Bất công về khí hậu toàn cầu

GD&TĐ - Thiết lập cơ chế tổn thất và thiệt hại được coi là một trong những con đường để giải quyết vấn đề bất công về khí hậu toàn cầu.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Cụm từ như “mất mát và thiệt hại” có thể sẽ được đề cập vào những tuần tới, khi lãnh đạo các quốc gia tới Ai Cập để tham dự Hội nghị về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc.

Nhiều quốc gia có nguy cơ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu đang phải trải qua những đợt nắng nóng khắc nghiệt, lũ lụt và thảm họa. Một ví dụ điển hình là Pakistan. Tại quốc gia này, lượng mưa lớn kỷ lục vào hè đã gây ngập lụt gần 1/3 Pakistan.

Lũ lụt đã biến nông trại của Pakistan thành hồ nước rộng hàng km, khiến cả cộng đồng mắc kẹt trong nhiều tuần. Hơn 1.700 người thiệt mạng, hàng triệu người mất nhà cửa và sinh kế, hơn 1,6 triệu ha cây trồng và vườn cây ăn quả, cũng như gia súc, bị chết đuối hoặc hư hại. Sau ngập lụt cũng là thời điểm Pakistan ghi nhận tình trạng gia tăng bệnh sốt rét. Lý do là vì muỗi đã sinh sôi trong vùng nước tù đọng.

Pakistan chỉ đóng góp khoảng 1% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu - yếu tố thúc đẩy biến đổi khí hậu. Song, khí nhà kính không nằm trong biên giới quốc gia. Thực tế, khí thải ở bất kỳ đâu cũng ảnh hưởng đến khí hậu toàn cầu. Khí hậu ấm lên làm tăng lượng mưa. Các nghiên cứu cho thấy, biến đổi khí hậu có thể đã làm tăng cường độ mưa ở Pakistan lên tới 50%.

Trong khi đó, các quốc gia ở châu Phi có lượng phát thải khí nhà kính quốc gia thấp nhất. Song, châu lục này lại là nơi có nhiều quốc gia dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu nhất thế giới.

Để đối phó với biến đổi khí hậu, các quốc gia này sẽ phải đầu tư vào các biện pháp thích ứng, như tường chắn sóng, nông nghiệp thông minh, hoặc cơ sở hạ tầng có khả năng chống chọi tốt hơn với nhiệt độ cao và bão mạnh.

Mất mát và thiệt hại khác với sự thích nghi. Sau thảm họa khí hậu, các quốc gia thường cần trợ giúp tài chính để chi trả cho nỗ lực cứu trợ, sửa chữa và khôi phục cơ sở hạ tầng.

Ai Cập đang nhấn mạnh sự cần thiết của các quốc gia giàu có phải đạt được nhiều tiến bộ hơn, trong việc cung cấp hỗ trợ tài chính cho cả sự thích ứng và mất mát cũng như thiệt hại. Vấn đề này đã gợi lên câu hỏi: Tại sao các quốc gia ít gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu lại phải chịu trách nhiệm về thiệt hại do khí thải từ những nước phát triển?

Trung tâm Giải pháp Khí hậu và Năng lượng mong muốn các cuộc thảo luận tập trung vào thỏa thuận thể chế cho mất mát và thiệt hại. Trong đó, tập trung vào việc cung cấp hỗ trợ kỹ thuật để giúp các nước đang phát triển giảm tổn thất và thiệt hại.

Các chuyên gia nhận định, yếu tố khiến các nước phát triển lưỡng lự trong việc chính thức hóa cơ chế tổn thất và thiệt hại là vì lý do liên quan đến cách xác định quốc gia hoặc cộng đồng đủ điều kiện để được bồi thường. Một yếu tố khác là những hạn chế của cơ chế đó.

Ngưỡng đủ điều kiện về mất mát và thiệt hại sẽ như thế nào? Hạn chế các quốc gia hoặc cộng đồng nhận bồi thường cho những mất mát và thiệt hại dựa trên lượng khí thải hoặc tổng sản phẩm quốc nội hiện tại của họ có thể trở thành một quá trình phức tạp.

Hầu hết các chuyên gia khuyên nên xác định điều kiện dựa trên tính dễ bị tổn thương do khí hậu. Song, phương pháp này cũng khó tránh khỏi những khó khăn nhất định.

Thiết lập cơ chế tổn thất và thiệt hại được coi là một trong những con đường để giải quyết vấn đề bất công về khí hậu toàn cầu. Chắc hẳn, mọi sự chú ý sẽ đổ dồn về Ai Cập từ ngày 6 - 18/11 để xem cách các nhà lãnh đạo thế giới phản ứng về vấn đề này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...