Chiếc Il-76 nói trên đã thả 4 quả bom FAB-500 xuống các mục tiêu của nó, cần lưu ý rằng một "máy bay ném bom" như vậy đã được lực lượng chính phủ Sudan sử dụng để tấn công các đơn vị thuộc nhóm Lực lượng phản ứng nhanh (RSF), hoạt động với sự hỗ trợ của lính đánh thuê từ Công ty quân sự tư nhân (PMC) Wagner.
Thoạt nhìn ở đây có lẽ không thấy có gì “bất thường” đối với kiểu chiến tranh này. Nhưng mặt khác, tình tiết nói trên với việc "ngẫu hứng sử dụng" IL-76 làm máy bay ném bom cần được phân tích chi tiết hơn.
Hãy bắt đầu từ việc ý tưởng sử dụng Il-76 làm "máy bay ném bom" có thể xuất phát từ đâu.
Đầu tiên, có thể tìm thấy các báo cáo công khai rằng trong năm 2015 và 2020, Quân đội Nga đã tiến hành các cuộc tập trận huấn luyện thả bom FAB-500 từ Il-76 của mình, trong đó tổng cộng 30 quả bom nặng 500 kg đã được ném đi.
Tiếp theo vào năm 2021, người Nga đã thực hành tấn công mục tiêu mặt đất bằng pháo 23 mm.
Tuy nhiên trên thực tế, đây đều là những trường hợp duy nhất được biết đến một cách đáng tin cậy, và chỉ với cách thực hành đơn giản là sử dụng vũ khí trên không từ Il-76.
Chuyên gia quân sự Nga Viktor Murakhovsky mặc dù từng tuyên bố rằng Il-76 đã được Quân đội Liên Xô sử dụng làm máy bay ném bom trong cuộc chiến ở Afghanistan, nhưng không thể tìm thấy xác nhận về dữ liệu đó từ các nguồn khác.
Đồng thời chúng ta cũng có thể tìm thấy dữ liệu công khai cho thấy để ném bom, các máy bay vận tải quân sự Il-76 sẽ được tích hợp giá đỡ UBD-3DA, trên đó treo 4 quả bom nặng 500 kg và sẽ được thả tự động từ hệ thống "Kupol" hoặc sử dụng kính ngắm NKBP-7.
Khía cạnh tiếp theo cần chú ý là lý do tại sao một trong các bên tham gia cuộc xung đột, trong trường hợp này là lực lượng chính phủ Sudan, lại quyết định sử dụng Il-76 làm phương tiện ném bom, khi động thái trên bị nhận xét là quá mức thừa thãi.
Hiện tại cả hai phía trong cuộc chiến ở Sudan đều đã cố gắng sử dụng máy bay không người lái FPV như một công cụ để tấn công đối phương bằng cách này hay cách khác.
Ở đây, tất cả những điều tưởng chừng như đơn giản này thực ra lại dẫn chúng ta đến một câu hỏi mang tính học thuyết quan trọng, đó là chính xác thì sự ứng biến trong chiến tranh hiện đại nảy sinh từ đâu, từ kinh nghiệm "bên ngoài" hay từ nhu cầu "bên trong" để giải quyết một số nhiệm vụ phức tạp.