Giải quyết vấn đề của cuộc sống
Trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, từ thực tiễn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong nhà trường, nhóm học sinh Lê Minh Dũng, Nguyễn Khắc Sơn (học sinh khối 12 Trường THPT Trần Văn Giàu, quận Bình Thạnh) thực hiện đề tài Robot hỗ trợ phòng chống Covid-19. Theo đó, robot sẽ tích hợp việc đo thân nhiệt, rửa tay, khử khuẩn toàn thân, điểm danh học sinh… Điều đặc biệt, robot chạy hoàn toàn bằng năng lượng mặt trời.
Nếu học sinh có thân nhiệt bất thường, robot sẽ chuyển dữ liệu tên, lớp của học sinh về máy chủ để nhà trường biết, có biện pháp xử lý. Ngoài ra, máy cũng có thể phục vụ được việc điểm danh học sinh (qua một thẻ từ), thay thế cho việc điểm danh học sinh vắng mặt ở đầu tiết học như hiện nay.
Thành viên nhóm Lê Minh Dũng cho hay: Chúng em thực hiện dự án trong hơn nửa năm, khởi động từ cuối tháng 7/2020. Để hoàn thiện dự án, nhóm có trên 50 lần chạy thử, với các trường hợp khác nhau. Trong quá trình thực hiện dự án, nhóm đã vận dụng các kiến thức môn Toán, Vật lý, Tin học… như dùng cảm biến để nhận dạng gương mặt, tính toán để đo thân nhiệt chính xác; ứng dụng tin học trong việc liên kết dữ liệu học sinh, lập trình sẵn cho robot về lượng dung dịch sát khuẩn…
Theo Minh Dũng, nhóm nghiên cứu mong muốn, robot sẽ tiếp tục được hoàn thiện như lắp thêm camera ghi hình, tránh trường hợp học sinh điểm danh hộ; Tự động điều chỉnh cảm biến nhiệt độ theo chiều cao của người đo và có thể lắp đặt thêm thiết bị thu, phát kích hoạt bằng âm thanh nhắc nhở từ xa. Ngoài ra, nhóm còn tính toán nâng cấp cảm biến nhiệt để cho ra nhiệt độ chính xác nhất.
Cũng hướng đến vấn đề đặt ra từ thực tiễn hằng ngày (tình trạng kẹt xe vào giờ cao điểm), em Lý Đoàn Dự, lớp 11 A11, Trường THPT Trần Khai Nguyên (Quận 5) đã thiết kế ra bộ quy tắc điều chỉnh độ dài đèn tín hiệu nhằm tăng hiệu quả của đèn tín hiệu giao thông khi các phương tiện bắt đầu ùn ứ và ở trạng thái bình thường. Nghiên cứu phù hợp điều kiện giao thông ở Việt Nam, khi người tham gia giao thông sử dụng đa phần phương tiện xe máy. Đoàn Dự chia sẻ thêm: Với bộ quy tắc này, em sử dụng phần mềm có hệ thống mở và không tính phí mang tên SUMO để ứng dụng tại các vòng xoay. Qua đó sẽ tự điều chỉnh thời gian linh hoạt của các đèn tín hiệu qua nhiều cảm biến khác nhau.
Từ thực tiễn việc thu gom rác trên sông hồ vẫn còn khá thủ công như phải di chuyển bằng xuồng, dùng lưới để vớt, vừa nguy hiểm lại tốn nhân lực, nhóm học sinh Hồng Sơn và Minh Hoàng của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Quận 5) thực hiện đề tài “River Saver: Robot hỗ trợ thu gom rác nổi nhỏ và vừa trên sông hồ”.
Sau hơn 8 tháng lên ý tưởng, mày mò nghiên cứu, thử nghiệm, nhóm đã thiết kế một robot có tính năng tự động nhận diện và thu gom rác. Robot này được làm hoàn toàn bằng các vật liệu tái chế.
Bất ngờ trước sự sáng tạo của học trò
Ông Hồ Tấn Minh, Phó Trưởng phòng Trung học, Sở GD&ĐT TPHCM, thành viên Ban giám khảo đánh giá: Điều đáng ghi nhận ở các đề tài nghiên cứu số đều xuất phát từ nhu cầu, bức xúc của thực tiễn. Các đề tài không chỉ gắn với lĩnh vực khoa học tự nhiên, ứng dụng công nghệ mới, mà còn thể hiện tính nhân văn khi hướng tới các sản phẩm chăm sóc, hỗ trợ người khuyết tật, tìm hiểu và giải quyết các vấn đề xã hội gần gũi lứa tuổi, gắn với thực tế tại TPHCM.
Theo ông Minh, qua chấm các đề tài, nhiều em đã thể hiện năng lực trình bày, đặt vấn đề rất tốt và các đề tài đều đúng với quy trình NCKH. Điều đó cho thấy ở trường các thầy cô giáo đã hướng dẫn cho các em phương pháp NCKH, quy trình các bước để thực hiện một đề tài NCKH. Những sản phẩm của lĩnh vực hoá sinh, y sinh tại cuộc thi có thể ứng dụng ngay vào thực tiễn bởi các em qua quá trình nghiên cứu có những kiểm nghiệm các tiêu chí để bảo đảm an toàn.
Thầy Kiều Tân Khoa, giáo viên Tin học, hướng dẫn học sinh thực hiện dự án Robot hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 cho hay: Khắc Sơn và Minh Dũng chủ động tìm tòi, đầy sáng tạo và vận dụng tốt kiến thức đã học ở môn Lý, Toán, Tin học… vào thực hiện đề tài. Các em đầu tư rất nhiều công sức để cho ra sản phẩm cuối cùng mang tới cuộc thi với nhiều lần thử nghiệm tại trường.
Thầy Khoa đánh giá cao ý tưởng của hai em đậm tính thời sự, gắn với thực tiễn, khi hằng ngày nhìn thấy các nhân viên của trường đứng đo thân nhiệt, yêu cầu các em sát khuẩn, điểm danh học trò một cách thủ công… Theo thầy Khoa, tính mới của đề tài chính là hiện trên thị trường đã có rất nhiều sản phẩm như máy rửa tay tự động, buồng khử khuẩn, máy đo thân nhiệt tự động nhưng chỉ là những sản phẩm riêng lẻ. Việc tích hợp các tính năng này vào một sản phẩm, kèm theo tính năng điểm danh học sinh là điều khiến thầy Khoa rất bất ngờ với sự sáng tạo của trò. “Trong bối cảnh dịch Covid-19 như hiện nay, đây là một giải pháp hữu ích với các trường học để hỗ trợ công tác phòng dịch”, thầy Khoa nói.