Ngay từ khi Thông tư 02/2017 được Bộ Y tế công bố, đã gây mối lo ngại lớn trong dư luận, đặc biệt đối với những người không có BHYT. Tuy nhiên, theo giải thích của Bộ Y tế, không phải là từ ngày 1/6 tất cả các bệnh viện (BV) trên toàn quốc thực hiện mức giá tối đa này, mà Bộ Y tế sẽ quy định mức giá và thời điểm thực hiện cụ thể tại các BV thuộc Bộ Y tế, BV hạng đặc biệt, hạng 1 thuộc các bộ, ngành quản lý. UBND cấp tỉnh trình HĐND cấp tỉnh quy định mức giá và thời điểm thực hiện đối với các BV thuộc địa phương quản lý và các BV do các bộ, ngành khác quản lý từ hạng 2 trở xuống.
Thời điểm thực hiện tại mỗi đơn vị, địa phương sẽ khác nhau, tùy thuộc vào sự quyết định của cấp có thẩm quyền. Nhưng, Thông tư 02 quy định, đến hết năm 2017 phải thực hiện mức giá này trên cả nước. Vì thế, trước mắt, từ ngày 1/6, khoảng 50 BV hạng đặc biệt, hạng 1 thuộc Bộ Y tế và thuộc các bộ, ngành sẽ điều chỉnh tăng. Theo lộ trình, 30 tỉnh sẽ thực hiện tăng giá viện phí vào tháng 8 tới, 15 tỉnh thực hiện vào tháng 10 và 18 tỉnh thực hiện vào tháng 12. Hà Nội sẽ thực hiện trong tháng 8, còn TPHCM sẽ thực hiện vào tháng 10.
Bộ Y tế cũng khẳng định Thông tư 02 không làm ảnh hưởng đến người có thẻ BHYT, người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội, vì các đối tượng này đã được Nhà nước mua thẻ BHYT và được bảo hiểm xã hội thanh toán chi phí KCB theo quy định. Nhưng, đối với những người chưa có thẻ BHYT thì Thông tư này ảnh hưởng rất lớn.
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện nay đã có 81,7% dân số với gần 76 triệu người đã có thẻ BHYT. Như vậy, vẫn còn khoảng 18% dân số chưa tham gia BHYT sẽ chịu tác động của việc điều chỉnh giá viện phí này.