Bất động sản nghỉ dưỡng “đóng băng”: Nhà đầu tư điêu đứng

GD&TĐ - Ngoài việc phải chịu sự tác động mạnh mẽ của dịch Covid-19, bất động sản nghỉ dưỡng đang phải đối mặt với làn sóng “tháo chạy” sau những lùm xùm của Condotel CocoBay Đà Nẵng.

Bất động sản nghỉ dưỡng đang giảm dần sức hút vì sự e dè của nhà đầu tư.
Bất động sản nghỉ dưỡng đang giảm dần sức hút vì sự e dè của nhà đầu tư.

Các chỉ số tích cực của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng quý IV vì thế gần như “đóng băng”. 

70% dự án “đứng hình”

Báo cáo mới nhất của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho thấy trong 9 tháng đầu năm 2020, cả nước ghi nhận hơn 4.000 sản phẩm Condotel mới được chào bán ra thị trường.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, thị trường Condotel gần như đóng băng khi lượng giao dịch không đáng kể.

Những khu vực dẫn đầu về thị trường Condotel vào các năm 2018, 2019 như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Phú Quốc, Bình Thuận, Khánh Hòa đều có số lượng giao dịch ở mức rất thấp. 

Nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm mạnh mẽ của thị trường Condotel là do khung pháp lý vẫn chưa thực sự rõ ràng; tiếp đó do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 đến toàn bộ nền kinh tế, trong đó lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Mặt khác, sau những đổ vỡ của CocoBay (Đà Nẵng), tâm lý e ngại, mất niềm tin của khách hàng, nhà đầu tư bởi việc phá vỡ cam kết ở một số dự án du lịch, nghỉ dưỡng vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục. Điều đó dẫn đến việc 2/3 (70%) dự án có sản phẩm đang chào bán trên thị trường không phát sinh giao dịch. 

Năm 2019, khách nội địa đạt 85 triệu/103 triệu lượt du khách. Bên cạnh đó, du khách Việt Nam xuất ngoại đã đạt mức tăng trưởng đáng chú ý, từ 4,8 triệu chuyến đi trong năm 2012 lên tới 8,6 triệu chuyến đi trong năm 2018.

Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, nhóm du khách nội địa sẽ là “điểm nổ” cho thị trường vào cuối năm, khi họ có nhiều kinh nghiệm du lịch và có mức chi tiêu cao hơn, họ sẽ có xu hướng khám phá những điểm đến mới tại Việt Nam trong thời gian tới, khi mà hầu hết các thị trường du lịch quốc tế đều chưa mở. 

“Những thuận lợi về khoảng cách gần, lượng du khách lớn, cộng thêm việc đang thành công trong việc khống chế dịch Covid-19 của Việt Nam sẽ giúp cho hoạt động du lịch sớm trở lại ngay sau khi chấm dứt dịch bệnh, qua đó kích hoạt lại thị phần bất động sản nghỉ dưỡng” - ông Đính nói. 

Đồng quan điểm, ông Mauro Gasparotti - Giám đốc Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam thực tế đã bắt đầu quá trình hồi phục, điều này có được từ sự manh nha trở lại của dòng khách nội địa và cần tập trung đẩy mạnh thị trường này bằng cách bảo đảm an toàn cho du khách khi đi du lịch. 

“Rào cản lớn của du lịch hiện nay chính là tình hình dịch bệnh còn phức tạp, nhưng chỉ là tạm thời, còn về lâu dài, du lịch Việt Nam rất tiềm năng. Những con số về khách du lịch nội địa rất đáng lạc quan, tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, thị trường vẫn chưa thể phục hồi ngay như kỳ vọng và sẽ cần thêm thời gian để “tái tạo” và tăng sức bật” – ông Mauro Gasparotti đánh giá.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho rằng: Dù Việt Nam đang chiếm ưu thế lớn trong công tác khống chế dịch Covid-19, cùng lượng khách du lịch nội địa tăng nhanh trong vài năm qua nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc thị trường bất động sản nghỉ dưỡng có thể nhanh chóng hồi phục trong quý IV năm 2020.

