Chiêu bài góp vốn hưởng lãi cao
Cơ quan CSĐT Công an TPHCM vừa hoàn tất kết luận điều tra (KLĐT), chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM đề nghị truy tố Kim Bumjae (52 tuổi, quốc tịch Hàn Quốc, Giám đốc Công ty Raon VN, Công ty Khanh Asset, có trụ sở tại Tầng 55, tòa nhà Bitexco thuộc P. Bến Nghé, Q.1, TPHCM), Nguyễn Thị Hương (28 tuổi, trợ lý cho Kim Bumjae) và 6 bị can khác về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hơn 65 tỷ đồng, từ hành vi huy động góp vốn với cam kết hưởng lãi cao.
Theo KLĐT, đầu năm 2015, thông qua giới thiệu, Kim Bumjae được một đối tượng người Hàn Quốc giới thiệu là Tổng Giám đốc Công ty IDS Holdings Hàn Quốc, có chi nhánh ở nhiều nước và đề nghị Kim Bumjae làm đại diện chi nhánh tại Việt Nam.
Nhiệm vụ của Kim là kêu gọi đầu tư, chuyển tiền huy động được về công ty mẹ để kinh doanh ngoại hối. Lợi nhuận từ khoản đầu tư này sử dụng để trả chi phí tại Việt Nam, ngoài ra được giữ lại 4% để trả lãi, hoa hồng. Số tiền còn lại chuyển sang Hàn Quốc để đầu tư kinh doanh ngoại hối (forex).
Sau đó, Kim lập thêm 9 công ty để thực hiện việc huy động tài chính trái pháp luật. Thực tế trong quá trình hoạt động, các công ty này không chuyển tiền sang Hàn Quốc đầu tư, không tiến hành các hoạt động kinh doanh như quảng cáo. Toàn bộ tiền huy động của nhà đầu tư được sử dụng để chi trả lãi, hoa hồng, duy trì hệ thống và chiếm đoạt, sử dụng cá nhân.
Cụ thể, từ tháng 4/2015 - 10/2018, Kim Bumjae thành lập 4 công ty: TNHH đầu tư IDS Capital, CP đầu tư IDS Holdings, TNHH Raon VN, TNHH Khanh Asset, để huy động tài chính trái pháp luật. Đồng thời, để lập các dự án khác nhằm lừa đảo các nhà đầu tư, Kim Bumjae còn chỉ đạo đồng phạm lập thêm 6 công ty: TNHH Khanh Holdings thầu dự án CLB Poker; Công ty TNHH MTV ăn uống Phú Gia để giới thiệu với nhà đầu tư là công ty mở rộng kinh doanh lĩnh vực karaoke; Công ty TNHH Khanh Tourist sử dụng ký kết các hợp đồng thuê tàu, thuê nhà thầu thi công tàu Khanh Cruise; Công ty TNHH Raon Global được sử dụng để thuê văn phòng tại tòa nhà Bitexco; Công ty CP Khanh Republic và Công ty TNHH MTV Khanh Initial cũng được thành lập nhưng không hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo KLĐT, Cơ quan CSĐT đã tiếp nhận 126 đơn tố cáo của cá nhân tố cáo Kim Bumjae và đồng phạm có hành vi chiếm đoạt hơn 87 tỷ đồng thông qua việc huy động tài chính bằng pháp nhân Công ty Raon VN, Khanh Asset. Quá trình làm việc, Công an TPHCM xác định 126 cá nhân trên đã nhận tổng số tiền lãi là hơn 26,5 tỷ đồng, trong đó 123 cá nhân bị chiếm đoạt hơn 65 tỷ đồng; 3 cá nhân không bị chiếm đoạt, được hưởng lợi gần 4,5 tỷ đồng.
Hoạt động đa cấp và nhiều hình thức trái pháp luật
Trước đó, từ tháng 3/2019 – 6/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM đã tiếp nhận 119 đơn tố giác của nhiều cá nhân khác nhau tố cáo về việc Công ty Raon Việt Nam và Công ty Khanh Asset do Kim Bumjae làm Giám đốc đại diện đã chiếm đoạt hơn 81,5 tỷ đồng của các nhà đầu tư thông qua việc thành lập nhiều công ty để huy động tài chính. Các công ty này không hoạt động kinh doanh mà lấy tiền của nhà đầu tư sau chi trả cho nhà đầu tư trước.
