông tin hữu ích và những trăn trở
Thầy Lưu Đức Khang, Hiệu trưởng trường TH An Bình I cho biết, những vấn đề nào trong phạm vi trường thì trong buổi chào cờ đầu tuần giải quyết ngay. Những thông tin từ hộp thư hết sức bổ ích. Mặt khác, đã phát huy tính sáng tạo, dân chủ, dám nghĩ dám chịu trách nhiệm của các em. Tuy nhiên, những vấn đề có tính chất xã hội thì nhà trường còn lúng túng. Chủ yếu là động viên các em có hoàn cảnh đặc biệt học tập tốt.
Cô Nguyễn Thị Kim Chi, Hiệu trưởng trường TH Trà Nóc I, nhận xét: “Điều em muốn nói” chính là cầu nối giữa học sinh với từng thầy cô. Cô nhấn mạnh: “Trong hai năm qua, thầy cô ở trường cũng phải biết nhìn lại mình, phải là tấm gương cho các em, là người được các em yêu quý thông qua hộp thư. Điều đó làm cho thầy cô hoàn thiện hơn”.
Chị Võ Thị Thanh Nga, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Cần Thơ rất tâm đắc: “Khi nào có hội nghị về đầu tư cơ sở vật chất cho ngành giáo dục, tôi sẽ đọc bức thư của em Nguyễn Thị Tuyết Thương lớp 5 H. Hộp thư nên làm cho nó “màu sắc học trò hơn”. Những vấn đề các em đề xuất mà nhà trường không khả năng giải quyết thì nên kêu gọi ban đại diện cha mẹ học sinh, chính quyền đại phương, các đoàn thể cùng nhau giải quyết”.
Nguyễn Ngọc