Bắt buộc giáo viên soạn giáo án bằng cách viết tay: Quy định chưa đúng

GD&TĐ - Báo Giáo dục & Thời đại nhận được kiến nghị của một số giáo viên huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) về việc Phòng GD&ĐT huyện này đưa ra quy định: Giáo viên phải soạn giáo án viết tay mà không được dùng máy vi tính như những năm học trước.  

Một lớp học của Trường THCS Lý Tự Trọng (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc).	Ảnh: Báo Vĩnh Phúc
Một lớp học của Trường THCS Lý Tự Trọng (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc). Ảnh: Báo Vĩnh Phúc

Qua trao đổi, ông Nguyễn Huy Sơn - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bình Xuyên xác nhận là có sự việc này. Tuy nhiên, theo ông Sơn, việc yêu cầu giáo viên soạn giáo án bằng viết tay không áp dụng đối với 100% giáo viên trên địa bàn. Cụ thể, ngày 16/10/2018, ông Sơn đã ký Công văn số: 186/CV - GD&ĐT về việc “Quy định soạn giáo án từ năm học 2018 - 2019”.

Theo Công văn này, Phòng GD&ĐT chỉ đạo các nhà trường giám sát việc soạn giáo án in như sau: Những giáo viên được tùy chọn soạn giáo án in hoặc viết tay gồm: Giáo viên dạy giỏi cấp huyện; Chiến sỹ thi đua cơ sở được bảo lưu trong 3 năm; Giáo viên cốt cán; Tổ trưởng, Tổ phó chuyên môn; Ban giám hiệu được tùy chọn cách soạn giáo án in hoặc viết tay trong năm học được phân công công việc và những giáo viên được đào tạo Tin học và dạy môn Tin học. Các trường hợp còn lại soạn giáo án viết tay.

Lý giải về quy định này, Công văn nêu rõ: Việc soạn giáo án đóng vai trò quan trọng trong hoạt động dạy học. Qua đó thể hiện trách nhiệm, tính chuyên nghiệp của đội ngũ nhà giáo và thể hiện chất lượng bài giảng của giáo viên. Bên cạnh việc tham khảo giáo án trên Internet, một số giáo viên không còn quan tâm tới chất lượng soạn giáo án, bởi chỉ cần vài thao tác trên máy tính là có thể “bê nguyên xi” rồi in ra để dạy và đối phó với cấp trên khi kiểm tra.

Thực tế, qua kiểm tra giáo án của giáo viên, đặc biệt là giáo án in trên máy tính cho thấy có nhiều điểm tồn tại: Một số giáo viên soạn giáo án theo kiểu chống đối; Giáo án copy, chỉnh sửa qua loa, phông chữ, kiểu chữ khác nhau; Phần vẽ hình tác giả phải vẽ thêm sau khi in; Hệ thống câu hỏi lủng củng, chưa phù hợp, câu hỏi của giáo viên một đường, phần hướng dẫn học sinh thực hiện một nẻo.

Từ thực tế nêu trên Phòng GD&ĐT đã chấn chỉnh lại việc soạn giáo án lên lớp của giáo viên bằng cách ban hành văn bản quy định soạn giáo án, trong đó có một số giáo viên bắt buộc phải soạn bằng cách viết tay.

Đặt vấn đề về việc mới đây Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ban hành Chỉ thị 138/CT-BGDĐT “Về việc chấn chỉnh tình trạng lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường”, ông Sơn cho biết: “Chúng tôi đã nghiên cứu Chỉ thị này và sẽ có hướng dẫn để điều chỉnh phù hợp với thực tiễn”.

Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Khương Duy - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc cho rằng, việc Phòng GD&ĐT có công văn yêu cầu giáo viên soạn giáo án bằng tay là chưa đúng. “Chúng tôi đã nắm được thông tin và yêu cầu Phòng GD&ĐT Bình Xuyên có văn bản thay thế. Tinh thần là để giáo viên chủ động lựa chọn hình thức soạn giáo án (có thể soạn giáo án điện tử hoặc viết tay). Quan trọng là phát huy được năng lực, sự sáng tạo của giáo viên để phục vụ tốt trong công tác giảng dạy”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

GD&TĐ - Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã vạch kế hoạch chuẩn bị lực lượng gìn giữ hòa bình để cứu chính phủ Ukraine hiện nay.