Bất động sản trầm lắng: 'Cò' đất TikTok tung hoành

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Theo nhận định của giới chuyên gia, thị trường bất động sản (BĐS) hết quý I/2023 đến đầu quý II/2023 vẫn chưa có tín hiệu hồi phục rõ rệt.

Căn hộ chung cư vẫn thu hút sự quan tâm của người dân có nhu cầu ở thực. Ảnh minh họa
Căn hộ chung cư vẫn thu hút sự quan tâm của người dân có nhu cầu ở thực. Ảnh minh họa

Song, nhiều môi giới trên nền tảng mạng xã hội vẫn phóng đại các thông tin tích cực của thị trường nhằm bán được hàng và thu lợi cá nhân.

Chuyên gia online phán tương lai

Nghề môi giới nhà đất đóng vai trò quan trọng trong việc luân chuyển sản phẩm địa ốc cũng như dòng chảy của thị trường. Ở thời điểm sốt đất, dễ nhận thấy môi giới BĐS có mặt ở khắp nơi, hành nghề tại bất cứ đâu.

Chẳng hạn như quán trà đá treo biển môi giới nhà đất thì chủ tiệm thành nhà môi giới, hay những quán cà phê dựng thêm bảng bán nhà đất thì người bán cà phê trở thành “cò đất”…

Thời gian gần đây, những nhân vật “cò đất” trên không gian mạng ngày một xuất hiện với tần suất dày đặc, đáng chú ý trong số đó có nhiều người được biết đến trên ứng dụng TikTok. “Tất cả những ai mua BĐS vào năm 2023 đều sẽ giàu có vào năm 2024”, thông tin được một tài khoản có tên “N.V.T” tự xưng là chuyên gia địa ốc trên TikTok đăng tải.

Thông tin tài khoản này đăng tải chỉ vỏn vẹn trong chưa đầy 80 chữ với nội dung là các nhận định về tương lai thị trường. Những bài đăng này đều là góc nhìn một chiều của chủ tài khoản, không hề có các phân tích cụ thể, dẫn chứng hoặc số liệu đi kèm.

Đáng quan ngại những video ngắn chưa đến 10 giây của các vị “chuyên gia” lại đang thu hút hàng trăm nghìn lượt xem trên TikTok, điều này ở một góc gián tiếp lại khiến cho thị trường bị ảnh hưởng ít nhiều.

Anh Huỳnh Văn Ánh, nhà đầu tư tại Hà Nội cho biết, bản thân khá quan tâm đến thị trường BĐS, nên những thông tin được đăng trên nền tảng TikTok cũng làm anh bị thu hút.

“Nhiều tài khoản thường xuyên đăng tải các nhận định đầy tính cảm quan về thị trường. Một số người tự xưng là chuyên gia này còn cho rằng lãi vay sẽ tăng cao trong năm nay và năm sau, căn hộ chung cư dẫu giảm giá vẫn không có ai mua”, anh Ánh cho biết.

Chị Nguyễn Lan Anh (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, chị cũng rất quan tâm đến các nội dung về BĐS, tuy nhiên một số kênh

TikTok đưa ra thông tin mang tính quy chụp, một chiều. Chẳng hạn như “tất cả những ai mua BĐS trong năm 2023 đều sẽ giàu có vào năm 2024”.

“Việc cứ xuống tiền là có lãi chưa từng có tiền lệ đối với thị trường BĐS. Một giao dịch địa ốc thành công sẽ phải đảm bảo nhiều yếu tố như tính pháp lý, khả năng thanh khoản, giá bán, vị trí…

Ngoài ra, thông tin giá BĐS giảm mạnh còn thiếu cơ sở và dẫn chứng. Biến động giá ở mỗi phân khúc đều có sự khác nhau. Vì vậy, không thể kết luận chung là giá đang giảm mạnh”, chị Lan Anh nhìn nhận.

