Đào tạo nghề trọng điểm cho thanh niên: Thiếu và yếu nhiều điều kiện căn bản

GD&TĐ - Hầu hết các cơ sở GDNN của Việt Nam còn nhiều hạn chế về cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng, môi trường sư phạm, năng lực đội ngũ quản lý, đội ngũ nhà giáo...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Điều này ảnh hưởng đến quá trình đào tạo nghề trọng điểm cho người học.

Nhiều hạn chế trong đào tạo nghề trọng điểm

Các rủi ro phi truyền thống, tình trạng già hóa dân số, hội nhập kinh tế… khiến thế giới việc làm thay đổi nhanh, khó đoán. Để phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cần chuyển hướng đào tạo từ diện nghề hẹp, chuyên sâu sang đào tạo diện nghề rộng. Đồng thời, tích hợp liên ngành, nghề, giúp người học dễ dàng dịch chuyển nghề nghiệp trên thị trường lao động không biên giới và đa văn hóa.

Ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, cho biết, từ năm 2016 đến nay, việc đào tạo ngành, nghề trọng điểm trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã được triển khai rất quyết liệt và có tính đồng bộ cao. Nhiều trường cao đẳng, trung cấp đã được đầu tư từng bước hiện đại đồng bộ từ chương trình, giáo trình, cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ đào tạo, đào tạo cán bộ quản lý, nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo... Các cơ sở GDNN công lập được đầu tư trọng điểm đã tạo ra nhiều sự đột phá trong đào tạo nghề chất lượng cao.

Việc thí điểm đào tạo nghề trọng điểm cấp độ quốc tế đã đem lại cho các cơ sở GDNN tham gia trực tiếp nhiều lợi ích to lớn. Theo ông Ngọc thì đây là cách tiếp cận công nghệ, năng lực đào tạo chất lượng cao cấp độ quốc tế nhanh nhất, hiệu quả nhất và tiết kiệm nhất, có thể gọi là đi tắt đón đầu. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số hạn chế trong đào tạo nghề trọng điểm cho thanh niên.

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cho rằng, các quy định, tiêu chuẩn đào tạo nghề trọng điểm cần có được văn bản quy định, hướng dẫn tổ chức thực hiện. Đồng thời, cần sớm đưa ra các quy định, tiêu chuẩn đào tạo các nghề trọng điểm cho từng cấp độ đào tạo.

Hầu hết các cơ sở GDNN của Việt Nam còn nhiều hạn chế về cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng, môi trường sư phạm, năng lực đội ngũ quản lý, đội ngũ nhà giáo... Đặc biệt là năng lực quản trị chất lượng, các kỹ năng sư phạm hiện đại.

Vì vậy, các cơ sở GDNN cần năng động hơn trong hợp tác đào tạo gắn với doanh nghiệp, hoạt động đào tạo nghề trọng điểm phải có sự tham gia của doanh nghiệp. Trong khi, doanh nghiệp tại Việt Nam thì hầu hết không có trung tâm đào tạo hoặc bộ phận đào tạo tại doanh nghiệp như của các nước phát triển. Đây chính là nút thắt trong hợp tác hiệu quả giữa nhà trường và doanh nghiệp.

“Thực tế nước ta chưa có giáo dục định hướng nghề nghiệp hiệu quả cho thanh niên ngay từ bậc học trung học cơ sở đến trung học phổ thông”, ông Ngọc đánh giá.

Chú trọng cam kết trách nhiệm

Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển kinh tế, đặc biệt là thu hút các doanh nghiệp FDI từ các nước phát triển đầu tư tại Việt Nam, có nhiều cơ hội Việt Nam trở thành công xưởng, trung tâm logictics của khu vực và thế giới. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng đang phát triển nhanh và trở thành doanh nghiệp quy mô toàn cầu.

Để nắm bắt được cơ hội này, GDNN Việt Nam cần chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao với trọng tâm là đào tạo các nghề trọng điểm cho thanh niên. Nếu không thực hiện được mục tiêu này sẽ mất đi nhiều cơ hội thu hút các doanh nghiệp công nghệ cao. Từ đó, thanh niên Việt Nam mất đi cơ hội việc làm tốt ngay trên quê hương của mình. Còn doanh nghiệp phải nhập khẩu nhân lực sẽ dẫn đến chi phí cao.

Theo ông Đồng Văn Ngọc, trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số toàn cầu là cơ hội cho các nước đang phát triển như Việt Nam. Đây là cơ hội đi tắt đón đầu để nắm bắt và làm chủ khoa học, công nghệ. Dù vậy, đó cũng là thách thức cho thanh niên Việt Nam.

Bởi thanh niên cần được đào tạo nghề nghiệp bài bản, từ kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp đến ngoại ngữ, kỹ năng mềm, văn hóa doanh nghiệp. Cùng với đó là kỹ năng thanh niên công dân toàn cầu và đặc biệt là năng lực tự học tập thích ứng với công nghệ mới, kỹ năng mới.

Ông Đồng Văn Ngọc cho rằng, Nhà nước cần rà soát quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN để đảm bảo đáp ứng đào tạo nhân lực mỗi địa phương, vùng miền. Từ đó để đầu tư hiện đại, đồng bộ cho các cơ sở GDNN có đủ năng lực đào tạo các nghề trọng điểm cho thanh niên.

Các cơ sở GDNN cũng phải có sự cam kết trách nhiệm để đảm bảo đầu tư hiệu quả. Tránh trường hợp sau khi đầu tư, cơ sở GDNN cũng không thể đào tạo đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn của các cấp độ ngành, nghề trọng điểm.

Ngoài ra, Nhà nước cần sớm ban hành bộ quy định, tiêu chuẩn, tiêu chí đảm bảo chất lượng về các cấp độ ngành, nghề trọng điểm để làm tham chiếu, làm cơ sở quản lý Nhà nước về đảm bảo chất lượng. Đồng thời làm cơ sở để đối sánh chương trình đào tạo ngành, nghề trọng điểm các cấp độ. Nhà nước cần có cơ chế chính sách khuyến khích sử dụng nhân lực được đào tạo các nghề trọng điểm. Nhất là chính sách đãi ngộ, tiền lương, cơ hội thăng tiến và cơ hội học tập suốt đời.

Bên cạnh đó, các cơ sở GDNN được tham gia đào tạo ngành, nghề trọng điểm cho thanh niên cần xác định rõ mục tiêu, vai trò, gắn trách nhiệm nhà trường với trách nhiệm người học. Các cơ sở GDNN phải có cam kết mạnh mẽ về việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp, làm cho người học yên tâm và hài lòng với sự lựa chọn nghề nghiệp của mình.

Cần làm tốt hơn, hiệu quả hơn giáo dục định hướng nghề nghiệp cho thiếu niên, thanh niên một cách hợp lý, rõ ràng và khoa học. Để thế hệ thanh niên có đủ kiến thức lựa chọn được bậc học, ngành, nghề phù hợp với năng lực bản thân và đáp ứng được nhu cầu nhân lực của xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiện nay, tình hình an ninh mạng tại Việt Nam đang trở nên phức tạp hơn thể hiện qua số lượng đáng báo động là 13.900 vụ tấn công mạng được ghi nhận vào năm 2023.

'Giải mã' mục tiêu của mã độc Ransomware

GD&TĐ - Ransomware là một loại virus được mã hóa có nguy cơ gây tổn thương hệ thống mạng toàn cầu; cứ 11 giây, một tổ chức là mục tiêu của mã độc Ransomware.