Bởi thực tế, niềm tin của nhà đầu tư vào thị phần này đang chững lại bởi các “tì vết” không mấy vui vẻ của mô hình Condotel thời gian qua. Cộng thêm các chính sách cho việc phát triển bất động sản nghỉ dưỡng ngày càng bị siết chặt về tính pháp lý từ các cơ quan chức năng khiến thị trường này có thể phải mất vài năm mới hồi phục lại.

Bộ Xây dựng siết, nhà đầu tư tháo chạy?

Trước những bất cập nảy sinh ngày một nhiều của loại hình bất động sản này, tháng 9/2020, Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị các địa phương quản lý chặt việc đầu tư xây dựng dự án có bố trí căn hộ lưu trú (condotel), văn phòng kết hợp lưu trú (officetel), biệt thự nghỉ dưỡng (resort villa), nhà ở thương mại liền kề (shophouse).

Theo đó, Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương khi quyết định chủ trương đầu tư các dự án có các loại hình bất động sản nêu trên cần bảo đảm tính thống nhất về mục đích đầu tư, mục đích sử dụng đất với chức năng của công trình; lưu ý việc hình thành và phát triển loại hình bất động sản này phải phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương theo từng thời kỳ. 

Đặc biệt, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, TP căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, cân nhắc công tác cấp mới các thủ tục pháp lý cho phép đầu tư xây dựng (phê duyệt quy hoạch, quyết định chủ trương đầu tư các dự án đầu tư xây dựng có các loại hình bất động sản nêu trên) trong khi việc quản lý, vận hành các loại hình bất động sản này vẫn còn một số tồn tại. 

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cho biết: Ngoài việc siết về pháp lý, Bộ Xây dựng còn yêu cầu cơ quan chuyên môn về xây dựng khi thực hiện công tác thẩm định dự án, thiết kế xây dựng, cấp phép xây dựng, kiểm tra công tác nghiệm thu cần kiểm tra, rà soát kỹ các cơ sở pháp lý về quy hoạch xây dựng, chủ trương đầu tư. 

“Đặc biệt Bộ Xây dựng yêu cầu các cơ quan có chức năng phải đánh giá việc tuân thủ hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đặc biệt là các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về căn hộ lưu trú, văn phòng kết hợp lưu trú, biệt thự nghỉ dưỡng, nhà ở thương mại liền kề mới được ban hành.

Trường hợp còn thông tin chưa rõ liên quan đến dân số của chức năng lưu trú, khả năng đáp ứng hạ tầng khu vực thì cần có văn bản gửi cơ quan quản lý quy hoạch của địa phương để được làm rõ. Đây là những ràng buộc pháp lý rất chắc chắn mà Bộ Xây dựng đưa ra”, ông Châu nói. 

Anh Nguyễn Thanh Phong - chủ hai căn hộ tại một dự án căn hộ nghỉ dưỡng ở Bà Rịa - Vũng Tàu tỏ ra ngán ngẩm: “Tôi vay mượn để đầu tư nhưng giờ thấy Bộ Xây dựng siết pháp lý dự án quá chặt. Không biết dự án có thể tiếp tục triển khai? Tiền thì đã đóng vào dự án theo tiến độ nhưng hiện dự án đang bị tạm dừng để hoàn thiện và bổ sung pháp lý nên cũng không biết khi nào thì về đích.

Kế hoạch ban đầu tôi dự tính là khoảng 1,5 - 2 năm sẽ nhận căn hộ và có phát sinh tiền lãi đầu tư. Còn như hiện giờ là chết đứng luôn, tháo chạy cũng không xong vì nhà đầu tư khác họ cũng ngán ngại” - anh Phong cho biết. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.