Ở khía cạnh khác, không chỉ tư vấn, một số kênh TikTok còn khoe việc kiếm được rất nhiều tiền từ việc bán BĐS “lướt sóng” sau khoảng 2-3 tháng đã kiếm được 150 triệu đồng. Điều này khiến người xem cảm thấy việc kiếm tiền từ buôn bán BĐS rất dễ dàng, tạo tâm lý xấu trong xã hội.

Thị trường vẫn chưa có sức bật

Một môi giới đang nhận định thị trường bất động sản trên ứng dụng TikTok.

Một môi giới đang nhận định thị trường bất động sản trên ứng dụng TikTok.

Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) nhận định, thị trường vẫn tiếp tục ghi nhận thông tin giải thể, tạm ngừng hoạt động của một lượng lớn doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực BĐS. Tình trạng bỏ nghề, thất nghiệp vẫn diễn ra theo chiều hướng tăng mạnh trong ngành BĐS.

Dữ liệu của VARS cũng cho thấy, thanh khoản trên thị trường đang có xu hướng giảm rõ rệt, đặc biệt so với giai đoạn sốt đất nửa đầu năm 2022. Cùng đó là sự thiếu vắng nguồn cung phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở có mức giá phù hợp với thu nhập của số đông người dân; giá căn hộ tại các thành phố lớn tăng liên tục và chưa có tín hiệu dừng lại...

Nguồn cung ra thị trường quý I/2023 đạt khoảng 25.000 sản phẩm, chủ yếu là hàng tồn kho từ các dự án mở bán trước đó. Tỷ lệ hấp thụ trong quý vừa qua cũng chỉ đạt khoảng 11%, tương đương hơn 2.700 giao dịch, giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá BĐS, đặc biệt là sản phẩm đất nền ở những khu vực từng xảy ra sốt đất tiếp tục được điều chỉnh về giá trị phù hợp, tương xứng với giá trị đầu tư vào nội tại sản phẩm và hạ tầng khu vực.

Nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính, đặc biệt có sử dụng chương trình ưu đãi lãi suất, ân hạn nợ gốc giai đoạn 2018 - 2022 của các chủ đầu tư buộc phải cắt lỗ từ 10 - 30%, thậm chí lên đến 30 - 50% giá trị đầu tư.

Những người thế chấp BĐS để vay tiền ngân hàng không có khả năng nộp bổ sung tiền, tài sản bị ngân hàng phát mãi tài sản đảm bảo để thu hồi nợ, càng tạo áp lực về thanh khoản cho thị trường.

Theo TS Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, trong quý I, tình trạng chờ đợi, trầm lắng vẫn đang tồn tại.

Tuy nhiên, thị trường vẫn xuất hiện những điểm sáng ở các địa phương phát triển mạnh về hạ tầng, tốc độ đô thị hóa cao, đặc biệt là các sản phẩm nhà ở được đầu tư bởi các chủ đầu tư uy tín, có pháp lý tốt, phục vụ nhu cầu thực, có thanh khoản tốt trong dài hạn và nhu cầu cho thuê cao.

Căn hộ chung cư để ở, có quy mô, tiện ích và chất lượng tốt tại khu vực trung tâm các thành phố lớn, có tốc độ dịch chuyển dân số cơ học nhờ sự phát triển của các khu công nghiệp, khu trung tâm dịch vụ du lịch vẫn thu hút sự quan tâm của người dân có nhu cầu ở thực, trong đó có cả nhu cầu sản phẩm cao cấp, đầu tư. Nhu cầu mua đất nền làm tài sản vẫn được nhà đầu tư ưa chuộng và tiếp tục là phân khúc được lựa chọn hàng đầu.

Đặc biệt, kể từ đầu tháng 3, sau khi Chính phủ có hàng loạt động thái rõ ràng nhằm tháo gỡ khó khăn, phát triển thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững thì thị trường này bắt đầu ghi nhận thêm những tín hiệu quan tâm từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