Theo đơn tố cáo, phần lớn các nạn nhân bị lừa đảo qua giới thiệu, được nhân viên của Kim Bumjae tư vấn, mời hội thảo. Sau đó, họ được nghe việc góp vốn đầu tư hưởng lợi nhuận cao gấp 2,5 lần so với lãi suất hằng tháng của ngân hàng.
Cụ thể, hợp đồng phía công ty này cam kết các điều khoản như khách hàng được nhận lợi nhuận hằng tháng mà không phụ thuộc vào kết quả hoạt động kinh doanh của công ty, không chịu bất kỳ sự chia sẻ rủi ro nào trong quá trình hợp tác kinh doanh, được bảo đảm toàn bộ giá trị phần góp vốn...
Trong phi vụ này, Kim Bumjae là người trực tiếp xây dựng, tổ chức hệ thống huy động tài chính bằng hình thức ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh, trả lãi hàng tháng trái pháp luật. Đồng thời, Kim Bumjae tạo lập website www.khanhmembers.com để thu tiền, trả lãi suất, hoa hồng theo mô hình đa cấp trái pháp luật, hứa hẹn với nhà đầu tư sử dụng nguồn tiền huy động để chuyển tiền đầu tư tại nước ngoài.
Ngoài ra, Kim Bumjae còn tổ chức các lớp dạy forex, kinh doanh quán cà phê, CLB Poker, kinh doanh karaoke, du thuyền, nhưng thực tế không đăng ký hoạt động hoặc thực hiện một cách hình thức để tạo niềm tin cho nhà đầu tư, lấy lợi nhuận chi trả lãi nhưng bản chất lấy tiền của người sau để chi trả cho người trước.
Đồng phạm của Kim Bumjae là Nguyễn Thị Hương (28 tuổi, ngụ tại P.2, Q. Tân Bình, TPHCM, trợ lý cho Kim Bumjae). Dù biết rõ cách thức hoạt động nhưng Hương vẫn giúp sức thành lập, tham gia quản lý, điều hành hoạt động của Công ty Raon Việt Nam và Công ty Khanh Asset. Số tiền hoa hồng người này nhận được hơn 2 tỷ đồng.
6 bị can còn lại là đồng phạm, bị đề nghị truy tố cùng tội danh, gồm Ninh Thị Thanh Thủy (làm từ 11/2015 - 7/2017, ban đầu là kế toán trưởng, sau đó tham gia với vai trò hỗ trợ kế toán, với tổng số tiền hưởng lãi, huê hồng hơn 4,1 tỷ đồng); Nguyễn Thị Hồng Qui (làm việc từ 4/2017 - 2/2018 với vai trò phụ trách kế toán, thụ hưởng lãi và huê hồng gần 300 triệu đồng); Nguyễn Thị Kim Thủy (làm việc từ 12/2017 - 2/2019 với vai trò kế toán trưởng, hưởng lãi và huê hồng trên 300 triệu đồng); Nguyễn Hoàng Duy (làm việc từ tháng 12/2016 - 2/2019 với vai trò phó giám đốc kinh doanh, hưởng lãi và huê hồng trên 5,2 tỷ đồng); Trần Quốc Chánh (làm việc từ 8/2017 - 11/2018 với vai trò trưởng phòng kinh doanh, hưởng lãi và huê hồng trên 1 tỷ đồng); Nguyễn Đức Lâm (làm việc từ 12/2017 - 2/2019 với vai trò trưởng phòng công nghệ thông tin, hưởng lãi và huê hồng gần 300 triệu đồng).
KLĐT của Cơ quan CSĐT Công an TPHCM xác định các bị can này biết hình thức hoạt động của công ty do Kim Bumjae làm giám đốc là không đúng pháp luật nhưng vẫn tiếp tay cho Kim Bumjae lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác để hưởng lợi.
Ngoài ra, đối với các đối tượng liên quan vụ án như Kim Sung Hoon, Lee Jung Hee, Park Hogeun và một cá nhân liên quan tại Hàn Quốc, Cơ quan CSĐT đã có yêu cầu tương trợ tư pháp trong tố tụng hình sự tại Hàn Quốc, sẽ tiếp tục củng cố, xử lý đối tượng khi đủ căn cứ.