Giá trên trời
Ở Australia, có những phần mềm do Mỹ sản xuất được bán đắt đến mức, nếu bạn mua vé máy bay và bay thẳng đến Los Angeles để mua thì vẫn còn rẻ hơn nhiều. Trong năm 2013, các sản phẩm phần mềm của Adobe và Microsoft có giá lần lượt cao hơn 42 và 66%, phần cứng cao hơn 46%.
Chẳng hạn: Bộ ứng dụng tương tác Adobe Creative Suite Master 6 có giá 4.334 USD tại Australia. Ở Mỹ, chỉ cần chi 2.599 USD cho sản phẩm phần mềm này, rẻ hơn 1.735 USD. Vé một chuyến đi khứ hồi tới Los Angeles là 1.147,58 USD; bạn vẫn tiết kiệm được gần 300 USD!
Bên cạnh phần mềm đóng hộp, ở Australia, các sản phẩm của Adobe có thể tải xuống và đăng ký cũng đắt hơn so với ở Mỹ. Năm 2013, bộ Adobe Creative Cloud có giá thuê bao dùng trong một tháng tại Australia là 62,99 USD; trong khi bên Mỹ là 49,99 USD. Sự chênh lệch giá này cũng tương tự với những đăng ký cho các chương trình độc quyền của Adobe. Chỉ đến khi người tiêu dùng phản ánh, chính phủ Australia mở một cuộc điều tra, Adobe mới chịu giảm giá để ngang bằng với giá của thị trường Mỹ.
Nước khoáng hay nước máy?
Một nửa số nước đóng chai được bán ở Mỹ là nước máy thông thường, chỉ thêm công đoạn lọc. Fluoride được loại bỏ trong quá trình lọc, khiến người tiêu dùng nước đóng chai có nguy cơ bị sâu răng. Việc loại bỏ fluoride khỏi nước đóng chai là một trong những lý do mà một số người nói rằng nước máy tốt hơn nước đóng chai.
Thậm chí, nước máy còn phải tuân thủ nhiều quy định nghiêm ngặt hơn nước đóng chai. Ví dụ, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ yêu cầu bổ sung fluoride vào nước máy, nhưng không có cơ quan nào yêu cầu thêm hợp chất này vào nước đóng chai. Có lẽ vì vậy mà các nhà sản xuất nước đóng chai cũng thích quảng bá sản phẩm của họ bằng những từ hoa mỹ nhưng vô nghĩa, như “nước trên núi” hay “nước sông băng”.
Bác sĩ bắt tay với công ty dược phẩm
Một hiện tượng không hiếm gặp là các công ty dược phẩm trả tiền cho bác sĩ để kê toa thuốc của họ. Số tiền “hoa hồng” này thậm chí cao gấp đôi chi phí các công ty này bỏ ra cho nghiên cứu và phát triển. Hiện tượng này khá phổ biến vào những năm 1980 ở Mỹ. Các công ty dược phẩm không chỉ trả tiền cho các bác sĩ kê đơn thuốc của họ, mà còn sẵn sàng chi trả các kỳ nghỉ, ăn tối hay đến sân golf của bác sĩ.
Năm 2002, cơ quan các nhà sản xuất và nghiên cứu dược phẩm Mỹ được giao trọng trách điều chỉnh ngành công nghiệp này. Ngày nay, các công ty dược phẩm bị nghiêm cấm giữ mối quan hệ với bác sĩ. Các công ty này chỉ có thể mời bác sĩ tham gia các khóa học và không được tặng món quà nào trị giá hơn 100 USD . Tuy nhiên, họ được phép trả tiền cho bác sĩ khi bác sĩ sắp xếp để họ tư vấn với bệnh nhân.
Nhằm thúc đẩy tính minh bạch giữa bác sĩ và các công ty dược phẩm, chính phủ Mỹ đã xây dựng công cụ tìm kiếm thanh toán mở. Bệnh nhân có thể nhập tên của bác sĩ đang điều trị hay tư vấn cho mình vào trang web, tìm hiểu xem bác sĩ này có nhận mối liên hệ với bất kỳ công ty dược phẩm nào không (được lưu trên hồ sơ theo dõi của chính phủ và thường xuyên cập nhật).