Cà rốt baby
Cà rốt baby được mệnh danh là “những nhân vật Disney” trong thế giới cà rốt. Thứ thực phẩm này nhỏ xinh, tròn trịa và được bóc vỏ sẵn. Chúng cũng sở hữu màu cam tuyệt đẹp và bắt mắt. Không giống như cà rốt lớn, thường phải qua xào nấu trước khi ăn, những củ cà rốt baby được coi là đồ ăn sẵn. Thế nhưng hầu hết những người yêu cà rốt baby không hề hay biết rằng, thực chất chúng chỉ là cà rốt thông thường được cắt gọt và “tạo hình” lại.
Cà rốt baby đầu tiên được sản xuất vào những năm 1980, khi Mike Yurosek cắt một số củ cà rốt bị hỏng thành các kích cỡ nhỏ hơn. Vào thời điểm đó, nông dân trồng cà rốt đã vứt bỏ 70% sản phẩm vì bị sâu, thối hỏng hoặc có hình dạng kém hấp dẫn. Tiếc công sức bỏ ra, nông dân Yurosek khi ấy đã sử dụng một dụng cụ gọt khoai tây để cắt tỉa những củ cà rốt bị biến dạng, sau đó mang bán. Không ngờ, những củ cà rốt “tân trang” ấy lại khá đắt khách.
Ngày nay, nông dân cố tình trồng sao cho từ cây cà rốt thường, họ thu được... cà rốt baby, nghĩa là theo cách tự nhiên nhất, thay vì phải xử lý lại bằng dụng cụ. Cách thức cũng đơn giản: Cà rốt sẽ được thu hoạch trước khi chúng trưởng thành và cắt gọt chúng để đạt được kích cỡ hợp lý. Tiếp đó, cà rốt được nhúng vào clo, trước khi được rửa sạch lần cuối trong nước và đóng gói để bán. Các trang trại nói rằng clo là cần thiết để tiêu diệt vi khuẩn như E. coli, tuy nhiên, hầu hết các cơ quan y tế đều phản đối và cảnh báo việc sử dụng clo trong thực phẩm.
Cố tình “phá hoại” sản phẩm
Có thể bạn chưa từng nghe đến thuật ngữ “sự lỗi thời có kế hoạch”. Thuật ngữ này đề cập đến sự phá hoại một sản phẩm một cách có chủ ý, bởi chính nhà sản xuất của sản phẩm đó, chủ yếu trong lĩnh vực công nghệ cao. Các nhà sản xuất đã khai thác “vùng xám” này để buộc người dùng phải nâng cấp lên phiên bản mới hơn của sản phẩm của họ.
Năm ngoái, Apple bị cáo buộc đã cố tình làm chậm iPhone cũ để buộc người dùng phải mua các mẫu mới hơn. Apple không phải là công ty duy nhất thực hiện “chiêu” này. Chỉ có điều, Apple là hãng duy nhất bị “chỉ mặt đặt tên”. Họ có nhiều cách làm, trong đó Apple được cho là có thể đã bí mật thêm một mã lừa đảo vào các bản cập nhật phần mềm của họ để làm chậm thiết bị.
Các công ty không cung cấp thông tin cập nhật thường sẽ phá hoại sản phẩm trong quá trình sản xuất. Họ sử dụng vật liệu kém chất lượng trong một số bộ phận của sản phẩm, để nó sẽ bị hỏng sau một vài năm. Các nhà sản xuất xe hơi rất có kinh nghiệm về điều này, đó cũng là lý do họ phát hành các mẫu xe mới hàng năm.
Vì sao nói chiêu thức “lỗi thời có kế hoạch” là một biện pháp nằm trong “vùng xám”? Bởi vì việc này không phải là bất hợp pháp tại Mỹ, nhưng lại bất hợp pháp ở Pháp, nơi Apple có thể bị phạt nếu bị kết tội làm chậm iPhone cũ để buộc người dùng nâng cấp. Nhân viên Apple tham gia chương trình này cũng có thể bị kết án tù và phạt tiền.
(Còn tiếp)